Bộ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam thuộc nhóm có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á

Việt Nam hiện có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á.

Sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Bạc Liêu có ý kiến gửi Bộ Y tế kiến nghị tăng cường các chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; giám sát việc thực hiện chính sách tại cơ sở; nâng mức kinh phí hỗ trợ cho các chi hội người cao tuổi.

Người cao tuổi chiếm trên 16% dân số

Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết ngày 23-11-2009, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Người cao tuổi. Để triển khai thực hiện luật này, Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người cao tuổi.

Các địa phương đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện Luật Người cao tuổi, góp phần thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách đối với người cao tuổi, củng cố bộ máy tổ chức Hội Người cao tuổi.

Hệ thống văn bản được ban hành đã quy định chi tiết, đầy đủ về chính sách chăm sóc sức khỏe, chúc thọ, mừng thọ, phụng dưỡng, phát huy vai trò, trợ giúp xã hội và quản lý hoạt động của các cơ sở chăm sóc đối với người cao tuổi.

 Cả nước hiện có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm trên 16% dân số. Ảnh minh họa: TRẦN MINH

Cả nước hiện có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm trên 16% dân số. Ảnh minh họa: TRẦN MINH

Sau gần 15 năm thực hiện Luật Người cao tuổi đã thu được những kết quả nhất định. Người cao tuổi đã được tạo điều kiện để tích cực tham gia vào các phong trào xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, thể dục, thể thao tại địa bàn.

Hàng năm, ngân sách Nhà nước bố trí khoảng 28 nghìn tỉ đồng để chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng và mua thẻ BHYT cho đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có người cao tuổi.

Đến nay, 95% người cao tuổi được cấp thẻ BHYT; hơn 1,87 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hơn 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công với cách mạng; hơn 2,7 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; hơn 6.300 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được thành lập và hoạt động, góp phần tích cực chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc huy động nguồn lực xã hội để chăm lo cho người cao tuổi được thực hiện hiệu quả. Các cấp Hội Người cao tuổi đã thăm hỏi, tặng quà cho hàng triệu lượt người cao tuổi, tổ chức trao "Mái ấm tuổi già", "Xóa nhà dột nát" cho người cao tuổi.

Hàng năm, các hội, tổ chức đoàn thể các cấp tổ chức nhiều đợt khám sàng lọc các bệnh không lây nhiễm, cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi; thăm, tặng quà cho người cao tuổi điều trị bệnh.

Theo Dữ liệu dân cư quốc gia, cả nước hiện có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm trên 16% dân số. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á, thời gian chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già là 17-20 năm, ngắn hơn so với nhiều nước khác.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách

Trước tình hình mới, để tăng cường bảo đảm an sinh xã hội đối với người dân, trong đó có người cao tuổi, ngày 24-11-2023, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết 42 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch 19 ngày 27-11-2023 về việc thực hiện Nghị quyết 42; Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 ngày 9-5-2024 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 42.

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Chính phủ, ngày 21-2-2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 383 phê duyệt Chiến lược quốc gia người cao tuổi đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách về người cao tuổi theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội.

 Người cao tuổi được thăm khám sàng lọc sức khỏe tại Trạm Y tế phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM. Ảnh: TRẦN MINH

Người cao tuổi được thăm khám sàng lọc sức khỏe tại Trạm Y tế phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM. Ảnh: TRẦN MINH

Về kiến nghị tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách tại cơ sở, hàng năm, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH (nay là Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ Y tế) thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra thực hiện chính sách đối với người cao tuổi tại các địa phương.

Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam tổ chức nhiều đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc thực hiện Luật Người cao tuổi tại một số địa phương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật đối với người cao tuổi.

Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người cao tuổi tại cơ sở để đánh giá tình hình, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đối với người cao tuổi.

Về việc nâng mức kinh phí hỗ trợ cho các chi hội người cao tuổi, nội dung này thuộc thẩm quyền quản lý của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng chính sách phù hợp với người cao tuổi khi có đề nghị từ các đơn vị liên quan.

THANH TÚ

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-truong-bo-y-te-viet-nam-thuoc-nhom-co-toc-do-gia-hoa-dan-so-nhanh-nhat-chau-a-post841323.html