Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 Alok Sharma tới thăm Việt Nam
Chủ tịch COP26 Alok Sharma đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Chuyến thăm cho thấy nỗ lực của Vương quốc Anh trong việc thực hiện các cam kết trong Hiệp ước Khí hậu Glasgow tại COP26.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 13 - 15/02, Chủ tịch COP đã gặp và làm việc cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà - Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Xuyên suốt chuyến thăm, ông Sharma hoan nghênh những cam kết đầy tham vọng mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra tại COP26, bao gồm cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050 và việc tán thành tuyên bố chung toàn cầu về chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch. Ông cũng nhấn mạnh quyết tâm của Vương quốc Anh trong việc hợp tác với Việt Nam để thực hiện được các cam kết nêu trên, cũng như đưa ra một Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2030 phù hợp với mục tiêu của Thỏa thuận Paris – theo mục tiêu nhiệt độ nóng lên toàn cầu ở mức không quá 1.5 độ C.
Chủ tịch COP26 cũng ghi nhận tầm quan trọng của quy mô vốn đầu tư công để Việt Nam thực hiện quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch và của nguồn tài chính để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết đầy tham vọng về khí hậu. Điều này bao gồm cơ hội tiềm năng từ “Sáng kiến Xanh - Sạch”, một sáng kiến hỗ trợ các nước đang phát triển để tận dụng lợi thế của công nghệ xanh và tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Trong buổi trao đổi với các tổ chức xã hội dân sự, ông Sharma đã tìm hiểu về những cơ hội và thách thức của Việt Nam và các tổ chức này trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Sharma nhấn mạnh rằng chìa khóa cho sự thành công của COP26 là nhờ sự tích cực hoạt động và tương tác cùng các tổ chức trên, họ đóng vai trò quan trọng trong thành công của COP26 và trong việc thực hiện các cam kết của Hiệp ước Khí hậu Glasgow.
Chủ tịch COP26 cũng tổ chức một bữa sáng với đại diện các doanh nghiệp quốc tế nhằm thảo luận về tiềm năng to lớn của năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Tiềm năng này đã được nêu bật trong báo cáo về giảm thiểu điện than của Hội đồng Chuyển dịch Năng lượng của COP26 - do Vương quốc Anh chủ trì. Theo đó, nếu Việt Nam chuyển dịch sang sử dụng năng lượng gió, mặt trời và khí thì đến năm 2030, Việt Nam có thể giảm được 59% lượng khí thải, tạo ra 280.000 việc làm và tiết kiệm 120 tỷ USD chi phí nhập khẩu nhiên liệu.
Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho biết: “Đã có những bước tiến vượt bậc tại COP26, bao gồm việc các quốc gia đồng thuận với Hiệp ước Khí hậu Glasgow, giữ mục tiêu hạn chế mức nóng lên toàn cầu ở mức không vượt quá 1.5 độ C trong tầm tay. Tuy nhiên, đây là một chiến thắng mong manh. Vào năm 2022, các quốc gia cần nỗ lực thực hiện những cam kết trong Hiệp ước, bắt đầu bằng việc rà soát và đẩy mạnh các mục tiêu giảm phát thải.
Tôi hoan nghênh vai trò lãnh đạo về khí hậu mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thể hiện tại COP26, trong đó có mục tiêu quan trọng: đạt mức phát thải ròng bằng "0" đến năm 2050. Thật tuyệt vời khi tôi có cơ hội được thảo luận trực tiếp với các đại diện từ Chính phủ Việt Nam về những hình thức Vương quốc Anh có thể hỗ trợ Việt Nam đạt được những mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu và đưa ra kế hoạch tính đến năm 2030, phù hợp với mục tiêu giữ cho nhiệt độ trái đất nóng lên ở mức không quá 1,5 độ C.”
Trong thời gian diễn ra chuyến thăm này, Đặc phái viên COP26 của Chính phủ Anh, ông John Murton, cũng đã cùng Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà đồng chủ trì tọa đàm về tài chính cho biến đổi khí hậu. Thảo luận tập trung vào cơ hội và thách thức của Việt Nam trong việc huy động nguồn tài chính quốc tế cần thiết cho sự chuyển dịch của quốc gia, hướng đến một nề kinh tế phát thải ròng bằng không.