Bộ trưởng Công an: Có những tin giả trên mạng xã hội gây thiệt hại vốn hóa nhiều nghìn tỉ đồng
Chiều 12/11, 'chia lửa' với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã giải trình trước Quốc hội về những chất vấn đại biểu Quốc hội chất vấn liên quan đến tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Tại phiên chất vấn về lĩnh vực thông tin và truyền thông, đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau - cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội kéo theo tình trạng tin giả, tin sai sự thật, mang đến những hệ lụy tiêu cực, gây bức xúc dư luận. Với vai trò quản lý nhà nước, đại biểu đề nghị Bộ trưởng nói rõ những phương án nào để quản lý tình trạng này?
Bộ trưởng Công an điểm danh hội nhóm "Báo chốt 141", "Bắn tốc độ"
Bộ trưởng Lương Tam Quang nhận định, hậu quả của tin giả, tin sai sự thật gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, là mối đe dọa lớn đến tình hình kinh tế, xã hội; thậm chí đe dọa trực tiếp đến chủ quyền quốc gia và an ninh toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong số những hành vi đó là phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội để phát ngôn, tuyên truyền những nội dung chứa tin giả, tin sai sự thật đã và đang tác động tiêu cực đến tâm trạng xã hội, tình hình an ninh trật tự.
Tin giả cũng ảnh hưởng đến tình hình kinh tế rất lớn, nhất là thị trường chứng khoán, tài chính, bất động sản. "Có những thông tin gây thiệt hại vốn hóa nhiều nghìn tỉ đồng", ông Lương Tam Quang nhấn mạnh.
Đáng chú ý là hành vi tạo lập các hội nhóm để thông tin kích động, chống đối lực lượng chức năng. Đại tướng Lương Tam Quang cho hay, qua công tác đảm bảo an ninh trật tự, cơ quan chức năng phát hiện các hội nhóm như "Báo chốt 141", "Thông chốt kiểm soát nồng độ cồn", "Bắn tốc độ"…, gây ảnh hưởng đến công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Về giải pháp ngăn chặn tin giả, tin sai sự thật, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho rằng, hiện hành vi đưa tin giả, tin sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Tuy vậy, mức xử phạt hành chính là chưa đủ sức răn đe, chỉ từ 5 - 10 triệu đồng. Trong khi đó, thiếu quy định về khung định lượng cụ thể để xác định hành vi phạm là hành chính hay hình sự.
Giải pháp tiếp theo được Bộ trưởng Lương Tam Quang đề cập, đó là đấu tranh phản bác các luận điệu sai sự thật, nâng cao ý thức của người dân khi sử dụng mạng xã hội, tạo ra sức đề kháng đối với tin giả, tin sai sự thật.
Đồng thời, phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm. "Nguyên tắc là không để cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào ở nước này có hành vi đưa tin giả, tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, tổ chức, cá nhân của nước khác", Bộ trưởng Bộ Công an nói.
Thành lập và vận hành Trung tâm Chống tin giả Quốc gia
Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là vấn đề mang tính toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam.
Bộ trưởng cũng cho biết, trước đây chúng ta mới quy định xử lý các cá nhân sử dụng mạng xã hội đưa thông tin sai sự thật. Tuy nhiên, trong nghị định mới đây, chúng ta đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm pháp luật Việt Nam.
Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang tập trung vào 3 nhóm giải pháp, trong đó có việc khi người dân bị ảnh hưởng bởi tin sai, tin xấu, họ có nơi để phản ánh. Bộ đã thành lập và vận hành Trung tâm Chống tin giả Quốc gia. Các địa phương cũng bắt đầu hình thành các trung tâm này.
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nói, không gian số là môi trường mới, vấn đề đặt ra là phải truyền thông để mọi người có kỹ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng đề kháng trên không gian số. "Vấn đề đào tạo không chỉ cho chúng ta mà cần đào tạo cho cả thế hệ tương lai, tức là các em học sinh trong trường phổ thông", ông Hùng nhấn mạnh.