Bộ trưởng Công an: Không ai buộc người dân dùng hộ khẩu vào việc khác, đây là bệnh giấy tờ
Bộ trưởng Công an khẳng định: Không vì hộ khẩu mà các cháu không được đến trường; không ai bắt buộc người dân phải sử dụng hộ khẩu vào việc khác, đây là bệnh giấy tờ.
XEM CLIP:
Câu chuyện xung quanh việc bỏ sổ hộ khẩu giấy và các thủ tục liên quan đến hộ khẩu được các đại biểu chất vấn, tranh luận sôi nổi với Bộ trưởng Công an Tô Lâm tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/8.
Không buộc người dân phải trình báo sổ hộ khẩu
Nêu thực tế việc trong những ngày gần đây, nhân dân rất quan tâm và lo lắng đối với thông tin về việc xóa bỏ hộ khẩu bằng giấy, bởi sổ hộ khẩu có liên quan đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn: “Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để giải quyết những vấn đề vướng mắc có liên quan, đặc biệt là đối với người dân không có điều kiện tiếp cận các phương tiện hiện đại?”.
Trả lời, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, theo quy định Luật Cư trú của công dân, đến ngày 31/12 này là hộ khẩu giấy không còn tác dụng. Tuy nhiên, hiện nay vướng nhất là nhiều quy định khác buộc người dân sử dụng hộ khẩu giấy.
“Chúng tôi có phương án là sẽ cấp khẩn trương, đầy đủ căn cước công dân để người dân có căn cứ giao dịch. Khi có căn cước công dân thì người dân không cần bất cứ xác nhận của bất kể ai, cơ sở nào vì đó là giấy tờ pháp lý duy nhất để đi làm các thủ tục”, Bộ trưởng Công an khẳng định.
Bộ Công an sẽ cùng cơ quan ban ngành cần xác nhận hộ khẩu sẽ tìm giải pháp khác, có cách quản trị, quản lý mới bằng công nghệ để cải tiến việc này. Vừa qua giải quyết một số việc đơn giản mà người dân không nghĩ thuận lợi như vậy.
“Từ nay đến 31/12, việc duy nhất là phải thay đổi quy định để các cơ quan không buộc người dân phải trình báo sổ hộ khẩu nữa”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Tranh luận sau đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng, Bộ trưởng trả lời chất vấn, bỏ sổ hộ khẩu giấy là theo quy định của luật. Tuy nhiên, theo phản ánh của cử tri thì hiện nay khi đến cơ quan công an tiến hành các thủ tục liên quan đến hộ khẩu thì bị thu ngay sổ hộ khẩu giấy.
Trong khi đó, công dân khi tiến hành các thủ tục ở cơ quan nhà nước như các cháu nhập học, đến nộp hồ sơ xin việc, vẫn yêu cầu mang sổ hộ khẩu gốc đến để đối chiếu. Người dân phải đến cơ quan công an xin xác nhận. Như vậy rõ ràng chưa có sự kết nối liên thông trong việc hộ khẩu ở căn cước công dân với các cơ quan nhà nước.
“Sắp tới bỏ hẳn sổ hộ khẩu giấy mà với tình trạng quản lý và kết nối liên thông thông tin hộ khẩu của công dân như hiện nay, tôi cho rằng việc này rất rối và gây khó khăn cho công dân khi hoàn thiện các thủ tục liên quan đến hộ khẩu. Đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp cho vấn đề này sao cho tối ưu nhất?", đại biểu đặt vấn đề.
Không có chủ trương thu hộ khẩu làm khó cho dân
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, việc công an thu hộ khẩu giấy “chắc là cá biệt”, và bộ sẽ kiểm tra để chấn chỉnh việc này.
“Bộ Công an chưa có chủ trương thu hộ khẩu lại. Có thể điểm nào đấy, phường nào đấy, cá nhân nào đấy làm việc này. Hộ khẩu giấy còn giá trị đến ngày 31/12”, Đại tướng Tô Lâm nói.
Đề cập đến lộ trình để bỏ sổ hộ khẩu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ, ngành rà soát các văn bản có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để sửa đổi phù hợp.
“Việc các cháu học sinh đi học, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cháu đến tuổi là được đi học. Việc bố trí như thế nào cho các cháu đi học thuận lợi nhất, không vì hộ khẩu mà các cháu không được đến trường, gây rất nhiều khó khăn cho chuyện đi học gần nhà, bố mẹ phải xin vào trường này, lớp kia. Nguyên tắc chung là như vậy, không thể vì hộ khẩu mà gây khó khăn cho các cháu đi học. Phải sửa đổi các quy định này”, Bộ trưởng quả quyết.
Giải pháp nữa theo Bộ trưởng Công an là kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu chuyên ngành khác để khai thác thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Vừa qua làm việc này rất tốt, với y tế, giáo dục, thậm chí có nơi coi căn cước công dân gắn chip trở thành những giấy tờ pháp lý để thực hiện, không cần hộ khẩu.
Ngoài ra, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đẩy mạnh việc cấp căn cước công dân gắp chip điện tử để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong giao dịch của mình.
“Tất nhiên việc này là mới, tâm lý chung chưa quen, nên cần có quá trình. Đơn vị, tổ chức công an nào mà thực hiện không đúng, đề nghị các đại biểu phản ánh, chúng tôi sẽ chấn chỉnh, không để gây phiền nhiễu, khó khăn phức tạp cho nhân dân. Không ai bắt buộc người dân phải sử dụng hộ khẩu vào việc khác, đây là bệnh giấy tờ”, Bộ trưởng Tô Lâm một lần nữa khẳng định.
Tranh luận lại sau đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho hay, các cử tri vừa nhắn tin cho ông về việc thu sổ hộ thực hiện theo khoản 2, điều 26 thông tư 55 có hiệu lực từ 1/7/2021 chứ không phải ở một địa phương, địa bàn nào.
Trả lời sau đó, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, đây là vấn đề “hiểu không đúng” thông tư 55 của Bộ Công an. Cụ thể, theo quy định chỉ thu sổ hộ khẩu khi có sự điều chỉnh thông tin mới chứ không phải thu tất cả sổ hộ khẩu.
"Khi người dân đến điều chỉnh thông tin mới trong hộ khẩu thì hộ khẩu không có tác dụng nên thu lại. Đồng thời, không cấp mới hộ khẩu khi người dân đến điều chỉnh thông tin và cần xác nhận cho họ.
Không có chủ trương thu hộ khẩu lại làm khó cho nhân dân”, Bộ trưởng Công an khẳng định.