Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Giới hạn của nhà giáo chính là giới hạn của nền giáo dục
'Giới hạn của nhà giáo chính là giới hạn của nền giáo dục, giới hạn của nền giáo dục chính là giới hạn phát triển của một quốc gia', Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Dự buổi gặp mặt có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Bộ Y Tế Đào Hồng Lan; lãnh đạo các ban, bộ, ngành cơ quan trung ương; đại học, trường đại học và hơn 3.000 thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên đại diện cho nhà giáo, học sinh, sinh viên cả nước.
Ngành giáo dục và đào tạo đã có những thay đổi mạnh mẽ
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn báo cáo vắn tắt về ngành giáo dục và đào tạo, về việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, về đội ngũ các nhà giáo ở thời điểm hiện nay.
Theo Bộ trưởng, sau gần 40 năm đổi mới và đặc biệt là 10 năm triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo định hướng của Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngành giáo dục và đào tạo đã có những thay đổi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục bậc tiểu học và trung học cơ sở; giáo dục phổ thông thay đổi mạnh mẽ chuyển hướng tích cực từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực, kỹ năng của người học.
Trường học đã thay đổi từ hình thức bên ngoài tới chất lượng giáo dục bên trong. Giáo viên chủ động sáng tạo hơn, học sinh tự tin chủ động hơn, các hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá được đổi mới căn bản. Chất lượng giáo dục mũi nhọn ngày càng nâng cao. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức. Các phong trào thi đua học tập, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm thực hiện.
Giáo dục đại học tiếp tục đổi mới. Việc tăng cường tự chủ và hội nhập quốc tế đã tạo ra động lực mới, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học. Số lượng người tham gia học tập ở bậc đại học và sau đại học tăng lên. Lực lượng giảng viên có trình độ cao ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, tiếp cận với trình độ quốc tế.
Hiện nay, 241 trường đại học của Việt Nam có chuyên gia và tổ chức đào tạo hầu hết các ngành nghề có trong danh mục các ngành nghề trên toàn thế giới, kể cả những nghề mới nhất. Số lượng chương trình đào tạo được kiểm định và công bố khoa học quốc tế tăng mạnh, một số cơ sở giáo dục đại học và nhóm ngành đào tạo được xếp hạng cao trong khu vực và thế giới.
Phương pháp dạy - học và công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục được đổi mới theo hướng hiện đại, ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Ngành giáo dục và đào tạo cũng tiên phong trong việc chuyển đổi số. Trong 3 năm 2022-2024 hoàn thành việc xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục từ mầm non, phổ thông; lần đầu thực hiện thành công việc kết nối cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm và thực hiện thanh toán 100% lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến, thanh toán học phí không dùng tiền mặt; thí điểm triển khai học bạ điện tử đối với tiểu học vào năm 2023 và triển khai học bạ điện tử đại trà với giáo dục phổ thông từ năm 2024.
Đất nước ta vừa mới thoát nghèo và còn đang trên đường phấn đấu trở thành nước phát triển có thu nhập trung bình cao. Nhưng về giáo dục và đào tạo, chúng ta đã đạt được những kết quả lớn, trong đó có một vài chỉ số mà không phải nước phát triển nào cũng đạt được, chẳng hạn như tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi trên 16 đạt tới trên 97%.
Cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. Giáo dục phổ thông của chúng ta đứng thứ 53 trên thế giới. Việt Nam nhiều năm liền có mặt trong top 10 các quốc gia có thành tích các kỳ thi Olympic quốc tế cho học sinh phổ thông cao nhất, có những môn thi vào nhóm 3 hoặc 5 nước có thành tích tốt nhất trên toàn thế giới. Học sinh sau phổ thông của Việt Nam học tiếp tại các trường đại học nước ngoài thuận lợi và giành được sự đánh giá tốt của các trường đại học trên thế giới.
Cả nước hiện có gần 7 triệu người đã tốt nghiệp đại học (con số này được thống kê nhờ cơ sở dữ liệu dân cư của ngành Công an), 24 triệu người đang đi học ở các bậc, các trình độ khác nhau, loại hình khác nhau tại trên 52.000 cơ sở giáo dục trong cả nước. Chúng ta đã có 4 đại học có mặt trong top 1000 của bảng xếp quốc tế có uy tín QS. Một số ngành đào tạo có mặt trong nhóm 100 của châu Á.
Có được những kết quả đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự quan tâm đầu tư của toàn xã hội, cùng sự nỗ lực của các thầy cô giáo và toàn thể học sinh, sinh viên. Đó cũng là nhờ truyền thống hiếu học, trọng học, trọng tri thức và hiền tài của dân tộc được kế tục và được nhân lên trong thời đại mới.
Giáo dục và đào tạo của đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nếu so với mức đầu tư kinh phí cho đầu học sinh trên cả nước thì có thể nói đó là những kết quả rất kỳ diệu.
Giáo dục nước ta còn đang đứng trước nhiều thách thức lớn
Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng, giáo dục nước ta còn đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Trong đó, có lẽ lớn nhất là thách thức từ bên trong, từ chính trong quá trình đổi mới giáo dục. Đó là thách thức của sự đổi mới, vượt lên chính mình, phủ định chính mình như sự lột xác để phát triển.
Đứng trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giáo dục cần một sự hoán cốt từ bên trong, để hướng tới chất lượng cao hơn, tới nền giáo dục phát triển con người toàn diện, tạo ra những công dân tốt và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đổi mới nền giáo dục phải thay đổi cho được các thói quen, lối tư duy, cách nghĩ và cách làm cũ, vượt qua các giới hạn để phát triển bứt phá.
Để giáo dục vượt qua những thách thức đó, ngành Giáo dục, đặc biệt là đội ngũ các thầy cô giáo cần nỗ lực vô cùng lớn và sáng tạo không ngừng, giải pháp trúng, đúng thì mới có thể thực hiện được.
"Để giáo dục làm được việc đó, vô cùng trông mong lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội đã quan tâm lớn, thì cần quan tâm lớn hơn nữa, để quốc sách hàng đầu thực sự là hàng đầu trong các quốc sách.
Cần quan tâm thiết thực hơn, kịp thời hơn nữa để đột phá chiến lược thực sự là đột, là phá tan đi những rào cản cho sự phát triển giáo dục, để nền giáo dục không còn là nền giáo dục lúc nào cũng bền vững trong sự vượt khó, vượt nghèo, lúc nào cũng dạy tốt học tốt trong mọi hoàn cảnh khó khăn", Bộ trưởng bày tỏ.
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng cũng báo cáo về thực trạng đội ngũ nhà giáo, đồng thời chia sẻ, gửi gắm những lời tâm huyết đến đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các em học sinh, sinh viên nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Trong đó, Bộ trưởng nêu rõ: Giáo dục và đào tạo nước nhà đang đứng trước đòi hỏi lớn và vận hội lớn. Sứ mệnh được giao càng lớn, yêu cầu và kỳ vọng càng cao thì càng đòi hỏi giáo dục nước nhà đã đổi mới thì phải càng cần đổi mới nhanh hơn, chất lượng đã từng bước nâng cao thì càng cần nâng cao nhanh hơn.
Đất nước muốn phát triển nhanh để trở thành nước phát triển có thu nhập cao, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, phẩm chất tốt, năng lực tốt, thể chất tốt, kỹ năng tốt, ngoại ngữ tốt, đặc biệt là nhân lực cho các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn, công nghệ mới, các ngành đem lại vị thế, ưu thế cạnh tranh cho đất nước trên trường quốc tế.
Đây là đòi hỏi lớn và khó đối với ngành giáo dục. Nhưng lịch sử dân tộc ta và lịch sử ngành giáo dục đã từng làm nên những kỳ tích tưởng như không thể làm được trong quá khứ, và chúng ta đã từng làm được và tin tưởng rằng, trong tương lai giáo dục sẽ viết tiếp những kỳ tích lớn hơn.
Trước những thách thức mới của giáo dục, với sứ mệnh ngày càng lớn và mới đối với giáo dục, các nhà giáo trong kỷ nguyên mới, cũng cần thể hiện bản lĩnh, coi thách thức chính là cơ hội để toàn thể lực lượng nhà giáo phát triển, để từng nhà giáo giỏi hơn. Thách thức lớn càng lớn nhà giáo lại cần quay về đứng chắc, củng cố với nơi các giá trị cốt lõi của người thầy để kiến tạo một tầng lớp trí thức mới, một đội ngũ nhà giáo mới.
Những giá trị từ truyền thống như "học không biết chán, dạy không biết mỏi", tinh thần bao dung, vị tha, hy sinh, sự yêu thương con người rộng lớn sâu xa, tinh thần luôn đổi mới mình, vượt qua các giới hạn để dẫn dắt người học, tinh thần đổi mới từng ngày, tự học, tự thích ứng để dẫn dắt cho học trò. Đó là các giá trị vĩnh hằng để người thầy xứng đáng là người thầy trong mọi thời đại. Phẩm chất cũ, kỹ năng mới, tư duy mới, thêm công cụ ngoại ngữ, công cụ số là những điều nhà giáo chúng ta cần phải nắm chắc.
Đổi mới giáo dục ở chặng đường tiếp theo về thực chất là sự đổi mới ở chiều sâu của chính lực lượng nhà giáo. Giới hạn của nhà giáo chính là giới hạn của nền giáo dục, giới hạn của nền giáo dục chính là giới hạn phát triển của một quốc gia. Nhà giáo chúng ta cần biến những giới hạn trở thành không giới hạn.
""Quốc gia hưng vong, sĩ phu hữu trách", đất nước trước cơ hội hưng thịnh, trí thức có trách nhiệm rất rất lớn. Các nhà giáo, các bậc tri thức, chúng ta dứt khoát cần phải trả lời câu hỏi: làm thế nào để đáp lại sự phó thác, tin tưởng, giao trọng trách của Đảng, Nhà nước và nhân dân? Sự báo đáp của người trí thức xưa nay vẫn phải và nên theo tinh thần ơn nước một bầu cần đáp lại bằng cả dòng sông", Bộ trưởng gửi gắm.