Bộ trưởng Công an kiến nghị về 2 dự án luật
Ngày 16/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2020 và năm 2021. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong thời gian này có 17 dự án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an tỏ ra “rất sốt ruột” khi trong chương trình xây dựng luật tới đây không có tên 2 dự án luật quan trọng của Bộ Công an. Hai dự án được Bộ trưởng nhắc đến là Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở và Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Luật Đảm bảo Trật tự an toàn giao thông đường bộ). Hiện nay, hồ sơ đã bước đầu đủ điều kiện trình ra. Tuy nhiên ông không biết vướng thủ tục hành chính ở đâu, nên cứ phải chờ đợi.
Theo Đại tướng Tô Lâm, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở rất quan trọng để vừa triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự cơ sở, đồng thời cùng với lực lượng dân quân tự vệ thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng. Ông đề nghị đưa vào chương trình để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10. Theo Bộ trưởng, Quốc hội đã ban hành Luật Dân quân tự vệ, nếu luật này không được ban hành sẽ mất cân đối.
Về Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, theo ông Lâm, Chính phủ đã thống nhất trình cùng với Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Ông nhấn mạnh, vấn đề trật tự an toàn giao thông là một bộ phận quan trọng trong trật tự an toàn xã hội, không thể tách rời. “Trong tổng kết Luật Giao thông đường bộ cũ, qua 10 năm thực hiện, hàng trăm nghìn người chết vì tai nạn giao thông, hàng trăm nghìn người bị thương. Chúng ta không thể để người chết vì tai nạn giao thông tăng nhiều như vậy”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, tại kỳ họp trước đây, Ủy ban Thường vụ đã đề nghị Chính phủ và Bộ Công an phải trình hồ sơ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cho đến bây giờ các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa nhận được hồ sơ hai dự án luật này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ hạn chế tối đa việc đề nghị bổ sung dự án vào chương trình trong thời gian gần diễn ra kỳ họp Quốc hội. Ngay chương trình năm 2020 sau khi được Quốc hội thông qua đã được điều chỉnh tới 5 lần. Trong đó 3 lần Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh bổ sung 7 dự án vào thời điểm gần sát kỳ họp, thậm chí có dự án được đề nghị đưa vào Chương trình khi đang diễn ra kỳ họp Quốc hội.