Bộ trưởng Công Thương: Đến lúc nào đó chúng ta phải tính đến điện hạt nhân
Chiều 30/5, thảo luận tại hội trường liên quan vấn đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đã đề nghị giải quyết dứt điểm vấn đề quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo đó, ĐB này đề nghị xóa bỏ quy hoạch của điện hạt nhân Ninh Thuận. “Tôi nghĩ Quốc hội nhiệm kỳ trước đã cân nhắc rất kỹ. Đảng, Nhà nước cũng tính toán rất kỹ để đi đến việc dừng dự án này, bởi rất nhiều sự cân nhắc, rất nhiều sự tính toán”.
ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, bước tiếp theo là phải tập trung giải quyết quyền lợi, các lợi ích liên quan tới chuyện này. Bà con nông dân ở đó, những người đã được đưa đi đào tạo bây giờ tạo điều kiện cho họ, giải quyết quyền lợi cho họ như thế nào.
“Rất nhiều chuyện phải làm, tạo ra một quy hoạch mới cho tỉnh Ninh Thuận trở thành một vùng có năng lượng, một vương quốc của năng lượng tái tạo, vùng du lịch, vùng sinh thái… tạo điều kiện cho bà con có sự chuyển động về kinh tế để cuộc sống được nâng lên bằng quy hoạch mới".
“Tôi thấy có một sự luyến tiếc về quy hoạch này. Cá nhân tôi xin phép đề nghị xóa quy hoạch này. Trong một số năm tới, 10 năm tới, 20 năm tới chúng ta có làm điện hạt nhân hay không thì chúng ta sẽ làm lại một quy hoạch mới”, ĐB nói.
Trước ĐB Nghĩa, ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cũng cho biết, gần 14 năm nhưng các vấn đề về quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận làm ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân vẫn chưa được giải quyết, gây bức xúc cho người dân, làm ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thông tin thêm, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhắc lại: Quốc hội đã biểu quyết Nghị quyết về tạm dừng xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận. Như vậy, nghị quyết của chúng ta là tạm dừng chứ không phải là hủy bỏ, cho nên về nguyên tắc không có cơ sở để bỏ quy hoạch.
Mặt khác, theo bộ trưởng, địa điểm này đã được các đối tác của chúng ta và bản thân ngành cùng với các ngành có liên quan nghiên cứu rất kỹ và khẳng định địa điểm Ninh Thuận là địa điểm phù hợp nhất cho việc phát triển điện hạt nhân của chúng ta.
Nhắc lại những gì mà các quốc gia cam kết ở COP26 là phải phát triển năng lượng sạch, theo đó, khai thác năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Để khai thác được nguồn năng lượng tái tạo này, nhất thiết phải có điện linh hoạt. Hay nói một cách khác là điện nền ổn định mà điện nền thì chỉ có thể là nhiệt điện than hoặc là thủy điện. Nhưng nhiệt điện than đã không còn điều kiện để phát triển, thủy điện thì cũng hết dư địa phát triển.
“Vì vậy, trong tương lai, nếu chúng ta buộc phải thực hiện những cam kết ở COP26 thì chúng ta phải phát triển rất mạnh năng lượng tái tạo. Nhưng để phát triển năng lượng tái tạo thì phải có điện nền mà điện nền thì xu hướng tất yếu đến một lúc nào đó chúng ta cũng phải tính đến điện hạt nhân”, Bộ trưởng Diên cho hay.