Bộ trưởng Công Thương: Việt Nam có 13-14 vị trí có thể làm nhà máy điện hạt nhân

Nhấn mạnh Việt Nam có khoảng 13-14 địa điểm có thể làm nhà máy điện hạt nhân, song Bộ trưởng Công Thương lưu ý cần tới vài nghìn kỹ sư và cán bộ kỹ thuật nên phải chuẩn bị tốt nguồn nhân lực.

Có nhiều địa điểm có thể làm nhà máy điện hạt nhân

Tại Hội nghị Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân sáng 2/1, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cuối tháng 11 vừa qua, Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Ông nhấn mạnh, đây là chủ trương lớn, đúng, trúng và phù hợp với tình hình hiện nay. Bởi, nhu cầu về năng lượng tăng lên rất nhanh trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam, song nguồn năng lượng truyền thống không còn dư địa phát triển.

Hiện thủy điện hết dư địa, điện than gây phát thải lớn, các nguồn điện khác như điện gió, mặt trời phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, trình độ khoa học, kỹ thuật như: công nghệ lưu trữ năng lượng điện, truyền tải điện bằng hệ thống lưới điện thông minh... Cùng với đó, điện hạt nhân được xác định là nguồn điện sạch, điện nền do có khả năng đạt đỉnh công suất thiết kế nhanh, rất phù hợp với mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam vào năm 2050.

“Việt Nam có điều kiện phát triển nguồn điện hạt nhân. 15 năm trước qua khảo sát xác định, có đến 13-14 địa điểm có thể phát triển điện hạt nhân. Đặc biệt, Việt Nam có địa hình dài từ Bắc đến Nam nếu phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ thì càng phù hợp.

Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Ảnh: Xuân Ngọc

Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Ảnh: Xuân Ngọc

Theo đó, ở những nơi phụ tải thấp, nơi có tiềm năng khai thác phát triển năng lượng tái tạo, gió, mặt trời mà có thêm điện hạt nhân module nhỏ thì rất thuận lợi cho khai thác phát huy tiềm năng năng lượng tái tạo cùng với nguồn điện nền, điện sạch... Điều này cũng phù hợp nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế đất nước và phù hợp với mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam vào năm 2050. Hơn nữa, nước ta là quốc gia đông dân, dân số trẻ có khả năng tiếp cận công nghệ nhanh”, Bộ trưởng thông tin.

Tuy nhiên, để phục vụ cho chương trình điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ trưởng cho rằng, nguồn nhân lực trong ngắn và dài hạn là vô cùng cần thiết, kể cả nhân lực làm công tác nghiên cứu phát triển năng lượng hạt nhân cho đến nguồn nhân lực kỹ thuật để vận hành các dự án điện hạt nhân.

Trước đây, chỉ tính đến 1-2 nhà máy, chúng ta đã cần vài nghìn kỹ sư và cán bộ kỹ thuật. Nếu phát triển nhiều nhà máy hơn (kể cả cho nhu cầu xuất khẩu nhân lực sang các nước trong khu vực), thì vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực kỹ thuật là vô cùng quan trọng, ông Diên cho hay.

Nguồn nhân lực còn thiếu và yếu

Ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), cho biết, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ về điện hạt nhân của Việt Nam đang thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là các nhà khoa học, kỹ thuật hàng đầu.

Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và của một số tập đoàn quốc tế, nhu cầu nhân lực cho tổ chức vận hành một nhà máy điện hạt nhân với 2 tổ máy, công suất khoảng 2x1.000 MWe (2.000 MWe) cần khoảng 600-1.200 người có trình độ từ trung cấp đến đại học, thuộc các chuyên ngành khác nhau.

Yêu cầu về thời gian đào tạo cũng như kinh nghiệm thực tiễn của một số vị trí quan trọng trong nhà máy điện hạt nhân có thể phải từ 5-10 năm.

Trong điều kiện Việt Nam, để đảm bảo tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng nhà máy an toàn, thì cần khoảng 1.200 người cho các vị trí như: kiểm soát an toàn và bảo vệ bức xạ, quản lý dự án, quản lý và lãnh đạo nhà máy, vận hành khai thác - điều hành các lò, bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật và các dịch vụ khác...

Như vậy, trong trường hợp tái triển khai cả 2 dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, nhu cần nhân lực tương ứng sẽ là 2.400 người.

Ngoài số nhân lực phục vụ trực tiếp cho nhà máy điện hạt nhân nêu trên, kinh nghiệm của một số nước cho thấy, cần khoảng 350 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành luật và pháp quy hạt nhân, các chuyên gia nghiên cứu và phát triển, các chuyên gia chu trình nhiên liệu... phục vụ nghiên cứu, quản lý, vận hành, khai thác, đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân.

PGS.TS Lê Thị Hồng Ánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TPHCM, nhìn nhận, việc đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân cần có sự chuẩn bị hàng chục năm, hoặc hơn trước khi đưa nhà máy điện hạt nhân vào vận hành.

Do đó, bà đề xuất Bộ Công Thương cần chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa các nội dung có liên quan điện hạt nhân và lượng tử vào chuẩn chương trình đào tạo các ngành có liên quan đến những vị trí nhân lực cần thiết trong 1 nhà máy điện hạt nhân, từ giai đoạn quản lý dự án, xây dựng nhà máy đến giai đoạn vận hành nhà máy.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, điện hạt nhân cần có đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, kỹ thuật rất lớn, đào tạo cơ bản và phải theo từng loại hình công nghệ. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề then chốt, quyết định để chúng ta thực hiện chủ trương lớn này.

“Muốn phát triển điện hạt nhân an toàn, bền vững thì nguồn nhân lực phải có trình độ, tiếp thu vận hành được các dự án cụ thể. Đồng thời, phải đủ khả năng để nhận chuyển giao về công nghệ, tiến tới làm chủ công nghệ trong tương lai”, Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành Công Thương cũng nhấn mạnh, để phát triển điện hạt nhân bền vững, cần hình thành hệ sinh thái cho điện hạt nhân, năng lượng hạt nhân. Vì thế, nguồn nhân lực phải được chuẩn bị rất đa dạng cả nhân lực về kỹ thuật, về nghiên cứu khoa học, về quản lý vận hành…

Từ đó, Bộ trưởng yêu cầu khẩn trương dự kiến được nhu cầu, quy mô lĩnh vực chuyên môn cần đào tạo. Cần phải đánh giá khả năng thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển điện hạt nhân và hệ sinh thái năng lượng hạt nhân tại Việt Nam của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo ở trong và ngoài ngành công thương.

“Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa ra chương trình chuẩn cho đào tạo nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân”, Bộ trưởng chỉ đạo. Ông cũng lưu ý việc triển khai các chương trình hợp tác quốc tế trong đào tạo, phát triển nhân lực hạt nhân của Việt Nam.

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-truong-cong-thuong-viet-nam-co-13-14-vi-tri-co-the-lam-nha-may-dien-hat-nhan-2359478.html