Nghị quyết 57: Yếu tố quyết định phát triển trong kỷ nguyên mới
Sự ra đời của Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị là tín hiệu rất vui mừng với không chỉ riêng cộng đồng khoa học và công nghệ, cộng đồng làm chuyển đổi số, mà còn cho tất cả người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực, phấn đấu để đạt được những kết quả như chúng ta đã đặt ra đến năm 2030 và 2045.
Nghị quyết số 57 mang tính đột phá rất cao với những từ ngữ mang nhiều tính hành động, hiệu triệu, tập trung vào tháo gỡ những "điểm nghẽn", rào cản đối với sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nhiều nhà khoa học bày tỏ sự phấn khởi khi Nghị quyết 57 cho phép thí điểm các vấn đề mới từ thực tiễn, chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và thời gian trễ trong nghiên cứu khoa học. Các cơ quan nghiên cứu được khuyến khích xây dựng cơ chế cho phép tổ chức và nhà khoa học thành lập, điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu.
Nghị quyết 57 cho phép trường hợp nghiên cứu không thành công, nhà khoa học có thể dừng lại mà không phải bồi thường kinh phí. Quan trọng hơn, họ cần công bố kết quả không thành công để cộng đồng khoa học tránh lặp lại sai lầm, coi đó như bài học kinh nghiệm. Với cơ chế này sẽ giải quyết vấn đề trong nghiên cứu hiện nay là nhà khoa học phải làm đủ mọi cách để đề tài được nghiệm thu theo đúng sản phẩm đăng ký ban đầu. Về cơ chế tài chính, sẽ giúp "cởi trói" cho nhà khoa học, bởi thực tế hiện nay, các đề tài nghiên cứu dùng ngân sách phải qua quy trình đánh giá, nghiệm thu hàng năm theo từng chuyên đề rất phức tạp; các thủ tục tài chính, kế toán cũng chiếm rất nhiều thời gian của nhà khoa học, dẫn đến rất nhiều công trình nghiên cứu sau khi nghiệm thu phải cất vào ngăn kéo, không được ứng dụng vào thực tế.
Trong các yếu tố cấu thành nên năng lực khoa học công nghệ của một quốc gia thì các tài năng khoa học và công nghệ là nguồn lực quan trọng và khan hiếm nhất. Chính vì thế, việc phát hiện, tập hợp, bồi dưỡng và phát huy các tài năng trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc xây dựng năng lực công nghệ cho đất nước trong giai đoạn mới. Điều này không chỉ định vị đúng vai trò và vị trí của các nhà khoa học trong xã hội, mà còn khơi dậy khát vọng cống hiến và sự dấn thân của đội ngũ trí thức trong và ngoài nước, tạo động lực để họ nỗ lực thực hiện trách nhiệm và sứ mệnh trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới trong rất nhiều lĩnh vực có thế mạnh về xuất khẩu của Việt Nam. Với vị thế ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, Việt Nam tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các cơ chế đa phương, trở thành đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược với nhiều quốc gia. Đây là lợi thế rất lớn để Việt Nam triển khai Nghị quyết này.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra trước mắt cũng rất lớn, đầu tiên là việc đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống; thách thức thứ hai là về tốc độ, thời gian để triển khai Nghị quyết bởi trong bối cảnh thế giới cũng như lĩnh vực khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, nếu Nghị quyết không được triển khai kịp thời sẽ nhanh chóng lạc hậu.