Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh lý giải về tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản không qua đấu giá

Theo đại biểu Quốc hội, sau đấu giá, giá tăng 20-40% so với khởi điểm, nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và các tỉnh, thành phố cấp nhiều giấy phép khai thác khoáng sản không qua đấu giá.

Cấp phép khai thác khoáng sản thông qua đấu giá ít, dù giá trị tăng

Liên quan tới vấn đề khai thác khoáng sản, tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trong sáng 4/6, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đã đăng ký chất vấn.

Theo đại biểu Cường, liên quan đến việc cần thiết phải đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản cũng như việc tiếp tục hoàn thiện quy định về vấn đề này, Bộ trưởng chưa đề cập đến thực trạng thực hiện việc đấu giá hiện nay.

Cụ thể, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, còn nhiều tồn đọng trong xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, việc thực hiện đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản còn nhiều vi phạm, nhiều địa phương chậm thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản,…

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình. Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình. Ảnh: QH

Từ đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết rõ hơn thực trạng, trách nhiệm và giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường để khắc phục những hạn chế, tiêu cực của những vấn đề trên, nhằm thu đúng, thu đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho Nhà nước theo đúng quy định.

Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng TN&MT cho biết, tiền cấp quyền khai thác thực hiện theo Luật Khoáng sản, sau 13 năm thực hiện, chính sách này đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; cũng như trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện giấy phép.

Thống kê được Bộ trưởng Khánh dẫn chứng, tính đến năm 2023, tổng số tiền thu được từ cấp quyền khai thác khoáng sản đạt trên 55.887 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, trong quá trình thực hiện cũng có một số bất cập như đại biểu băn khoăn, đó là tiền cấp quyền được tính theo trữ lượng khai thác và không phụ thuộc vào trữ lượng khai thác thực tế, vì vậy có nhiều biến động.

Thự tế, khi điều tra cơ bản địa chất phục vụ khai thác khoáng sản, nhưng có nhiều mỏ khoáng sản không thể đánh giá trữ lượng tuyệt đối. Tiền cấp quyền được tính trên cơ sở kết quả điều tra thăm dò khoáng sản nên độ chính xác tương đối.

Do đó, trong dự thảo Luật Địa chất khoáng sản, Bộ TN&MT tham mưu theo hướng, tiền cấp quyền vẫn tính theo trữ lượng nhưng được quyết toán theo khối lượng thực tế.

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) đã đăng ký trình bày phần tranh luận. Theo đại biểu Hậu, trong phần trả lời chất vấn về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Bộ trưởng đã cho biết, việc đấu giá còn phụ thuộc vào quy định về các khu vực cấp phép khai thác không thông qua đấu giá vì liên quan đến quốc phòng, an ninh và các quy định cụ thể khác.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh. Ảnh: QH

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh. Ảnh: QH

Theo Báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 441 giấy phép khai thác nhưng chỉ có 10 khu vực thông qua đấu giá. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cấp khoảng 3000 giấy phép, trong đó chỉ có 827 khu vực thông qua đấu giá.

Trên thực tế, sau đấu giá, giá đã tăng 20 – 40% so với giá khởi điểm. Như vậy tỉ lệ cấp phép khai thác không qua đấu giá là rất thấp, dù hiệu quả cao hơn.

Từ đó, đại biểu Hậu đặt câu hỏi, vậy Bộ trưởng có chắc chắn hàng ngàn khu vực khoáng sản cấp quyền khai thác thông qua đấu giá hơn 10 năm qua là đúng theo quy định không?

Trả lời chất vấn trên, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, theo Nghị định 158, có 7 nội dung không thực hiện cấp quyền khai thác khoáng sản không qua đấu giá. Ví dụ, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đang giao cho Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam thực hiện khai thác các mỏ than.

Theo đó, thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường là cấp phép không qua đấu giá liên quan tới 7 lĩnh vực đã được quy định, gồm các mỏ khoáng sản thiết yếu quan trọng, mỏ liên quan chiến lược an ninh quốc gia, bộ sẽ cấp phép mà không qua đấu giá.

Với doanh nghiệp nhà nước đã thăm dò, sẽ được ưu tiên cấp phép thực hiện khai thác. Nhưng khi liên doanh liên kết hoặc doanh nghiệp không làm thì phải báo cáo để Nhà nước thu hồi.

Giải pháp đảm bảo nước sinh hoạt cho Đồng bằng sông Cửu Long

Đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) nêu chất vấn về tình trạng thiếu nước nghiêm trọng đến mức phải tổ chức cứu trợ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời đề nghị Bộ trưởng TN&MT nêu rõ trách nhiệm và cam kết trong việc giải quyết vấn đề trên.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Khánh cho biết, năm nay có hiện tượng El Nino, nên tình trạng thiếu nước chỉ là thiếu cục bộ ở khu vực. Tỉnh Tiền Giang và một số tỉnh đã chủ động cung cấp nước bù cho người dân, có hàng trăm điểm lấy nước công cộng cho người dân.

Tuy nhiên, các nhà máy nước và các hồ cũng chưa đảm bảo cung cấp nước, ứng phó với hạn hán, nên cần phải điều chuyển nước từ nơi khác về. Đây là vấn đề cần được tính toán, quan tâm trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, thời gian tới Bộ sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan có dự báo, tính toán, đảm bảo nguồn nước; đồng thời tuyên truyền người dân chủ động tích trữ nguồn nước; tiếp tục nâng cấp các nhà máy nước, đảm bảo cung cấp nước cho Nhân dân.

Huệ Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bo-truong-dang-quoc-khanh-ly-giai-ve-tinh-trang-cap-phep-khai-thac-khoang-san-khong-qua-dau-gia-d216778.html