Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn nhiều vấn đề nóng

Ngày 6/6, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn nhóm vấn đề lao động, thương binh và xã hội

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn nhóm vấn đề lao động, thương binh và xã hội

Quốc hội chất vấn Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng 4 Tư lệnh ngành

Theo chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, dự kiến Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn từ ngày 6-8/6 tới.

Trên cơ sở ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn tại kỳ họp, mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có thông báo chính thức về chương trình chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp này.

Theo đó, các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn là: lao động, thương binh và xã hội; giao thông vận tải; khoa học và công nghệ; dân tộc.

Cũng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn nhóm vấn đề lao động, thương binh và xã hội

Nội dung chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội gồm: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực.

Công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.

Thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay.

Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ…).

Công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trả lời chất vấn chính.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt hiệu quả

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo chương trình, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV được tiến hành trong thời gian 2,5 ngày, từ sáng ngày hôm nay 6/6 đến hết sáng ngày 8/6 và được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội.

Nội dung chất vấn tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải và Ủy ban Dân tộc.

Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình, làm rõ hơn các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.

Tại phiên bế mạc, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn để làm căn cứ cho các cơ quan tổ chức triển khai, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện.

Ngoài 4 nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn, trong những ngày vừa qua của Kỳ họp, trên cơ sở thực tiễn, ý kiến của Nhân dân, cử tri và của các đại biểu Quốc hội trong thảo luận Tổ và Hội trường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã quan tâm thúc đẩy hoặc khởi động giải quyết nhiều vấn đề bức thiết của Nhân dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt hiệu quả, thể hiện đậm nét tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt hiệu quả, thể hiện đậm nét tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết với phương châm tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan triển khai rất sớm công tác chuẩn bị để việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn.

Trên cơ sở thống kê đầy đủ các thông tin về việc trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, Trưởng ngành và nội dung các nhóm vấn đề đã chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; căn cứ đề xuất của các Đoàn đại biểu Quốc hội và ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn, trình 5 nhóm vấn đề để Quốc hội quyết định 4 nhóm vấn đề sẽ tổ chức chất vấn tại Kỳ họp này.

Đây là những vấn đề lớn, quan trọng, không chỉ cần thiết, cấp bách trước mắt, mà còn có ý nghĩa chiến lược, lâu dài. Trong đó, các vị Bộ trưởng: Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Ủy ban Dân tộc lần đầu tiên trả lời chất vấn Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt hiệu quả, thể hiện đậm nét tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội; là dịp để cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá năng lực, trách nhiệm, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và những người giữ chức vụ, chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Trên cơ sở sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, với thực tiễn phong phú trong ngành, lĩnh vực công tác và kinh nghiệm đã tích lũy trong quá trình họạt động tại Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần “Tận tâm - Tận lực - Tích cực - Tâm huyết - Trách nhiệm” trong hoạt động chất vấn; đề nghị các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Quốc hội, trước cử tri và Nhân dân cả nước, giải trình rõ ràng về nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục, để phiên chất vấn thực sự hiệu quả, thực chất, có chiều sâu, mang tính xây dựng cao; không chỉ góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề thời sự, cấp bách, mà còn nhận diện và đề xuất giải pháp cho những vấn đề căn cơ, lâu dài, tạo chuyển biến thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với tinh thần làm việc hết sức tập trung, tâm huyết, thẳng thắn, cầu thị, sử dụng hiệu quả thời gian, tuân thủ nghiêm túc quy định của Nội quy Kỳ họp Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ thành công tốt đẹp, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.

Bộ LĐTBXH chủ động ứng phó với các thách thức mới theo nguyên tắc “Nhìn xa - Chủ động sớm - Hành động mau lẹ - Ứng xử kịp thời”

Bộ LĐTBXH chủ động ứng phó với các thách thức mới theo nguyên tắc “Nhìn xa - Chủ động sớm - Hành động mau lẹ - Ứng xử kịp thời”

Chủ động ứng phó với các thách thức mới theo nguyên tắc “Nhìn xa - Chủ động sớm - Hành động mau lẹ - Ứng xử kịp thời”

Phát biểu trước khi trực tiếp trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cảm ơn Quốc hội đã tạo điều kiện để ngành được báo cáo Quốc hội về những vấn đề lớn, có ý nghĩa chiến lược quốc gia, liên quan trực tiếp đến đời sống, miếng ăn, giấc ngủ hàng ngày của người dân, người lao động.

Bộ trưởng điểm lại tình hình khó khăn ảnh hưởng tới thị trường lao động, việc làm cũng như nền kinh tế và đời sống người dân. Xu hướng thu hẹp thị trường sản xuất, quy mô việc làm đã diễn ra từ cuối năm 2022.

Trong bối cảnh đó, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu, cả nước đã khơi dậy tinh thần tương thân tương ái để từng bước vượt qua những thách thức khó khăn, để triển khai những chính sách xã hội rộng lớn, trong đó có những chính sách chưa từng có tiền lệ.

Bộ trưởng điểm lại, hơn 2 năm qua, với Nghị quyết 30 của Quốc hội, cả nước đã triển khai 4 chính sách lớn nhằm hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động trong khắc phục khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 với trên 120.000 tỷ đồng, hỗ trợ trên 68 triệu lượt người dân, người lao động và trên 1,4 triệu lượt người sử dụng lao động.

Công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực ngày càng được các bậc cha mẹ, người học và xã hội quan tâm. Quy mô đào tạo, chất lượng đào tạo được nâng lên góp phần quyết định vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bảo hiểm xã hội và công tác quản lý bảo hiểm xã hội ngày một đi vào nề nếp, giữ vai trò trụ cột quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội.

Tuy nhiên khi đối diện với những khó khăn, thách thức rất lớn trong và ngoài nước, sản xuất, kinh doanh trong nước đã và đang gặp nhiều khó khăn, vấn đề đời sống, lao động và việc làm cũng nảy sinh nhiều vấn đề phải đối mặt.

Một bộ phận người dân, người lao động gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống đòi hỏi thời gian tới chúng ta phải dự báo đúng tình hình, chủ động chuẩn bị và thích ứng trước những tác động và thách thức mới với các vấn đề lao động, việc làm, đào tạo và bảo hiểm xã hội - những vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau với nguyên tắc chung là: “Nhìn xa - Chủ động sớm - Hành động mau lẹ - Ứng xử kịp thời”.

Quyết liệt xử lý tình trạng trốn đóng, trục lợi bảo hiểm

Về tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, lập hồ sơ giả để trục lợi bảo hiểm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, vấn đề đã được xử lý quyết liệt thông qua công tác thanh tra, kiểm tra. Do đó, tình trạng này có giảm đi trong thời gian qua.

Cụ thể, Thanh tra Bộ LĐTBXH đã thanh tra 992 đơn vị, xử lý 2.995 kiến nghị, 205 quyết định xử phạt trong 2 năm.

Bộ trưởng chia sẻ: “Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhắc tôi rất nhiều, Bộ Lao động cũng đã vào cuộc quyết liệt. Theo kế hoạch thanh tra năm 2023, chúng tôi dành 1/3 thời lượng để thanh tra xử lý vấn đề bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó còn có trên 3.000 đoàn thanh tra bảo hiểm xã hội kiểm soát trên lĩnh vực thu”.

Việc thanh tra, xử phạt hành chính góp phần kéo giảm tỷ lệ chậm đóng năm 2022, chiếm 3,3% phần để thu. Đây là tiến bộ rất lớn.

Về giải pháp căn cơ xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, theo Bộ trưởng, cần thực hiện đồng bộ 5 giải pháp: Tuyên truyền ý thích chấp hành của người lao động, chủ sử dụng lao động; tập trung sửa đổi quy phạm pháp luật, nghị định xử phạt; tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập trung nhanh ứng dụng công nghệ thông tin BHXH, BHYT, cơ sở dữ liệu dân cư; minh bạch thông tin cho người lao động biết khi người sử dụng chậm đóng 1 tháng, 3 tháng...

Đặt lợi ích người lao động, chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu, cơ quan công quyền làm sai phải xin lỗi, xử lý theo quy định

Trả lời đại biểu Ma Thị Thúy về việc giải quyết vấn đề thu thu sai bảo hiểm xã hội bắt buộc đối chủ hộ kinh doanh cá thể, giờ lại bị “treo” lương hưu khiến dư luận bức xúc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong báo cáo của Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, thời gian vừa qua, cơ quan bảo hiểm xã hội có thu sai tỷ lệ không nhỏ.

Đây không phải đối tượng quy định đóng bảo hiểm bắt buộc. Việc thu sai diễn ra từ năm 2003 đến 2016. Bộ LĐTBXH đã phát hiện, chấn chỉnh cơ quan bảo hiểm xã hội. Vừa qua, Bộ LĐTBXH đã kết thúc 8 đoàn kiểm tra về vấn đề này. Đồng thời Bộ LĐTXHX cũng đang tiến hành sửa Luật Bảo hiểm xã hội.

Theo Bộ trưởng, xử lý vấn đề thu sai bảo hiểm là nội dung chưa quy định trong quy định luật hiện hành, vì vậy cần đánh giá cụ thể. Tuy nhiên quan điểm của Bộ LĐTBXH là: Chúng ta đặt lợi ích người lao động, chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu, cơ quan công quyền làm sai xin lỗi, xử lý theo quy định.

Bộ LĐTBXH đề xuất chuyển toàn bộ hộ kinh doanh này sang chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trường hợp người nộp không muốn, không có nhu cầu thì chuyển sang bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Trường hợp người lao động đồng ý trả lại quyền lợi, thì phải tính lãi bằng quỹ tăng trưởng hiện nay.

"Quan điểm cá nhân tôi đặt quyền lợi của người lao động lên hàng đầu, khuyên khích điều chỉnh chính sách chuyển sang bắt buộc đảm bảo về già có lương hưu, cuộc sống ổn định”, Bộ trưởng trả lời đại biểu.

Lao động bị lừa là do đi qua "công ty ma"

Về số lao động Việt Nam đi nước ngoài bị lừa, Bộ trưởng cho biết năm 2022, lao động Việt đi làm việc nước ngoài là 142.000 người, chiếm 10% yêu cầu giải quyết việc làm.

Số này đi theo Luật người Việt Nam đi lao động nước ngoài, do 482 doanh nghiệp được cấp phép đưa đi.

Người đứng đầu ngành lao động quả quyết, “đi theo diện này không bị lừa”.

Số lao động bị lừa do đi qua "công ty ma", công ty không được cấp phép. Thậm chí, các doanh nghiệp đã trá hình đưa người lao động đi làm việc nước ngoài. Những trường hợp này cùng cơ quan chức năng xử lý nhiều.

Nhiều trường hợp công ty cấp phép lừa đảo cả 2 đầu đi và đến như thu tiền môi giới cao hơn, không đúng ngành nghề cuối cùng sang phải trả về hoặc làm việc không tốt.

Bộ LĐTBXH cũng xử phạt nhiều với các doanh nghiệp vi phạm. Năm 2022, thanh tra xử lý 22 doanh nghiệp, 4 doanh nghiệp thu hồi giấy phép. Phần lớn "công ty ma" không phải doanh nghiệp được cấp phép.

Giải pháp để hạn chế tình trạng trên là tuyên truyền, tăng cường thanh tra kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trong làn sóng hơn 3 triệu lao động về quê, phần đông là những người mẹ đem theo con nhỏ, không trụ nổi tại thành phố buộc phải trở về

Về vấn đề chính sách với lao động nữ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, tối qua ông đọc lại báo cáo về lĩnh vực giày da, dệt may. Còn một tháng trước, ông được Thủ tướng phân công đi kiểm tra một số địa phương.

“Cùng sinh hoạt, ăn cơm cùng công nhân, tôi thấy hầu hết lao động trong các ngành dệt may, giày da là lao động nữ, thậm chí có ngành nghề tới 80% là nữ. Đối tượng bị giãn việc, mất việc làm cũng hầu hết rơi vào lao động nữ.

Trong làn sóng hơn 3 triệu người trở về các địa phương vừa qua, phần đông cũng là những người mẹ đem theo con nhỏ. Không trụ nổi ở thành phố, người lao động mới phải trở về”, Bộ trưởng bộc bạch.

Vì vậy, về việc sa thải lao động nữ trên 40 tuổi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, lao động phải đào tạo ngay từ sớm, chưa thất nghiệp. Qua tuổi 40 với ngành dệt may quả thật là rất khó khăn với người lao động vì mắt đã mờ, chân đã chậm, năng suất làm việc thấp.

“Do đó, phải có giải pháp chăm lo cho công nhân nữ lớn tuổi như tạo điều kiện doanh nghiệp sản xuất, tạo việc làm ổn định, chăm lo phúc lợi xã hội thiết yếu, chủ động đào tạo từ sớm, từ xa; các địa phương cũng cần có cơ chế, chính sách tạo việc làm cho lao động nữ thích ứng với điều kiện mới”, Bộ trưởng nêu quan điểm.

Đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu thị trường

Về công tác tuyển sinh, giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết công tác này đã có nhiều bước tiến. Bộ đã có báo cáo với Ban Bí thư về vấn đề này, trong đó có báo cáo, đề cập đến quy mô, chất lượng đào tạo, từ đó cho thấy bên cạnh những bước tiến bộ, nhưng quy hoạch mạng lưới đào tạo còn nhiều bất cập.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay, cùng trên một địa bàn có nhiều trường nghề khác nhau, có nhiều ngành nghề khác nhau, trùng nhau, dẫn đến số học viên không đáp ứng được yêu cầu, khó tìm việc sau khi đào tạo xong.

Chính vì vậy, thời gian tới, đào tạo cần gắn với nhu cầu thị trường, cần làm quyết liệt hơn việc dự báo cung cầu, chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu.

Bên cạnh đó, các trường cần liên kết, hợp tác chặt chẽ, đặt hàng được các doanh nghiệp, để học viên đào tạo ra có việc làm, có nghề nghiệp ổn định.

Bộ trưởng cho rằng, hiện nay có tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong ngành nghề đào tạo, các trường nghề về bản đang thực hiện theo tinh thần, việc đào tạo được tự chủ, trừ một số ngành nghề đào tạo chất lượng cao, nhà nước đặt hàng thì đào tạo theo yêu cầu. Tình trạng chung của các trường nghề là tuyển sinh được thì đào tạo, chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường.

Thời gian qua, 63 tỉnh thành đã cùng với Bộ LĐTBXH tiến hành quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, sáp nhập các trường trung cấp, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, một trường cao đẳng ở một địa phương có thể dạy nhiều hệ khác nhau, nhiều chương trình khác nhau theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương.

Cùng với đó, hệ thống trường nghề của các bộ, ngành, đoàn thể cũng được sắp xếp lại theo tinh thần quy về một đầu mối, theo đúng Chiến lược giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045, để tránh trùng lặp về chức năng, về ngành nghề đào tạo như hiện nay.

Về công tác an sinh xã hội, Bộ trưởng cho biết, công tác này đã có nhiều cố gắng trong thời gian vừa qua, trong 3 năm qua, đã tiến hành hỗ trợ 68 triệu lượt người. Chưa bao giờ các địa phương, các ngành làm tốt công tác an sinh như thời gian qua. Các chính sách đến với người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, ít tiêu cực nhất.

Thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, cần dự báo được tình hình sản xuất kinh doanh, diễn biến đời sống, bộ phận lao động chuyển sang tuổi hưu. Bộ cũng đã có nghiên cứu để đưa ra những chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua.

Sửa luật để ngăn chặn tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về hưởng bảo hiểm xã hội một lần và Quỹ hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần có gia tăng, đặc biệt tăng nhiều sau đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng cho rằng, cần tìm ra nguyên nhân và giải pháp cụ thể cho tình trạng này.

Về việc thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động, theo Bộ trưởng, đó là một trong các giải pháp, bên cạnh nhiều giải pháp khác trong tháo gỡ vướng mắc cho thị trường lao động.

Bộ trưởng cho biết, có nhiều phương pháp khác cần được thực hiện, triển khai đồng bộ, phương án lập Quỹ cần được rà soát, nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ ghi nhận và nghiên cứu kỹ phương án này.

Về vấn đề chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng cho biết, đến hết năm 2022, khối lượng chậm đóng, trốn đóng tăng 2,69% so với mức của năm 2021, có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng.

Bộ đã điều chỉnh, thực hiện các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng, cho đến nay, các đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng về chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng, quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt. Bộ đã triển khai các biện pháp cụ thể, thực hiện nguyên tắc người lao động thu đến đâu thì thực hiện chính sách tới đó.

Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội, các nội dung này cũng được trình bày trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10, trong đó sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế.

Lĩnh vực lao động – thương binh và xã hội sẽ là vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm nhất

Chia sẻ trên Cổng TTĐT Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, các vấn đề được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp lần này đều là những vấn đề được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.

Trong đó, có những vấn đề rất nóng, đang tồn tại rất nhiều khó khăn, vướng mắc trên thực tế như: Công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần…

Nhấn mạnh, đây đều là những vấn đề lớn ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi của nhân dân, vì vậy đại biểu kỳ vọng, tại phiên chất vấn, các bộ trưởng sẽ trả lời thẳng thắn, đúng và trúng các vấn đề.

Qua đó sẽ nâng cao trách nhiệm của những người đứng đầu trong các lĩnh vực có liên quan, đồng thời gợi mở giải pháp để tháo gỡ các bất cập đang tồn tại, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế đất nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga.

Theo đại biểu, các vấn đề được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp này đều là các vấn đề "nóng" và cần được tháo gỡ trong thời gian tới. Tuy nhiên lĩnh vực lao động – thương binh và xã hội sẽ là vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm nhất. Bởi vì đây là lĩnh vực rất rộng, bao trùm đời sống và gắn với các quyền lợi thiết thân của tất cả người lao động.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, một trong các vấn đề đang tồn tại khá phổ biến tại các doanh nghiệp đó là tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Nhiều ý kiến cử tri phản ánh điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền lợi hưởng bảo hiểm của họ. Mà thông thường, người lao động không nắm bắt được thông tin đóng – nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động của doanh nghiệp.

Chỉ khi có sự vào cuộc, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý hoặc khi phát sinh sự kiện được hưởng bảo hiểm theo quy định thì người lao động mới biết rằng quyền lợi của mình đã và đang bị xâm phạm.

Nhiều doanh nghiệp lợi dụng điều này, đã trốn đóng, chậm đóng BHXH để tận dụng nguồn vốn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền lợi hưởng bảo hiểm của người lao động, tác động tiêu cực đến việc đảm bảo an sinh xã hội nói chung.

Xu hướng rút bảo hiểm xã hội một lần của người dân để trang trải sự thiếu thốn trước mắt cũng đang khiến các cơ quan quản lý "đau đầu". Điều này sẽ gây hệ lụy lâu dài cho người lao động và quỹ bảo hiểm xã hội.

Do vậy, đại biểu cho rằng, việc tìm ra giải pháp hạn chế tình trạng này rất quan trọng giúp bảo toàn hệ thống bảo hiểm xã hội và bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.

Một khía cạnh khác cũng có ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước đó là tốc độ tăng năng suất lao động của nước ta vẫn còn khá chậm, đã 2 năm liên tiếp chúng ta không đạt chỉ tiêu về tăng năng suất lao động do Quốc hội giao. Điều này xuất phát từ rất nhiều các nguyên nhân khác nhau như nguồn nhân lực, định hướng phát triển ngành nghề, khoa học kỹ thuật…

Vì vậy, rất cần có những giải pháp tổng thể đồng bộ để cải thiện vấn đề này góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Cần giải pháp căn cơ cho vấn đề việc làm và bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động

Cho rằng, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội luôn nhận được sự quan tâm theo dõi đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước, do vậy đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) mong muốn, người chất vấn và trả lời chất vấn đều tham gia với tâm thế xây dựng, cầu thị và thẳng thắn, qua đó làm rõ trách nhiệm, giải pháp đối với những vấn đề đang được cử tri, người dân quan tâm.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết ông sẽ chất vấn với cả 4 Bộ trưởng, trưởng ngành, nhất là với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bởi hiện nay các lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ nhiều vấn đề đang được cử tri quan tâm như: việc thực hiện chế độ, chính sách với người có công với cách mạng; chính sách với sinh viên mới ra trường; tình trạng người lao động bị giảm giờ làm, nghỉ việc không lương, thất nghiệp tăng nhanh trong những tháng gần đây; tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động…

Theo đại biểu, vấn đề tạo việc làm, kết nối cung - cầu lao động và bảo đảm quyền lợi cho người lao động là một nhiệm vụ rất quan trọng, cần được Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm thực hiện bằng những giải pháp cả trước mắt và lâu dài.

Số liệu về tình trạng lao động, việc làm trong các tháng đầu năm 2023 do Bộ đưa ra cho thấy, số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm chiếm khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp, chưa kể lao động trong hộ gia đình, lao động tự do. Việc làm bị ảnh hưởng sẽ tác động đến đời sống, quyền an sinh của người lao động, nhất là tình trạng mất việc.

Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa mong Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sẽ đưa ra hệ thống giải pháp khắc phục một cách căn cơ, đồng bộ và hiệu quả những vấn đề này.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/bo-truong-dao-ngoc-dung-tra-loi-chat-van-ve-nhan-luc-viec-lam-bao-hiem-xa-hoi-119230528074255148.htm