Bộ trưởng GD-ĐT: Chuyển đổi giáo dục để chuyển đổi thế giới
Tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có đóng góp quan trọng với chủ đề 'Chuyển đổi giáo dục để chuyển đổi thế giới: Học tập để chung sống bền vững'.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn đại biểu Bộ GD-ĐT Việt Nam đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về chuyển đổi giáo dục tại New York, Hoa Kỳ ngày 19/9. Hội nghị do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres chủ trì, với sự tham dự của 200 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đây là sáng kiến hết sức có ý nghĩa của Liên hợp quốc đối với giáo dục thời kỳ hậu Covid-19. Bên cạnh các phiên thảo luận cấp cao, hội nghị có 5 phiên thảo luận chuyên sâu với các chủ đề: Phục hồi giáo dục sau đại dịch Covid-19; Nền tảng của dạy và học; Giáo dục vì sự phát triển bền vững; Chuyển đổi số; Đảm bảo nguồn tài chính công cho giáo dục.
Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn có các cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hoa Kỳ; Giám đốc Giáo dục toàn cầu của Ngân hàng thế giới (World Bank); đại diện Tập đoàn Microsoft; Đại học New York…
Bộ trưởng đã có đóng góp quan trọng tại Phiên thảo luận với chủ đề “Chuyển đổi giáo dục để chuyển đổi thế giới: Học tập để chung sống bền vững”.
Theo Bộ trưởng, việc phải đối mặt và vượt qua thách thức do đại dịch mang lại đã giúp chúng ta định hình những cách nhìn mới về tương lai của giáo dục. Chúng ta càng thêm chắc chắn rằng công cuộc chuyển đổi giáo dục cần phải tăng tốc hơn nữa, trong bối cảnh những thay đổi vốn mang tính dài hạn nay đã được đẩy nhanh bởi đại dịch.
Thay vì hy vọng mọi thứ được trở về bình thường như trong quá khứ, cách tiếp cận tốt nhất giúp chúng ta có thể phát triển mạnh mẽ giữa những bất ổn trước mắt và xu hướng toàn cầu dài hạn là kết hợp các phương pháp tối ưu trước và trong khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Việc đầu tiên cần làm, theo Bộ trưởng, là bù đắp những khoảng trống giáo dục do ảnh hưởng của việc đóng cửa trường học trong thời gian dài. Hơn cả kiến thức, học sinh sau đại dịch đặc biệt thiếu hụt các kĩ năng trong cuộc sống cũng như trong học tập.
Việc quay trở lại trường học giai đoạn này là một thay đổi lớn, đòi hỏi học sinh phải được trang bị khả năng thích ứng với nhiều thay đổi trong một thời gian ngắn. Các kỹ năng và việc củng cố kiến thức trở nên cần thiết đối hơn đối với việc phải đạt một điểm số cụ thể, hoặc vượt qua một kỳ thi cụ thể tại một thời điểm cụ thể trong cuộc sống.
Thứ hai, trong một thế giới mà mọi thứ đang diễn tiến ngày càng nhanh hơn, phân hóa mạnh hơn và liên kết với nhau chặt chẽ hơn; chúng ta cần một mạng lưới kết nối mạnh mẽ để tối ưu hóa tiềm năng của mình và bảo đảm rằng không ai bị sót lại phía sau. Song song với các biện pháp hỗ trợ tư vấn về sức khỏe tinh thần, những kỹ năng bậc cao để kết nối, cộng tác và tạo ra những giá trị mới là thứ chúng ta cần phải tập trung thúc đẩy cho các thế hệ tương lai.
Thứ ba, thông qua đối thoại chính sách, chia sẻ kiến thức và học hỏi lẫn nhau, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn những kinh nghiệm quốc tế về ứng phó và phục hồi sẽ được phổ biến nhanh chóng, kịp thời và các sáng kiến đổi mới sáng tạo cũng từ đó được nhân rộng.
Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn có các cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hoa Kỳ; Giám đốc Giáo dục toàn cầu của Ngân hàng thế giới (World Bank); đại diện Tập đoàn Microsoft; Đại học New York…
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, Hoa Kỳ là một trong số những đối tác trọng tâm trong hợp tác về giáo dục. Kết quả của sự hợp tác về giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian vừa qua là rất đáng ghi nhận.
Hiện có khoảng 30.000 du học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại các trường phổ thông và đại học của Hoa Kỳ; khoảng 50 chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học của Hoa Kỳ với các trường đại học của Việt Nam đang được thực hiện tại Việt Nam; 6 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của Hoa Kỳ đang hoạt động tại Việt Nam…
Bộ trưởng mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học (đào tạo, nghiên cứu, kiểm định chất lượng) và giảng dạy tiếng Anh; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học nổi tiếng mở phân hiệu hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam; khuyến khích các nhà đầu tư Hoa Kỳ tăng cường hợp tác đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục; quan tâm đến các du học sinh Việt Nam đang theo học tại các cơ sở giáo dục của Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Giáo dục Hoa Kỳ Miguel Cardona cũng cho biết, Bộ Giáo dục Hoa Kỳ luôn sẵn sàng là đối tác với Bộ GDĐT Việt Nam; đảm bảo rằng các cơ quan thuộc ngành Giáo dục Hoa Kỳ sẽ hợp tác hỗ trợ Việt Nam cũng như chia sẻ một số chiến lược giáo dục của Hoa Kỳ. Đồng thời, thúc đẩy việc hỗ trợ sinh viên Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội theo đuổi học tập, cũng như các em học sinh, sinh viên đang theo học tại Hoa Kỳ.