Bộ trưởng Hầu A Lềnh nêu 3 nguyên nhân đồng bào di cư tự do
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng tất cả công dân đều có quyền cư trú ở bất cứ đâu theo Luật Cư trú, nhưng theo trách nhiệm của chính quyền các cấp là phổ biến tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động để người dân hiểu, nếu người dân có nguyện vọng hoặc có điều kiện di chuyển nơi khác thì phải báo cáo, có điều kiện cho phép thì mới đi.
Chiều 6/6, sau phiên đăng đàn của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh bắt đầu "ngồi ghế nóng". Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Hầu A Lềnh trả lời chất vấn trước Quốc hội. Vấn đề nhiều đại biểu quan tâm khi chất vấn Bộ trưởng Hầu A Lềnh, đó là chế độ chính sách cho đồng bào miền núi, vấn đề di dân tự do, thực hiện mục tiêu quốc gia…
Chất vấn Bộ trưởng Hầu A Lềnh, Đại biểu Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái) đặt vấn đề, hiện có nhiều chính sách định canh định cư nhưng nhiều người dân đồng bào dân tộc Mông vẫn đi nơi khác phát nương làm rẫy, mang theo cả gia đình, con cái sinh sống tại các nhà chòi, nhà tạm, sinh hoạt khó khăn và điều kiện giáo dục cho con cái không được đảm bảo.“Bộ trưởng có giải pháp nào trong thời gian tới để người dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, và việc chồng lấn đất đai do di dân hiện nay?” – đại biểu đặt câu hỏi. Cùng câu hỏi này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) chất vấn về giải pháp cho thực trạng nhiều hộ không muốn thoát nghèo, và giải pháp giữ đồng bào, không để xảy ra làn sóng di cư của đồng bào dân tộc.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, đồng bào di cư không theo kế hoạch, đặc biệt đồng bào phía Bắc di cư vào vùng Tây Nguyên thì không chỉ là dân tộc Mông. “Về tập quán, từ trước đến nay, đồng bào dân tộc Mông di cư thường xuyên hơn, đến nhiều địa bàn khác nhau. Có những hộ gia đình chưa có hộ khẩu ổn định nhưng đã di cư đến 3-4 tỉnh” – Bộ trưởng Hầu A Lềnh nêu và cho biết, 3 lý do cho thực trạng trên. Thứ nhất, đồng bào dân tộc Mông có tập quán nhiều khi anh em ở đâu, hoặc nghe nói điều kiện sống tốt hơn là có thể đi rồi. Khi đi sẽ đi theo cả gia đình, dòng họ. Thứ hai, thẳng thắn so sánh điều kiện kinh tế xã hội những nơi người dân chuyển đến tốt hơn. Thực tiễn chứng minh dân tộc Mông và nhiều dân tộc khác di chuyển đến nơi có điều kiện tốt hơn thì điều kiện phát triển để người dân làm giàu, trở thành hộ khá tăng lên. Đó là điểm hấp dẫn để người dân di chuyển. Thứ ba, nơi người dân đang ở có thiên tai, bão lũ, địch họa, người dân không an lòng và chủ động đi tìm nơi ổn định hơn. Đây là việc di cư một cách rất tự phát.
Về giải pháp, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng, tất cả công dân đều có quyền cư trú ở bất cứ đâu theo Luật Cư trú, nhưng theo trách nhiệm của chính quyền các cấp là phổ biến tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động bà con nhân dân để người dân hiểu được quy định pháp luật, nếu người dân có nguyện vọng hoặc có điều kiện di chuyển nơi khác thì phải báo cáo, có điều kiện cho phép thì mới đi. Cùng với đó, chính quyền kip thời nắm bắt giải quyết vướng mắc để người dân thấy an lòng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cũng thừa nhận nhiều cộng đồng dân cư dù điều kiện rất tốt, hoặc được bố trí tái định cư rồi nhưng vẫn di cư. “Ngoài lý do tôi đã nói ở trên thì thêm một lý do “có thể do lôi kéo”, nhưng việc này chưa được kết luận” – Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói.
Trước thực tiễn đang diễn ra, Bộ trưởng cho biết giải pháp là tuyên truyền, vận động bà con. Đặc biệt, khi thu hồi đất của người dân để xây dựng dự án tái định cư, Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhấn mạnh phải lo đầy đủ dịch vụ cơ bản để người dân ổn định cuộc sống. “Đó là giải pháp căn cơ giải quyết câu chuyện này” – Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói.