Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thuế tối thiểu toàn cầu mang lại lợi ích cho đất nước
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam phải chủ động sửa đổi các quy định của pháp luật để phù hợp với yêu cầu của quốc tế và thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.
Làm rõ một số nội dung trao đổi tại Quốc hội về “Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu,’’ Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh thuế tối thiểu toàn cầu là xác định quyền đánh thuế của Việt Nam và mang lại lợi ích cho đất nước
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ ra trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam phải thực hiện các quy định của quốc tế. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải chủ động sửa đổi các quy định của pháp luật để phù hợp với yêu cầu của quốc tế và thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.
Làm rõ nội dung về phần thuế này sẽ được nộp vào ngân sách trung ương chứ không phải ngân sách địa phương, Bộ trưởng cho hay dự toán ngân sách Nhà nước 3 năm và hàng năm được Quốc hội thông qua, quy định rõ tỷ lệ điều tiết giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Do đó, việc nộp vào ngân sách Trung ương sẽ không ảnh hưởng đến điều hành và quản lý của ngân sách địa phương, hơn nữa còn thuận lợi cho việc hỗ trợ ngân sách địa phương từ ngân sách Trung ương.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, trường hợp có thay đổi sẽ quy định lại về tỷ lệ điều tiết. Bởi, nếu nộp vào địa phương sẽ khó xác định bởi các doanh nghiệp, công ty đóng trên địa bàn các địa phương khác nhau, như vậy rất dễ xảy ra tranh chấp nguồn thu và phát sinh thủ tục hành chính nếu doanh nghiệp trên nhiều địa bàn.
Về thuế nhà cung cấp nước ngoài nộp qua Cổng thông tin điện tử (dành cho nhà cung cấp nước ngoài kinh doanh trên nền tảng số, dịch vụ xuyên biên giới), Bộ Tài chính đang thu nộp tỷ lệ 5% thuế giá trị gia tăng trên doanh thu và tỷ lệ 5% thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu. Số thuế nộp đươc điều tiết 100% vào ngân sách Trung ương hưởng.
Liên quan đến việc giao Tổng cục Thuế chỉ định đơn vị nộp thuế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ trước tiên cần phải ưu tiên cho các doanh nghiệp, công ty mẹ chỉ định. Và, khi họ không chỉ định được thì cơ quan quản lý Nhà nước phải chỉ định.
“Đây là biện pháp cuối cùng để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật,” Lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Đối với nội dung bù trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp trong dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin quy định này nhằm tránh thu thuế 2 lần đối với những quốc gia đã ký hiệp định song phương với Việt Nam. Bên cạnh đó, việc thu thuế tại Việt Nam sẽ phải thực hiện theo quy định về tài khóa của Việt Nam.
Ngày 16/12/2022, Diễn đàn Hợp tác Toàn cầu về BEPS (IF) công bố có 138 nước đồng thuận (trong đó có Việt Nam) về Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số mà OECD đưa ra ngày 8/10/2021.
Việt Nam là thành viên thứ 100 của BEPS và không có ý kiến bảo lưu về nội dung này, nên là một trong những nước đồng thuận. Đến nay, Khung giải pháp Hai trụ cột đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước thành viên IF.
Theo nguyên tắc áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu mà OECD/G20 công bố thì các nước thành viên IF: Không bắt buộc phải áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng nếu lựa chọn áp dụng các quy định này thì các nước sẽ phải thực hiện nhất quán theo hướng dẫn của thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với quy định mẫu và hướng dẫn của IF; Trong trường hợp một nước không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận các quy định thuế tối thiểu toàn cầu được các thành viên IF khác áp dụng.
Cơ quan soạn thảo làm rõ về thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế và không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.