Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Tổ chức, cá nhân nhập khẩu cổ vật để kinh doanh phải chịu thuế

Trả lời ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cổ vật do nhà nước nhập khẩu không chịu thuế, nhưng tổ chức, cá nhân nhập về để kinh doanh thì phải chịu thuế…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, tiếp thu

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, tiếp thu

Cuối phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 24-6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề ĐBQH nêu liên quan đến Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT, hay còn gọi là VAT) sửa đổi.

Bộ trưởng cho biết, thuế VAT có phạm vi điều tiết rất rộng và đánh vào hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ nên sẽ liên quan đến lợi ích của nhiều nhà sản xuất, kinh doanh.

Vì vậy, quy định trong dự thảo luật cần làm thế nào để đảm bảo cho sản xuất phát triển, thương mại phát triển. Ban soạn thảo dự luật đã nghiên cứu hết sức chặt chẽ và đánh giá tác động của từng vấn đề liên quan đến chính sách thuế VAT, bao quát được các nguồn thu, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng Tài chính nêu rõ, theo chiến lược đến năm 2030 phải huy động vào ngân sách 16-17% GDP, trong đó thuế và phí là 14-15% GDP, tỷ lệ thu nội địa phải đạt được 86- 87%. “Qua ý kiến của ĐBQH, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu và sẽ đánh giá lại tác động của từng gói chính sách và những vấn đề đang còn tranh luận để đảm bảo thống nhất khi ban hành” – ông Phớc nói.

Giải trình một số ý kiến cụ thể của ĐBQH nêu ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, liên quan đến quy định trong dự thảo luật về “giao Chính phủ quy định hàng hóa, dịch vụ hộ gia đình, cá nhân không chịu thuế VAT”, việc này là rất cần thiết.

Lý do vì quy định trong luật phải đảm bảo phù hợp với xu thế của thế giới, đảm bảo thuế thật sự là công cụ để bảo vệ nền kinh tế và phải thích ứng với quá trình lãnh đạo, điều hành, quản lý nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế vĩ mô. “Do vậy, việc phân cấp cho Chính phủ là hết sức quan trọng để đảm bảo sự linh hoạt và hiệu quả trong quá trình điều hành” – Bộ trưởng Phớc lý giải.

Về thuế đối với cổ vật, Bộ trưởng Tài chính cho biết, cổ vật do nhà nước nhập khẩu không chịu thuế, nhưng tổ chức, cá nhân nhập về để kinh doanh thì phải chịu thuế.

Đối với hàng hóa phân bón, Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ đánh giá lại tác động để trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay.

Cần khuyến khích huy động nguồn lực đưa cổ vật hồi hương

Phát biểu ý kiến trước đó, đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) cho biết, công cụ thuế đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển văn hóa. Tuy nhiên, việc tăng thuế GTGT đối với hoạt động văn hóa, thể thao sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của nhân dân đối với các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ mang tính công cộng này.

Mặt khác, tại khoản 26 Điều 5 dự thảo luật về đối tượng không chịu thuế GTGT với hàng hóa nhập khẩu có quy định miễn thuế cho di vật, cổ vật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhập khẩu, đại biểu Sơn đề nghị áp dụng chung cho mọi đối tượng chứ không chỉ riêng cho các cơ quan Nhà nước. Theo ông, quy định vậy sẽ khắc phục tình trạng như việc mua ấn Hoàng đế chi bảo của Việt Nam tại Pháp vừa qua, và khuyến khích huy động nguồn lực xã hội trong việc đưa cổ vật hồi hương.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bo-truong-ho-duc-phoc-to-chuc-ca-nhan-nhap-khau-co-vat-de-kinh-doanh-phai-chiu-thue-post580685.antd