Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Dỡ bỏ rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động KH&CN
'Cơ chế quản lý hoạt động KH&CN tuy đã có nhiều nỗ lực đổi mới nhưng tư duy chưa (không) chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học còn phổ biến. Còn tồn tại một số vấn đề trái với quy luật phát triển khách quan của KH&CN; trái với thông lệ, tạo ra các điểm nghẽn'.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt thẳng thắn chỉ rõ điều này trong báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ông là một trong 4 bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội vào tuần sau.
Rủi ro nghiên cứu khoa học chưa thực sự được chấp nhận
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, sau 10 năm thực hiện, Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 đã được triển khai tích cực, đúng hướng và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới; nhiều thành tựu KH&CN hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin, xây dựng.... Kết thúc kỳ thực hiện Chiến lược, có 8/11 mục tiêu quan trọng đã đạt được.
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng hệ thống quy định pháp luật nói chung còn thiếu sự đồng bộ, không thống nhất giữa quy định pháp luật về tài chính, đầu tư với quy định pháp luật về KH&CN.
“Cơ chế quản lý hoạt động KH&CN tuy đã có nhiều nỗ lực đổi mới nhưng tư duy chưa (không) chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học còn phổ biến. Còn tồn tại một số vấn đề trái với quy luật phát triển khách quan của KH&CN; trái với thông lệ và thực tiễn pháp lý của các nước phát triển cùng ngưỡng về trình độ công nghệ ở Việt Nam hiện nay, tạo ra các điểm nghẽn trong việc đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh” – ông Huỳnh Thành Đạt nói.
Cụ thể như vướng mắc về giao quyền sử dụng hoặc sở hữu tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN; về định giá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN; về phân chia lợi nhuận thu được; về thành lập doanh nghiệp khởi nguồn trên cơ sở nghiên cứu của đơn vị sự nghiệp công lập…
Một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm được ban hành, hoặc chưa được ban hành, chưa phản ánh đặc thù hoạt động KH&CN. Quy định về phân bổ, sử dụng NSNN cho nhiệm vụ KH&CN còn phức tạp, cồng kềnh và liên tục được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung nên khó khăn trong việc quán triệt, áp dụng.
“Đội ngũ cán bộ KH&CN tuy có tăng về số lượng nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cơ chế đãi ngộ còn bất cập. Cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị cho hoạt động KH&CN còn thiếu và chưa đồng bộ” – ông Huỳnh Thành Đạt cho biết thêm.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống luật pháp, chính sách kinh tế, tài chính, đầu tư, thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ các rào cản theo theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro và độ trễ, dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động KH&CN.
“Đổi mới tư duy về trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức KH&CN công lập. Trao quyền tự chủ tối đa gắn với trách nhiệm giải trình, chịu sự đánh giá độc lập về kết quả hoạt động và công khai kết quả đánh giá” – ông Huỳnh Thành Đạt đề nghị.
Đầu tư công, tài chính công chưa “cởi trói”
Đề cập cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng KH&CN, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian qua có nhiều văn bản của Nhà nước ban hành nhằm huy động, khuyến khích nguồn vốn xã hội, các nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho phát triển KH&CN và nghiên cứu, ứng dụng trong doanh nghiệp.
Chỉ ra những tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, tổng đầu tư xã hội cho KH,CN&ĐMST còn thấp, đầu tư còn dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả đầu tư chưa cao.
Cơ chế quản lý tài chính, định mức tài chính, thủ tục cấp phát kinh phí KH&CN còn bất cập; giải ngân chậm và tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước cho KH&CN chưa đạt 100%.
Ông cũng cho rằng còn thiếu cơ chế, chính sách hữu hiệu để huy động nguồn lực của xã hội, trong đó có nguồn lực từ doanh nghiệp. Cơ chế tài chính chưa khuyến khích cho việc khoán đến sản phẩm cuối cùng.
“Cơ chế, chính sách đầu tư công, tài chính công chưa “cởi trói” cho hoạt động KH,CN&ĐMST, mang nặng tính kiểm tra, giám sát tài chính, dàn trải, thiếu tập trung hơn là tháo gỡ khó khăn, dựa trên đánh giá chất lượng, hiệu quả đầu tư để khuyến khích và ưu tiên” – Bộ trưởng Bộ KH-CN nhận định và thừa nhận số lượng sản phẩm KH&CN được ứng dụng vào sản xuất và đời sống còn khiêm tốn.
Vị bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ các nguyên nhân. Như các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm trên 95%) khiến cho khả năng đầu tư cho ứng dụng, phát triển và đổi mới công nghệ bị hạn chế.
Các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, làm chủ, phát triển và đổi mới công nghệ đã được các cơ quan chức năng bổ sung, chỉnh sửa phù hợp, tuy nhiên vẫn chưa thực sự hiệu quả do thủ tục vẫn còn phức tạp và mất nhiều thời gian để các tổ chức, doanh nghiệp có thể tiếp cận thụ hưởng.
Về giải pháp cho tình trạng trên, bên cạnh cần rà soát, sửa đổi, bổ sung một số luật, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách cần quan tâm, ứng xử phù hợp với bản chất rủi ro, có độ trễ của hoạt động KH,CN&ĐMST.
Nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu có nhiều rủi ro, độ trễ như nghiên cứu cơ bản trong khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên; nghiên cứu ứng dụng nhằm tạo ra công nghệ mới, đổi mới công nghệ; nghiên cứu phát triển công nghệ đặc biệt là các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cùng với đó xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH,CN&ĐMST.
Đổi mới cơ chế quản lý tài chính nhiệm vụ KH&CN theo hướng chấp nhận nguyên tắc rủi ro và có độ trễ trong hoạt động này./.