Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Rau ngoài chợ dán nhãn Vietgap chỉ là trường hợp cá biệt
Khẳng định sự việc rau chợ đầu mối dán nhãn Vietgap là cá biệt, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần có giải pháp tổng thể từ các ngành hàng, không dễ dãi trong sản xuất và tiêu thụ dẫn tới để lọt hiện tượng 'treo đầu dê bán thịt chó'.
Trước thông tin do báo chí điều tra về việc rau ngoài chợ đầu mối được ồ ạt dán nhãn Vietgap và đưa vào siêu thị bán, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã chủ trì cuộc làm việc với các đơn vị thuộc Bộ, Sở NN-PTNT một số địa phương cùng đại diện các nhà bán lẻ, hiệp hội ngành hàng vào tối 22/9, để trao đổi về công tác quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản.
Chất lượng nông sản cho 100 triệu người Việt không thể dễ dãi
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng dễ dãi, trong cả cung và cầu các mặt hàng nông sản và đó là vấn đề phải điều chỉnh.
“Thời gian qua, có một số thông tin về việc các đơn vị cung cấp mua hàng ngoài chợ rồi dán nhãn VietGAP đưa vào các siêu thị. Bộ NN&PTNT cho rằng, đây là những hiện tượng cá biệt, do đó cần có cách đánh giá và đưa ra giải pháp tổng thể, tránh gây ảnh hưởng đến cả ngành hàng. Đặc biệt là từ nay đến tết âm lịch nhu cầu tiêu thụ còn cao, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều biến động trên thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan
Bộ trưởng NN&PTNT cũng lưu ý thêm: "Sản phẩm VietGAP hay hữu cơ chỉ là khuyến khích ứng dụng, nhưng hàng gian, hàng giả thì cần phải xử phạt. Bên cạnh trách nhiệm của cơ quan Nhà nước cần sự vào cuộc trách nhiệm của hiệp hội ngành hàng trong xây dựng hệ sinh thái ngành hàng”.
Với trách nhiệm của cơ quan quản lý, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị của Bộ phải rà soát lại các chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho quản lý, cập nhật kịp thời cho phù hợp với thực tiễn và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ NN&PTNT xác định phải xây dựng tiêu chuẩn cho thị trường trong nước, trước tiên là thông qua hệ thống các nhà bán lẻ. Hiện nay, Bộ đang xây dựng hệ thống tiêu chí để có thể đo được sự cải thiện trong từng giai đoạn.
"Tôi mong muốn rằng cuộc họp này không phải để giải quyết vấn đề mà là cùng nhìn nhận rõ vấn đề. Đây không phải là trách nhiệm của riêng ai, không ai vô can, trong đó có cả trách nhiệm của Bộ trưởng. Với tư cách người tiêu dùng, nếu chúng ta chấp nhận sự dễ dãi thì người bán cũng sẽ dễ dãi, nhìn rộng ra không chỉ trong lĩnh vực rau sạch mà cả các vấn đề khác của xã hội", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Giám sát sản phẩm chặt chẽ ở 3 khâu
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản, muốn giám sát, chuẩn hóa được sản phẩm thì cần có chỉ số đo lường như hiện nay đang có VietGAP. Tuy nhiên, quản lý sau chứng nhận VietGAP là bên thứ ba, không phải Nhà nước do đã xã hội hóa. Tuy nhiên, việc kiểm soát các đơn vị chứng nhận làm có đúng hay không thì chưa được tốt.
“Người tiêu dùng đang nghĩ sản phẩm tốt, sản phẩm chuẩn thì xuất khẩu còn sản phẩm trong nước thì không được như vậy. Sản phẩm xuất khẩu phải theo quy định thị trường nhập khẩu. Trước khi sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm phải được các cơ quan giám định”, ông Tiệp cho biết thêm.
Để giám sát sản phẩm, ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng, cần đặt ở 3 khâu là nhà phân phối lớn, chợ đầu mối và bản thân người làm nông nghiệp.
Ở góc độ các nhà bán lẻ, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ, khi ký kết với nhà sản xuất phải có sự kiểm tra, kiểm soát, trước hết là về mặt giấy tờ. Siêu thị cần làm bài bản, có quy chuẩn riêng kèm theo sự giám sát tại cơ sở sản xuất và hạn chế mua của các nhà cung cấp trung gian, vì khó quản lý đầu vào. Thay vào đó các siêu thị cần mua trực tiếp của các nhà sản xuất, hợp tác xã.
“Chúng tôi không phải chỉ biết bán hàng, khi xảy ra sự cố rồi đổ cho nhà sản xuất thì sẽ không tồn tại được. Chúng tôi cũng rất trăn trở làm thế nào để sản phẩm đến tay người tiêu dùng có chất lượng tốt”, bà Hậu nhấn mạnh.
Bà Vũ Thị Hậu cũng thông tin, thị trường thường thiếu các sản phẩm trái vụ, nên các địa phương có thể sản xuất được loại sản phẩm này cần tăng cường như cà rốt, hành tây, khoai tây… Bởi đây là những sản phẩm rất dễ bị gian dối, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các tỉnh có thế mạnh có thể phát triển các sản phẩm trái vụ, nhất là các địa phương vùng cao.
Cùng quan điểm với bà Hậu, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cũng cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần có các chương trình đào tạo, tập huấn để đưa hàng vào chuỗi phân phối nông sản cho người sản xuất.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông văn hóa sản xuất và tiêu dùng nông sản cũng như thiết lập không gian phân phối nông sản đạt chuẩn tại đô thị và giám sát chặt chẽ truy xuất nguồn gốc nông sản phục vụ tiêu thụ nội địa.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã thực hiện kiểm tra dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng với 2.503 mẫu. Kết quả cho thấy có 40 mẫu vi phạm dư lượng, chiếm 1,6%. Kiểm tra vi sinh với 13 mẫu, kết quả không có mẫu nào vi phạm về chỉ tiêu vi sinh.
Đáng chú ý số cơ sở trồng trọt áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP và tương đương tăng nhanh. Nếu năm 2018 có 1.845 cơ sở áp dụng VietGAP, VietGAHP với diện tích 20.000 ha thì năm 2021 là 6.211 cơ sở với 463.000 ha. Trong 9 tháng năm 2022 là 8.304 cơ sở, với 480.000 ha