Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Loại tình trạng có tên người chết trong danh sách cử tri

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 9/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời nhiều nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn.

Việc thực hiện Đề án liên thông các thủ tục hành chính đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ trợ cấp Tết và trợ cấp mai táng; hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí; lộ trình triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia; cải cách thủ tục hành chính; việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ... là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 9/11.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Liên thông thủ tục, loại tình trạng người chết có tên trong danh sách cử tri

Trả lời đại biểu Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị) về việc thực hiện Đề án liên thông các thủ tục hành chính đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ trợ cấp Tết và trợ cấp mai táng; hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trước khi Thủ tướng phê duyệt Đề án liên thông trên, việc thủ tục hành chính đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú và hưởng chế độ tử tuất, an táng phí có rất nhiều bất cập như: người dân phải khai những thông tin trùng lặp, đi lại nhiều lần mới hoàn thành thủ tục.

“Người dân đến khai tử đã quên hoặc ngại xóa đăng ký thường trú, từ đó xảy ra việc người đã chết nhưng vẫn có tên trong danh sách cử tri bầu trưởng thôn, xóm”, Bộ trưởng nêu ví dụ, tại xã Chu Minh (huyện Ba Vì) năm 2017, trong danh sách cử tri bầu trưởng thôn, xóm có tên của nhiều người đã chết.

Theo Bộ trưởng, 63 địa phương và Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bảo hiểm Xã hội đã thực hiện rất tốt Đề án. Người dân chỉ cần đến UBND xã và chỉ nộp một bộ hồ sơ để thực hiện 3 thủ tục hành chính liên thông: đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất. Đến nay, đã có 353.846 hồ sơ được tiếp nhận, trong đó 350.400 hồ sơ đã được giải quyết (quá hạn là 2.352 hồ sơ, chiếm 0,67%).

“Sơ tính, việc triển khai Đề án mỗi năm tiết kiệm được 38,8 tỷ đồng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Để tiếp tục thực hiện tốt Đề án, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm và thúc đẩy việc thực hiện liên thông các thủ tục hành chính này; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ; mở rộng cơ chế liên thông, nhất là liên thông điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính. Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan thúc đẩy các địa phương có nhiều hồ sơ đăng ký nhưng hồ sơ thực hiện liên thông phát sinh ít.

Bỏ điều kiện kinh doanh này, nảy sinh thủ tục khác

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về việc cắt giảm các thủ tục hành chính, lộ trình triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thực hiện một nền kinh tế không tiếp xúc và giao dịch không tiếp xúc là việc rất quan trọng, đặc biệt là khi chúng ta đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19. Thủ tướng đã giao cho Văn phòng Chính phủ triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia phải đảm bảo được 4 vấn đề, đó là giải quyết hai vấn đề trong nội bộ của Chính phủ là Chính phủ với các cơ quan hành chính nhà nước và Chính phủ với cán bộ, công chức, viên chức; hai mối quan hệ bên ngoài là Chính phủ với người dân và Chính phủ với doanh nghiệp. Cổng Dịch vụ công quốc gia và Trục liên thông văn bản quốc gia đã đáp ứng được những yêu cầu trên.

“Cổng Dịch vụ công quốc gia khai trương ngày 9/12/2019, có 8 dịch vụ, nhưng đến nay, đã có 2.200 dịch vụ công, gồm 774 dịch vụ của các bộ, ngành và 1.426 dịch vụ của các địa phương, tăng tốc rất nhanh. Các thủ tục được công khai hóa. Đã có 85 triệu người truy cập, 25 triệu hồ sơ thực hiện trên Cổng và có 363.000 tài khoản đăng nhập một lần, với nguyên tắc người sử dụng dịch vụ công chỉ dùng một tài khoản duy nhất và đăng nhập một lần có thể đi vào Cổng Dịch vụ công của bất cứ bộ, địa phương nào, rất tiện lợi và bảo mật”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.

Đặc biệt, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối với 10 ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cho phép cá nhân, tổ chức thanh toán trực tuyến qua tài khoản/thẻ ngân hàng với 40 trong số 46 ngân hàng đối với các dịch vụ: thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; thu phí, lệ phí thủ tục hành chính; thu thuế; đóng bảo hiểm xã hội; đóng tiền điện.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc quyết liệt cắt giảm các thủ tục hành chính là một bước đi rất đúng và thực chất. Đến nay, có 3.893 trong số 6.191 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 thủ tục hành chính và cắt bỏ 30 trong số 120 bộ thủ tục hành chính, đang xử lý tiếp 1.501 sự chồng chéo của các bộ, các ngành. Ông cũng thừa nhận, ý kiến đại biểu nêu là điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp.

“Có những trường hợp cắt điều kiện kinh doanh này nhưng lại mọc các thủ tục khác, cắt điều kiện kinh doanh này lại chuyển sang thành tiêu chuẩn và quy chuẩn, từ đó vẫn là rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân”, Bộ trưởng nói.

Thông tin về các chỉ đạo của Thủ tướng liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, trước hết phải kiểm soát ngay từ khâu dự thảo và nâng cao chất lượng của cơ quan thẩm tra; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để công khai hóa, để doanh nghiệp, người dân giám sát và thực hiện quy trình. Quan trọng là quy trình về thủ tục hành chính phải thực sự cắt giảm được chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc của các cơ quan, thực hiện xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử theo Nghị định 45, huy động sự tham gia của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính...

Trao đổi lại sau đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy ghi nhận những thành tích, cố gắng trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Song, bà đề nghị cải cách thủ tục hành chính phải theo hướng đơn giản, thuận lợi, minh bạch để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước; tránh tình trạng người dân muốn thực hiện quyền của mình lại phải nộp nhiều loại giấy tờ, trong đó có những loại giấy tờ không cần thiết và phải đi lại nhiều nơi.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu rõ, đại biểu Quốc hội và cử tri đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ về trách nhiệm của mình. Ông đặt câu hỏi: “Bộ trưởng sẽ tiếp tục đề xuất giải pháp gì cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường thực hiện lời hứa đó? Quốc hội khóa XV tới đây có cần tăng thêm một kỳ lấy phiếu tín nhiệm để góp phần thúc đẩy trách nhiệm thực thi nhiệm vụ này, trong đó có việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ?”.

Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng trách nhiệm của các thành viên Chính phủ là phải thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-tri/bo-truong-mai-tien-dung-loai-tinh-trang-co-ten-nguoi-chet-trong-danh-sach-cu-tri-20201109163312768.htm