Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp mặt trí thức người Việt
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, nhân dịp thăm chính thức Nhật Bản, tối 7/8, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp mặt đại diện trí thức người Việt và trao tặng huân, huy chương cho bạn bè Nhật Bản.
Tham dự buổi gặp mặt có đại diện tiêu biểu cho cộng đồng hơn 5.000 thành viên của Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản (AVIJ), là các giáo sư, chuyên gia, kỹ sư... của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản đạt được nhiều thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc, có bằng sáng chế, đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao.
Phát biểu sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn những đóng góp của trí thức Việt Nam cho sự phát triển của đất nước; bày tỏ cảm nhận được những tình cảm chân thành, sâu đậm, luôn hướng về Tổ quốc, thể hiện qua những chia sẻ sâu sắc, cho thấy sự trăn trở của mỗi cá nhân mong muốn đóng góp vào sự phát triển của đất nước và dân tộc.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định sẽ truyền tải kịp thời, đầy đủ những ý kiến, giải pháp thiết thực tại buổi tọa đàm này tới các cấp, các ngành ở Việt Nam, từ đó phản ánh phù hợp trong chính sách chung của Chính phủ.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, cộng đồng người Việt tại nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam và là một nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, kiều bào ở Nhật Bản nói riêng.
Đặc biệt, Chính phủ luôn coi trọng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để đội ngũ các nhà khoa học, trí thức người Việt ở nước ngoài có thể đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, trong đó có việc tạo điều kiện về nước sinh sống, làm việc, nghiên cứu.
Chia sẻ về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước thời gian qua, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết dù tình hình khu vực và thế giới còn nhiều bất ổn, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà phục hồi tích cực, đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo cơ sở và niềm tin thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2024 đã được Quốc hội thông qua. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Hiện nay, Chính phủ quyết tâm đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực. Các ngành công nghiệp mới, công nghệ cao (chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới...) trở thành ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.
Về thể chế, Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030; sẽ sớm ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Hiện Chính phủ đang nghiên cứu cơ chế “một cửa”, chính sách ưu đãi riêng cho lĩnh vực bán dẫn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng chung. Bộ Ngoại giao đã lập Tổ công tác về thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Về nguồn nhân lực, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được 50.000 kỹ sư chất lượng cao về bán dẫn. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng Kế hoạch hành động, trong đó một số trường đại học đang hình thành liên minh đào tạo trong lĩnh vực này.
Về hạ tầng, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) đã được thành lập; TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng đều lập khu công nghệ cao và các cơ sở nghiên cứu về vi mạch bán dẫn, sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư với cơ chế chính sách ưu đãi cao. Chính phủ cũng đang khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII, tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế, trong đó có Nhật Bản, trong các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, cho phép mua bán điện trực tiếp (DPPA)... bảo đảm cung cấp điện.
Chia sẻ với ý kiến của các chuyên gia, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mong muốn đội ngũ chuyên gia tiếp tục tranh thủ tiếp thu và tận dụng kiến thức, kinh nghiệm trong các lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh và Việt Nam cần như: chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao…; tăng cường kết nối giữa các nhà khoa học; củng cố mạng lưới trí thức trong và ngoài nước thông qua việc tư vấn chính sách; tổ chức diễn đàn, hội thảo với các chuyên gia trong nước, mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị nghiên cứu hình thành cơ chế trao đổi giữa Tổ công tác của Bộ Ngoại giao về thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn với nhóm các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan tại Nhật Bản để đóng góp thiết thực cho mục tiêu chung.
Đặc biệt, Bộ trưởng mong muốn đội ngũ chuyên gia tiếp tục tham gia đào tạo nhân lực khoa học - công nghệ trong nước thông qua thúc đẩy các chương trình hợp tác đào tạo giữa các cơ sở giáo dục - đào tạo hai nước, vận động sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản…
* Cũng trong tối 7/8, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Tsutomu Takebe, Cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt; Huân chương Hữu nghị cho ông Suga Yoshihide, nguyên Thủ tướng Nhật Bản, Cố vấn cao cấp Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Yamamoto Ichita, Thống đốc tỉnh Gunma và ông Fukuda Tomikazu, Thống đốc tỉnh Tochigi; Huy chương hữu nghị cho ông Ken Matsuzawa, Chủ tịch Hội đồng xúc tiến Ngoại giao nhân dân.
Chúc mừng các bạn bè Nhật Bản được vinh dự nhận huân, huy chương lần này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, việc lãnh đạo Việt Nam ký trao tặng huân, huy chương, bằng khen lần này chính là sự đánh giá cao, tri ân đối với những đóng góp quý báu mà bạn bè Nhật Bản đã và đang dành cho đất nước, nhân dân Việt Nam cũng như quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản.
Sau hơn 50 năm vun đắp và xây dựng, với nền tảng là sự gắn bó lịch sử lâu đời hơn 1000 năm, sự tương đồng về văn hóa và tính cách dân tộc, quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đã đạt nhiều thành quả quan trọng với sự tin cậy cao và đang trong giai đoạn phát triển rất tốt đẹp, ngày càng thực chất và hiệu quả, trong đó dấu mốc quan trọng là việc hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 11/2023.
Nhật Bản duy trì là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đối tác số 1 về hợp tác ODA, số 2 về lao động, số 3 về du lịch và đầu tư, số 4 về thương mại. Hợp tác trong lĩnh vực lao động, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác địa phương ngày càng chặt chẽ; giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân ngày càng mật thiết. Hai nước cũng đang nỗ lực thúc đẩy mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bán dẫn, đổi mới sáng tạo…
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: “Để đạt được những bước tiến vượt bậc và thành quả đáng tự hào trong chặng đường hơn 50 năm qua, phải kể đến sự chỉ đạo quyết liệt của các vị lãnh đạo tiền bối, những người đã luôn dành tình cảm, sự quan tâm, thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Nhật Bản cho đến khi trái tim ngừng đập như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cố Thủ tướng Abe Shinzo, cũng như các vị lãnh đạo cấp cao khác của hai nước, trong đó có nguyên Thủ tướng Suga Yoshihide”.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tin tưởng rằng, trong thời gian tới, bạn bè Nhật Bản sẽ tiếp tục ủng hộ và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển bền vững của quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Tsutomu Takebe, Cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt bày tỏ vinh dự và tự hào được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Ông Takebe đã chia sẻ những kỷ nhiệm sâu sắc trong quá trình thúc đẩy quan hệ hai nước thời gian qua, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực để đóng góp nhiều hơn nữa cho mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nhật Bản-Việt Nam.