Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng về mối quan hệ với Mỹ
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị bày tỏ hy vọng rằng Washington sẽ thực hiện các bước đi đúng đắn để thúc đẩy một mối quan hệ Trung-Mỹ ổn định, lành mạnh và bền vững.
Ngày 3/12, phát biểu trong cuộc gặp với phái đoàn do bà Susan Elliott, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ủy ban Quốc gia về Chính sách đối ngoại Mỹ (NCAFP) dẫn đầu đang ở thăm Trung Quốc, ông Vương Nghị nhấn mạnh rằng chính sách đối ngoại của Bắc Kinh luôn duy trì tính “ổn định và liên tục”, bất kể những thay đổi ở phía Mỹ.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc nhắc lại tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng trước bên lề Hội nghị cấp cao APEC tại Peru, rằng Bắc Kinh cam kết thúc đẩy quan hệ song phương dựa trên các nguyên tắc: tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình, hợp tác cùng có lợi.
Ông Vương Nghị nhấn mạnh: “Trung Quốc không thay đổi mục tiêu xây dựng quan hệ ổn định và bền vững với Mỹ, nhưng việc duy trì hay cải thiện quan hệ phụ thuộc lớn vào cách Mỹ lựa chọn hành xử”.
Ông cũng khuyến cáo Washington cần có nhận thức chiến lược đúng đắn về sự phát triển của Trung Quốc. Ông khẳng định rằng Bắc Kinh không có ý định thay thế vị thế của Mỹ, đồng thời kêu gọi Washington tránh bị ám ảnh bởi ý niệm “chiến thắng trong cạnh tranh với Trung Quốc”.
Ông khẳng định tầm quan trọng của đối thoại chiến lược để thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, tránh tính toán sai lầm và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực có lợi ích chung.
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Vương Nghị cũng nói về về vấn đề Đài Loan, một điểm nóng trong quan hệ hai nước, ông Vương tái khẳng định đây là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và kêu gọi Mỹ tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc”. Ông cảnh báo Washington không được vượt qua các “ranh giới đỏ” trong quan hệ song phương, đồng thời tôn trọng quyền tự quyết và phát triển của Trung Quốc.
Ông Vương Nghị cũng nhấn mạnh giao lưu nhân dân và hợp tác văn hóa giữa Trung Quốc và Mỹ là xu thế không thể đảo ngược. Bắc Kinh sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi nhân sự, đồng thời khuyến khích công dân Mỹ từ mọi tầng lớp xã hội đến thăm Trung Quốc, thúc đẩy sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa hai nước.
Phái đoàn NCAFP bày tỏ mong muốn hai nước duy trì liên lạc hiệu quả, thúc đẩy đối thoại chiến lược và tăng cường hợp tác trong thời kỳ chuyển giao chính trị quan trọng tại Mỹ. Bà Susan Elliott nhấn mạnh, sự ổn định trong quan hệ Trung-Mỹ không chỉ quan trọng đối với hai quốc gia mà còn ảnh hưởng đến hòa bình và phát triển của toàn thế giới.
NCAFP khẳng định cam kết đóng vai trò cầu nối, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau và hướng tới một tương lai tích cực cho quan hệ song phương.
Những phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh ngày 1/12, Tổng thống đắc cử Trump chỉ trích nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS mà Trung Quốc là một thành viên chủ chốt và cảnh báo áp mức thuế 100% nếu nhóm này tìm cách "rời xa" đồng USD. Đồng thời, trong một động thái chiến lược nhằm kiềm chế tham vọng bán dẫn của Trung Quốc, ngày 2/12, Mỹ đã công bố gói biện pháp mới hạn chế xuất khẩu công nghệ chip.
Đây là đợt trừng phạt thứ ba trong vòng ba năm qua, với phạm vi ảnh hưởng bao trùm hơn 140 công ty Trung Quốc, bao gồm các nhà sản xuất thiết bị chip như Naura Technology Group, Piotech và SiCarrier Technology.
Gói biện pháp mới nhắm trực tiếp vào khả năng sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc, đặc biệt là những loại chip phục vụ trí tuệ nhân tạo (AI) - một yếu tố quan trọng trong phát triển quân sự và an ninh quốc gia. Các quy định bao gồm hạn chế xuất khẩu chip bộ nhớ băng thông cao (HBM), 24 công cụ sản xuất chip và các thiết bị công nghệ sản xuất từ các quốc gia như Singapore, Malaysia.
Trong bối cảnh chính trị quốc tế ngày càng phức tạp, thông điệp từ Bắc Kinh gửi tới Washington mang tính chiến lược sâu sắc. Liệu Mỹ có thể tận dụng cơ hội này để thiết lập lại quan hệ với Trung Quốc, hay tiếp tục chính sách đối đầu, sẽ là yếu tố quyết định hướng đi của hai cường quốc trong thập kỷ tới.