Mark Zuckerberg muốn đóng góp tích cực vào chính sách công nghệ của Trump, nhiều doanh nhân sợ Elon Musk 'trả thù'
Elon Musk đã có ảnh hưởng trong các cuộc thảo luận chính sách với ông Donald Trump và có vẻ Mark Zuckerberg cũng muốn tham gia.
"Mark rất muốn đóng vai trò tích cực trong các cuộc tranh luận mà bất kỳ chính quyền nào cũng cần có về việc duy trì vị thế dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và đặc biệt là vai trò then chốt của trí tuệ nhân tạo (AI)", Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách quan hệ toàn cầu của Meta Platforms, nói với các nhà báo, theo báo cáo từ trang The Verge.
Mark Zuckerberg và ông Trump từng có lúc đối đầu, nhưng gần đây họ đã liên lạc lại, gặp nhau tại bữa tối vào tuần trước ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống đắc cử Mỹ.
Nick Clegg từ chối tiết lộ chi tiết về các cuộc thảo luận, nhưng cho biết "những cuộc trò chuyện ở giai đoạn này rõ ràng vẫn ở mức khá chung chung".
Hai người gặp nhau vài lần trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên của ông Trump. Ông Trump chỉ trích Facebook và Mark Zuckerberg nhiều lần những năm qua, thậm chí từng tuyên bố sẽ bắt giam Giám đốc điều hành Meta Platforms nếu tái đắc cử.
Nguyên nhân do Facebook đình chỉ tài khoản của Trump vào năm 2021 vì những bình luận của ông trong cuộc bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6.1.2021. Lúc đó, Mark Zuckerberg cho biết: "Rủi ro nếu cho phép Tổng thống tiếp tục sử dụng dịch vụ của chúng tôi trong thời điểm này là quá lớn". Hai năm sau, công ty đã khôi phục tài khoản Facebook và Instagram của ông Trump.
Không giống Elon Musk, Mark Zuckerberg không ủng hộ ứng cử viên tổng thống nào năm nay. Trong một cuộc phỏng vấn, tỷ phú 40 tuổi người Mỹ cho rằng phản ứng mạnh mẽ của ông Trump sau khi bị ám sát hụt tại cuộc vận động ở bang Pennsylvania (Mỹ) hôm 13.7 là "rất ấn tượng."
Trong cuộc gọi với các phóng viên, Nick Clegg thảo luận về nỗ lực kiểm duyệt nội dung của Meta Platforms mà ông nói rằng công ty "đã làm hơi quá" thời kỳ đại dịch COVID-19. Đây là điều khiến công ty truyền thông xã hội này bị chỉ trích từ cả hai phe chính trị.
"Chúng tôi biết rằng khi thực thi các chính sách, tỷ lệ sai sót của chúng tôi vẫn còn quá cao, điều này cản trở quyền tự do biểu đạt mà chúng tôi hướng đến. Quá nhiều nội dung vô hại bị gỡ xuống hoặc bị hạn chế, và quá nhiều người bị xử phạt không công bằng", ông thừa nhận.
Nhiều doanh nhân công nghệ sợ Elon Musk trả thù
Theo nguồn tin của trang Wall Street Journal, Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI) đã cố liên hệ vòng tròn thân cận của ông Donald Trump nhưng bất thành do vị thế quá lớn của Elon Musk. Kể từ sau bầu cử, Giám đốc điều hành Tesla đã liên tục thể hiện ý định Sam Altman.
Trước khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, Elon Musk đã nổi tiếng là người thích gây rối và tạo ra nhiều kẻ thù. Sau khi ông Trump đắc cử, Elon Musk trở thành là doanh nhân quyền lực nhất thế giới, theo tờ Fortune. Đổ ít nhất 130 triệu USD vào chiến dịch tranh cử để ủng hộ ông Trump, Elon Musk tự gọi mình là "người bạn đầu tiên" của tổng thống đắc cử trên X.
Giờ đây, chính những "kẻ thù" của Elon Musk lại đang lo sợ khi từng đối đầu với tỷ phú giàu nhất thế giới.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Elon Musk nhiều lần công kích những người mà ông không thích bằng các vụ kiện và lời chỉ trích trên tài khoản X với 200 triệu người theo dõi.
"Đôi khi tôi nghĩ danh sách kẻ thù của mình quá ngắn. Có một lượng lớn những kẻ thù trong danh sách của tôi, dù tôi không muốn thêm tên vào đó nhưng chẳng có lựa chọn nào khác", Elon Musk từng đăng công khai trên X.
Theo Wall Street Journal, tính cách nóng nảy của Elon Musk đang tạo nên làn sóng lo sợ trong giới tỷ phú và doanh nhân, chẳng hạn Bill Gates (nhà sáng lập Microsoft), Jeff Bezos (nhà sáng lập Amazon) hay Mark Zuckerberg.
Bằng chứng mới nhất là Elon Musk đã đẩy mạnh việc kiện OpenAI, công ty mà ông từng đồng sáng lập năm 2015 nhưng rời đi năm 2018 vì bất đồng quan điểm với Sam Altman để rồi nuối tiếc sau thành công của ChatGPT.
Wall Street Journal đánh giá Elon Musk có quyền lực chưa từng có với một doanh nhân.
Cần lưu ý là Elon Musk đang sở hữu 6 công ty có tên tuổi, gồm cả Tesla hay SpaceX, vốn có mối quan hệ với chính phủ liên bang Mỹ. Chẳng hạn SpaceX đã nhận được hơn 15 tỉ USD hợp đồng từ chính phủ liên bang trong 10 năm qua.
Ở mảng chính trị, Elon Musk đang có ảnh hưởng mạnh mẽ nhờ lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), nơi đề xuất việc tinh gọn bộ máy chính phủ để giảm thâm hụt ngân sách.
Elon Musk cũng được cho là tham gia các cuộc gặp cấp cao của ông Trump, qua đó ảnh hưởng đến các đề xuất xây dựng nhân sự chính phủ mới hay các quyết sách quan trọng.
Thậm chí tỷ phú 53 tuổi kiếm khi rời khỏi xa ông Trump kể từ sau cuộc bầu cử và ngủ tại Mar-a-Lago, câu lạc bộ tư nhân của tổng thống đắc cử và là trụ sở không chính thức của ủy ban vận động chính trị cho chính trị gia này tại khu Palm Beach, bang Florida.
Quyền lực của Elon Musk được thể hiện rõ khi hàng loạt doanh nhân, chính trị gia hay người nổi tiếng muốn được gặp và nói chuyện với Giám đốc điều hành Tesla. Đích thân Shou Zi Chew (Giám đốc điều hành TikTok) đã gặp Elon Musk để tìm kiếm lối thoát cho mạng xã hội này kể từ khi bị cấm hoạt động tại Mỹ.
Ngay cả Sam Altman cũng đang phải tìm cách giải quyết vấn đề khi ông Trump chắc chắn sẽ có các động thái ảnh hưởng đến ngành trí tuệ nhân tạo (AI). Elon Musk cũng đang xây dựng công ty khởi nghiệp xAI để cạnh tranh với OpenAI.
Theo nguồn tin của Wall Street Journal, Sam Altman liên lạc với bạn bè và cộng sự kinh doanh trong vòng tròn của ông Donald Trump, gồm cả con rể Jared Kushner và Josh Kushner, vốn là nhà đầu tư lớn vào OpenAI.
Tuy nhiên, Wall Street Journal cho hay những động thái này không đem lại nhiều hiệu quả do nhiều người không muốn liên quan đến cuộc xung đột này khi Elon Musk đang có vị thế quá lớn.
Những tuần gần đây, CEO OpenAI đã nhờ người bạn chung sắp xếp một cuộc họp với Howard Lutnick, đồng chủ tịch nhóm chuyển giao của tổng thống đắc cử.
Howard Lutnick được xếp hạng là một trong những cố vấn thân cận nhất của Trump và cũng thân thiết với Elon Musk. Thậm chí, Howard Lutnick được ông Trump lựa chọn để lãnh đạo Bộ Thương mại Mỹ, nơi giám sát các quy định về AI.
Dù chưa rõ kết quả thế nào nhưng theo Wall Street Journal, lãnh đạo của một số công ty có cạnh tranh với Elon Musk đang ngần ngại khi lên tiếng chống lại tỷ phú này trước công chúng do ảnh hưởng quyền lực quá lớn.
Bill Gates có thể sẽ nằm trong danh sách kẻ thù của Elon Musk khi từng đặt cược giá cổ phiếu Tesla sẽ giảm. Ngay lập tức, Elon Musk đã tức giận đăng bức ảnh không mấy hay ho của nhà sáng lập Microsoft trên X với lời lẽ chỉ trích.
"Khi nghe tin tôi bán khống cổ phiếu Tesla, Elon Musk đã hành xử cực kỳ tệ với tôi. Tuy nhiên, Elon Musk hành xử thô lỗ với rất nhiều người nên bạn không thể coi đó là chuyện cá nhân", Bill Gates nói với Walter Isaacson - người viết tiểu sử về Elon Musk.
Năm 2022, Elon Musk đã văng tục trên sân khấu khi nhắm vào Bob Iger (Giám đốc điều hành Walt Disney) do hãng này cùng nhiều doanh nghiệp rút quảng cáo khỏi X.
Bước sang năm 2023, Elon Musk thách đấu võ trong lồng với Mark Zuckerberg sau khi nhà sáng lập Facebook ra mắt Threads, nền tảng cạnh tranh với X.
Ngay cả Jeff Bezos cũng là kẻ thù của Elon Musk khi công ty Blue Origin của ông cạnh tranh với SpaceX trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Năm 2021, Blue Origin đã đệ đơn phản đối việc NASA (Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ) ký hợp đồng trị giá 2,9 tỉ USD với SpaceX, khiến chính phủ phải hạn chế các vụ phóng tên lửa của SpaceX tại một số địa điểm với lý do "lo ngại về môi trường".
Hiện chưa rõ Elon Musk sẽ trả thù thế nào nhưng Wall Street Journal nhận định lãnh đạo Meta Platforms, Alphabet (công ty mẹ Google), Amazon hay Microsoft đều đang lo ngại ông chủ Tesla sẽ thúc đẩy chính sách kiểm soát quyết liệt hơn từ chính phủ Mỹ, ví dụ tăng cường các đợt rà soát vi phạm luật chống độc quyền từ Bộ tư pháp.
Tất nhiên, không riêng gì Sam Altman đang tìm cách lấy lòng những nhà hoạch định chính sách mới của Mỹ. Điển hình là Mark Zuckerberg đã có bữa ăn tối thân mật với ông Trump trong dịp Lễ tạ ơn tại Mar-a-Lago cùng với Elon Musk.