Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay
Dựa trên khả năng tăng trưởng có thể đạt được ở nửa cuối năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế của nước ta năm nay, ở mức 6-6,5%.
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 4-7, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô tháng 6 và 6 tháng đầu năm nay của nước ta cơ bản ổn định.
Đặc biệt, trong quý II vừa qua, tăng trưởng của nước ta tích cực hơn, ước tăng 4,14% so với cùng kỳ 2022.
Nhiều địa phương thuộc vùng động lực quan trọng đã có mức tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II cao hơn. Cụ thể: TPHCM tăng 5,9%, Bình Dương tăng 5,7%, Đồng Nai tăng 4,8%, Bắc Giang tăng 13,8%; Vĩnh Phúc tăng 3,8%...
Bên cạnh đó, cũng có nhiều chỉ dấu tích cực như: Kim ngạch xuất nhập khẩu có xu hướng tăng, xuất siêu 12,25 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư công đã có cải thiện đáng kể; hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục có chuyển biến; tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ, số doanh nghiệp thành lập mới, thị trường chứng khoán… dần lấy lại được đà tăng trưởng.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đưa ra hai kịch bản tăng trưởng GDP của nước ta cả năm nay, ở mức 6-6,5%.
Kịch bản 1: GDP cả năm dự kiến tăng 6%, thì tăng trưởng quý III phải đạt 6,8%, quý IV là 9%, cao hơn lần lượt 0,3 và 1,9 điểm phần trăm so với kịch bản đưa ra hồi đầu năm. Với kịch bản này, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%.
Kịch bản 2: GDP năm 2023 tăng 6,5%. Tức là, hai quý cuối năm phải đạt tăng trưởng 7,4% và 10,3%.
Tuy nhiên, Bộ trưởng KH-ĐT cũng lưu ý, khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn. Do đó, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành, chính quyền địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư, xuất khẩu. Đồng thời, cần tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững các thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lao động.