Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ủng hộ việc nới bội chi và nợ công để có gói hỗ trợ đủ lớn phục hồi nền kinh tế
Chính sách và giải pháp cụ thể để phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới có hiệu quả, đây là nội dung đại biểu Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 11/11.
Năm nhóm giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng 5 nhóm giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới. Thứ nhất, tập trung vào mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch, thực hiện Nghị quyết 128 một cách chắc chắn, an toàn, có lộ trình, phù hợp với chiến lược phòng, chống dịch và khả năng tiêm vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; tăng tính chủ động cho doanh nghiệp để duy trì hoạt động liên tục của các doanh nghiệp.
Thứ hai là tập trung hỗ trợ cho an sinh xã hội và hỗ trợ tạo việc làm, theo đó, hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người lao động, đào tạo, đào tạo lại lao động, kết nối việc làm, phát triển thị trường lao động, chính sách dạy nghề, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…
Thứ ba là hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp. Vừa qua, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tổn thương rất nhiều, sức chống chịu và khả năng chống chịu hiện nay đã bị bào mòn, đặc biệt, một số lĩnh vực bị tác động mạnh mẽ.
“Về các chính sách chung, sẽ xem xét để trình Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền cho phép kéo dài các chính sách về miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí phải đóng và nộp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hỗ trợ dòng tiền cho các doanh nghiệp. Hỗ trợ cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp vay trong một số lĩnh vực chúng ta cần ưu tiên. Có thêm các chính sách riêng đối với một số ngành và lĩnh vực như chế biến nông, lâm sản, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số”, Bộ trưởng thông tin.
Nhóm giải pháp thứ tư được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập là phát triển kết cấu hạ tầng, khuyến khích đầu tư theo hình thức PPP. Đầu tư công chỉ tập trung vào hạ tầng chiến lược, những công trình trọng điểm quốc gia, mang tính động lực lớn cho lan tỏa, kết nối để phát triển bền vững trong thời gian tới; vấn đề an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập, đê, kè, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhóm thứ năm, đó tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, đi kèm với đó phải có chính sách về quản trị rủi ro gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trả lời ý kiến đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) về giải pháp để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho hay, năm 2020, chúng ta cố gắng tập trung vào duy trì sản xuất bằng cách giữ chân lao động, hỗ trợ doanh nghiệp cầm cự để duy trì sản xuất. Năm nay, chúng ta đang thực hiện chính sách mở cửa nhanh nền kinh tế kết hợp với phòng, chống dịch tốt và một chương trình phục hồi tới đây để doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế khôi phục trở lại.
Đưa ra thông tin đáng mừng là kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 và Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", Bộ trưởng cho biết, doanh nghiệp đã quay trở lại rất nhanh, sản xuất kinh doanh của các nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp lớn có nơi đạt công suất đến 80 - 90% và có thể đạt 100% vào cuối năm. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao Nghị quyết 105, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, nhờ đó các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và duy trì được sản xuất để không bị chuyển các đơn hàng ra nước khác.
Bộ trưởng dẫn chứng, Tập đoàn Nike có 200 doanh nghiệp với khoảng 500 ngàn lao động. khi tình hình dịch căng thẳng, Tập đoàn này đã chuyển khoảng 30% đơn hàng ra nước khác, nhưng đến nay đã quay lại 100%. “Vừa qua, họ có gặp Thủ tướng tại Hội nghị COP-26, họ đã cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng, đánh giá rất cao và họ cam kết sẽ tin tưởng và cam kết ở lại Việt Nam lâu dài. Điều đó cho thấy hiệu quả của các chính sách chúng ta đưa ra trong thời gian tới”.
Chương trình tổng thể kích thích kinh tế
Chất vấn về gói kích thích phục hồi kinh tế, đại biểu Võ Thị Minh Sinh (Nghệ An) đặt ra một loạt câu hỏi: chính xác là khi nào sẽ gói kích thích này, có gì giống và khác so với các gói hỗ trợ đã được thực hiện trong các giai đoạn trước, đến thời điểm nào nền kinh tế Việt Nam có thể được xem là phục hồi?
Giải đáp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009, các gói kích thích đầu tư tập trung chủ yếu vào thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, kích cầu đầu tư, tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội, quy mô 122.000 tỷ đồng, tương ứng với 6,9 tỷ USD. Riêng năm 2009, đã bố trí 100,6 nghìn tỷ đồng tương ứng với 5,7 tỷ USD và tương ứng với 5,6% GDP (GDP lúc đó khoảng 100 tỷ USD). Gói kích thích này đã giúp đất nước vượt qua được khủng hoảng, là một trong số ít nước đạt tăng trưởng dương. Năm 2008, tăng trưởng 5,7% và năm 2009, tăng trưởng 5,4%.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho hay, gói kích thích này cũng mang lại rất nhiều hạn chế, bất cập cần rút kinh nghiệm, đó là chính sách mới chủ yếu tập trung về phía cung, doanh nghiệp rất khó khăn về đầu ra nhưng chưa hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các đầu ra. Chính sách hỗ trợ lãi suất lớn nhưng thiếu đồng bộ với các chính sách tiền tệ và tài khóa khác, làm giảm hiệu quả, dẫn đến trục lợi chính sách, vay từ vốn rẻ này để gửi ngân hàng khác hưởng chênh lệch. Vốn không chảy vào sản xuất mà chảy vào chứng khoán, bất động sản.
Do chúng ta kiểm soát không chặt chẽ, nhiều ảnh hưởng về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng cao trong thời kỳ này. Năm 2010, lạm phát là 9,2%, năm 2011 lạm phát lên đến 18,6%. Đầu tư dẫn đến dàn trải, nợ đọng, lãng phí, đình hoãn và nhiều dự án đến năm 2011 dừng lại, đến nay không giải quyết được hậu quả. Nhiều gói hỗ trợ lãi suất hiện chưa quyết toán được, để lại nhiều hệ lụy.
Nguyên nhân chủ yếu là sự thiếu đồng bộ giữa các chính sách tài khóa và tiền tệ, chính sách tiền tệ thiếu linh hoạt; quản lý, giám sát thiếu chặt chẽ; chính sách thực hiện trên nền kinh tế vĩ mô thiếu ổn định của giai đoạn trước. Tăng trưởng cung tiền và tín dụng luôn ở mức cao, các chính sách hỗ trợ chưa sát thực tiễn, điều kiện cho vay vốn chưa được công khai, minh bạch.
Nêu bài học kinh nghiệm từ gói kích thích kinh tế của hơn 10 năm trước, Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư nhận định, cần có chương trình tổng thể với quy mô đủ lớn và đủ khả năng vay trả và khả năng hấp thụ của nền kinh tế.
Nhắc lại ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phiên chất vấn liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư công “giờ giải ngân còn chưa hết, sắp tới chúng ta có một gói kích cầu đầu tư nào đó thì làm sao giải ngân được, làm sao giải ngân kịp trong 2022 - 2023 được”, Bộ trưởng cho rằng, đây là thách thức đang đặt ra.
“Nếu chúng ta xây dựng một chương trình định đầu tư như thế này, nhưng công tác chuẩn bị, công tác giải phóng mặt bằng, công tác giải ngân như thế này thì không thể nào mà hấp thụ được, có khi còn kéo dài đến 5 - 10 năm sau. Đây là bài học chúng tôi đang nghiêm túc nghiên cứu, rút kinh nghiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bài học thứ hai, theo ông Nguyễn Chí Dũng là phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời và phải đảm bảo ổn định. Hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực có khả năng phục hồi; hỗ trợ cho dòng tiền và ổn định tài chính, huy động các nguồn lực quốc tế khác và đặc biệt là phải có kiểm soát rủi ro, giám sát chặt chẽ trong thực hiện.
Nói về thời điểm phục hồi nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, đến nay, thực tế chưa có một quan điểm thống nhất nào, như thế nào là phục hồi, thời điểm nào phục hồi, nhưng “nếu gọi là phục hồi thì tất cả các hoạt động về kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp, đi lại của người dân phải trở lại bình thường như trước khi có dịch. Tốc độ tăng trưởng cũng phải quay trở lại đà tăng trưởng giống như trước khi có dịch”. Cho rằng, phục hồi phải có quá trình, ông Dũng cũng cho biết, dự tính, nếu bắt đầu thực hiện gói kích thích kinh tế từ đầu năm 2022 thì quá trình phục hồi sẽ diễn ra vào cuối năm đó và nếu kiểm soát tốt, hiệu quả các gói đưa ra, chúng ta sẽ trở lại trạng thái bình thường vào cuối năm 2023 như mong muốn, kỳ vọng.
Nới bội chi và nợ công
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) chất vấn: Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch thì cần một gói hỗ trợ đủ lớn về tài khóa, đặc biệt là hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt tương đương với khoảng 3% đến 4% GDP. Tuy nhiên, nếu làm như vậy sẽ vượt chỉ tiêu bội chi ngân sách nhà nước, tăng nợ công, tăng nợ Chính phủ. Còn nếu không có các giải pháp hỗ trợ đủ lớn thì nền kinh tế sẽ chậm được phục hồi, lỗi nhịp so với sự phát triển của các nước và kèm theo là nhiều hệ lụy tiêu cực. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu quan điểm của mình, chúng ta chấp nhận thâm hụt ngân sách, vượt trần nợ công hay hỗ trợ không đủ lớn, không đủ liều, không đủ kịp thời.
Cho biết, nếu hỗ trợ bằng tiền mặt tức là cung tiền ra thị trường, cấp tiền cho người dân, như vậy sẽ có rủi ro rất lớn là tăng lạm phát, tăng bội chi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm ủng hộ việc nới bội chi và nới nợ công trong khoảng chúng ta có thể kiểm soát được, như vậy vừa phát triển, vừa giải quyết việc làm, vừa làm cho quy mô nền kinh tế lớn lên. Khi quy mô lớn lên, GDP lớn lên tự khắc bội chi và nợ công sẽ giảm xuống.
Bộ trưởng phân tích, nếu chúng ta không nới bội chi và không nới nợ công thì không có đầu tư, rất khó có điều kiện để tăng trưởng, phát triển, sẽ là một vòng luẩn quẩn. Không tăng trưởng được thì không thực hiện được các mục tiêu của kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm hay các mốc khát vọng đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao. “Nếu như thế thì chúng ta lại bỏ hết các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ thời kỳ dân số vàng của chúng ta, từ các hiệp định thương mại tự do chúng ta đã ký kết và những chuyển dịch mới, những cấu trúc mới đang hình thành, chúng ta lại lỡ nhịp cuộc chơi, chúng ta lại tụt hậu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.