Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: 5 giải pháp để Gia Lai bứt phá công nghiệp, thương mại
Để khai thác được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Gia Lai, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu 5 kiến nghị.
Ngày 6/1, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương đã thăm và làm việc với Tỉnh ủy Gia Lai về tình hình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Tham gia buổi làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an.
Cùng dự buổi làm việc của Tổng Bí thư còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc; các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng: Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải Trần Hồng Minh và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Về phía tỉnh Gia Lai có Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn…
5 kiến nghị để Gia Lai bứt phá
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu về tiềm năng, tỉnh Gia Lai thuộc khu vực Bắc Tây Nguyên, diện tích tự nhiên 15.510 km2; dân số hơn 1,63 triệu người, với 44 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 45,76% (chủ yếu là dân tộc Jrai và Bahnar). Tỉnh Gia Lai có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên; có vị trí quan trọng trong quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực, nhất là Campuchia và Lào; có hệ thống giao thông đường bộ tương đối thuận lợi, như: Quốc lộ 14, 14C, 19, 25 và đường Trường Sơn Đông; Cảng hàng không Pleiku.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển, diện tích rộng, đất đai thổ nhưỡng phì nhiêu, địa hình đồi núi, cao nguyên và thung lũng đồng bằng xen kẽ, hình thành khí hậu đặc trưng riêng của mỗi khu vực, là tiền đề thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghiệp - thương mại, nhất là công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo.
Để khai thác được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Gia Lai, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh những năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu rõ 5 kiến nghị ở góc độ ngành Công Thương.
Thứ nhất, tập trung nghiên cứu yêu cầu thị trường trong nước, các nước trong khu vực, nhất là các nước trong các FTA mà Việt Nam là thành viên, để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại để hình thành các chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất – chế biến – tiêu thụ; chú trọng xây dựng quảng bá thương hiệu sản phẩm chủ lực, vùng trồng, vùng nuôi để có thể đưa vào các thị trường khó tính.
Thứ hai, tập trung nghiên cứu có cơ chế chính sách để thu hút đầu tư các doanh nghiệp vào công nghiệp chế biến, chế tạo để tăng giá trị xuất khẩu vào các mặt hàng nông lâm chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su, các ngành về gỗ. Thúc đẩy các ngành khai thác chế biến nông sản để tạo dư địa mới tăng trưởng cho địa phương cũng như tạo nguồn cung đầu vào cho ngành chế biến cả nước. Có cơ chế hấp dẫn để các doanh nghiệp phát triển logistíc để phát huy tiềm năng nỏi trội của địa phương là cửa ngõ của các nước Đông Nam Á, của miền Trung – Tây Nguyên. Chú trọng, tạo điều kiện để các dự án đầu tư năng lượng hoạt động có hiệu quả. Trước mắt là chủ động đề xuất với Trung ương và Chính phủ cho tháo gỡ các dự án năng lượng tái tạo đã đầu tư. Trong 168 dự án theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì tỉnh Gia Lai có khoảng 7 – 8 dự án cần tháo gỡ, ngoài ra còn hàng chục dự án không nằm trong kết luận nhưng cũng có các vướng mắc tương tự.
"Đề nghị tỉnh Gia Lai có kiến nghị sớm để Bộ Công Thương có trình Chính phủ xem xét sớm tháo gỡ, càng giải quyết sớm bao nhiêu thì nguồn lực đưa vào phục vụ kinh tế địa phương càng tốt bấy nhiêu"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Thứ ba, chú trọng phát triển các loại hình du lịch. Gắn du lịch với thương mại, gắn du lịch - thương mại với xuất khẩu tại chỗ, thông qua hợp tác sản xuất bán sản phẩm tại các địa du lịch ngay tại địa phương. Đây là hình thức đã được thực hiện hiệu quả ở nhiều địa phương.
Thứ tư, thông qua tạo đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia để thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là trong kinh tế - thương mại – đầu tư.
Thứ năm, tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực của địa phương, đồng thời quyết liệt trong cải cách hành chính tạo sự thông thoáng trong thủ tục đầu tư.
Tổng Bí thư quan tâm tới tháo gỡ các dự án năng lượng tái tạo tại Gia Lai
Trước những kiến nghị của lãnh đạo Bộ Công Thương, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Hiện nay mới có 50% được các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh được phát điện, còn 50% dự án chưa được sử dụng, đó là sự lãng phí. Đây là vấn đề giữa nhà đầu tư và chính quyền, nhà nước đàm phán với nhau. Đây còn hơn 10 dự án chưa tháo gỡ, cứ để xuống cấp thì sẽ thành “sắt vụn”, mà người ta đã đầu tư rồi, thì phải tháo gỡ. Tiết kiệm không phải của chỉ Nhà nước mà còn phải tìm cách tháo gỡ khó khăn để tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp, tư nhân. Đề nghị tính toán tổng năng lượng cả điện gió, điện mặt trời thì khả năng phát triển của địa phương là bao nhiêu, đáp ứng Bộ Công Thương để đóng vào mạch điện truyền dẫn được bao nhiêu?.”
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng lưu ý địa phương về việc đầu tư trung tâm dữ liệu để nghiên cứu vấn đề tiêu thụ điện. Về đầu tư trung tâm dữ liệu thì nghiên cứu tính nếu có nguồn điện ổn định, bền vững thì nghiên cứu chuyển đổi số đầu tư trung tâm dữ liệu ở đây để có chỗ tiêu thụ được điện. Điển hình như tại tỉnh Quảng Trị, một năm có thể đóng góp 20.000 Mw, thì có thể đóng góp 2.000 tỷ đồng cho ngân sách.
"Về phát triển công nghiệp chế biến, hiện chưa có nhà máy nào chế biến nông sản theo tiêu chuẩn của châu Âu, Hoa Kỳ; đầu tư quy mô lớn để tạo chuỗi cung ứng, xuất khẩu. Nếu không tập trung làm thì sẽ không có được sản phẩm chất lượng cao, giá trị gia tăng cao"- Tổng Bí thư chỉ đạo.
Về vấn đề khoáng sản, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Gia Lai tập trung khai thác hiệu quả các tiềm năng vốn có. “Tỉnh Gia Lai không được để lặp lại tình trạng như Đắk Nông, Bình Phước khi để khoáng sản, bô xít cản trở phát triển. Đề nghị Bộ Công Thương tháo gỡ những khó khăn về vấn đề Luật Khoáng sản. Phải tập trung tháo gỡ những khó khăn cho địa phương bằng những giải pháp cụ thể” - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Tỉnh Gia Lai thuộc khu vực Bắc Tây Nguyên, diện tích tự nhiên 15.510 km2; dân số hơn 1,63 triệu người, với 44 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 45,76% (chủ yếu là dân tộc Jrai và Bahnar). Toàn tỉnh có 17 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 01 thành phố, 02 thị xã và 14 huyện), 218 xã, phường, thị trấn; 1.577 thôn, làng, tổ dân phố. Đảng bộ tỉnh có 21 đảng bộ trực thuộc (gồm 17 đảng bộ cấp huyện và 04 đảng bộ tương đương cấp huyện); 910 tổ chức cơ sở đảng (gồm 342 đảng bộ cơ sở, 568 chi bộ cơ sở); 11 đảng bộ bộ phận; 3.431 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; Đảng bộ tỉnh có 67.512 đảng viên.
Tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên; có vị trí quan trọng trong quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực, nhất là Campuchia và Lào; có hệ thống giao thông đường bộ tương đối thuận lợi, như: Quốc lộ 14, 14C, 19, 25 và đường Trường Sơn Đông; có Cảng hàng không Pleiku.