Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Công nghiệp 2025 - Cần đột phá trong tư duy, quyết liệt trong hành động

Chiều ngày 27/12/2024, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham dự và chỉ đạo tại Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết Cục Công nghiệp năm 2024

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết Cục Công nghiệp năm 2024

Cùng tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Nguyên Hùng; Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Nguyễn Ngọc Thành; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Quang Huy; đại diện Lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Công Thương; công chức, viên chức, người lao động Cục Công nghiệp.

Công nghiệp giữ vai trò động lực

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Nguyễn Ngọc Thành cho biết, xác định công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, năm 2024, Cục Công nghiệp đã và đang tích cực triển khai một số nội dung.

Trong đó có việc hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm; xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Nghị định về kinh doanh thuốc lá, Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm,…

Ngoài ra, Cục cũng tiếp tục chủ trì, phối hợp xây dựng, hoàn thiện Chiến lược phát triển các ngành thép, ô tô, sữa; Chương trình phát triển bền vững ngành Dệt May, Da Giầy giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026 - 2035;…

Báo cáo của Cục Công nghiệp cho thấy, năm 2024, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, quy mô sản xuất công nghiệp trong nước đã phục hồi nhanh, trên diện rộng và liên tục được mở rộng, giữ vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 11 tháng năm 2024 tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay. Dự kiến cả năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng trên 8%, vượt kế hoạch đề ra.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Nguyễn Ngọc Thành báo cáo tại Hội nghị

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Nguyễn Ngọc Thành báo cáo tại Hội nghị

Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững: tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng khá, đạt 24,1%, đáp ứng yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 01 của Chính phủ; tỷ trọng ngành khai khoáng giảm mạnh.

Công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng của toàn ngành và toàn nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao: Trong 11 tháng năm 2024, chỉ số sản suất ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 1,0%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước, một số ngành tăng cao ở mức hai chữ số.

Nhiều địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, duy trì được thành tích công nghiệp khá với chỉ số IIP tăng ở 60/63 địa phương, nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm phục hồi nhanh và duy trì đà tăng tích cực.

Xây dựng chính sách làm bệ đỡ cho sản xuất

Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Nguyên Hùng cho biết, trong năm 2025 sắp tới, nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, năng trỗi dậy mạnh mẽ trở lại của xu hướng phi toàn cầu hóa, bảo hộ mậu dịch và chiến tranh thương mại; cùng những căng thẳng địa chính trị mới. Trong nước, các ngành công nghiệp có nhiều cơ hội thị trường hơn từ việc đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài mới cùng những dự án lớn trong các lĩnh vực trọng điểm của quốc gia, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao như bán dẫn, năng lượng tái tạo, đường sắt tốc độ cao… Tuy nhiên, điểm nghẽn về năng lực doanh nghiệp công nghiệp nói chung cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng còn chậm phát triển sẽ là một rào cản lớn cho các cơ hội này.

Để giúp ngành công nghiệp tận dụng được cơ hội thị trường, đạt mục tiêu sản xuất công nghiệp năm 2025, Cục Công nghiệp tiếp tục tập trung thực hiện tốt vai trò tham vấn, xây dựng chính sách làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.

Cùng với đó, tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng của Chính phủ và Bộ Công Thương, thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Nguyên Hùng phát biểu tại Hội nghị

Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Nguyên Hùng phát biểu tại Hội nghị

Cụ thể, về công tác hoàn thiện chính sách, Cục sẽ khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, đăng ký bổ sung vào Chương trình xây dựng luật năm 2025-2026 của Quốc hội. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành các Nghị định, Quyết định, văn bản hướng dẫn trong các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp.

Trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương phát triển công nghiệp, tiếp tục triển khai làm việc với một số địa phương có lợi thế phát triển công nghiệp nhằm phổ biến cơ chế, chính sách mới về ngành và hướng dẫn địa phương trong quá trình xây dựng chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Phối hợp triển khai các chương trình/dự án nhằm nâng cao năng lực, phát triển nhà cung cấp nội địa Việt Nam, theo dõi diễn biến thị trường, tình hình phát triển công nghiệp trong và ngoài nước, tăng cường kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, khó khăn và thúc đẩy phát triển công nghiệp.

Phân tích hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá năm 2024 công nghiệp nước ta đạt được thành tựu rất quan trọng và rất đáng tự hào, trong thành tựu ấy có sự đóng góp quan trọng và khá tích cực của Cục Công nghiệp với tư cách là cơ quan tham mưu quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, ở 3 đầu việc là: Quy hoạch kế hoạch, Tham mưu cơ chế chính sách, Thanh tra kiểm tra.

Bộ trưởng phát biểu chỉ đạo kết luận Hội nghị

Bộ trưởng phát biểu chỉ đạo kết luận Hội nghị

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ ra những tồn tại của nền công nghiệp Việt Nam. Cụ thể:

Thứ nhất, sự phát triển của ngành công nghiệp thiếu đi cơ sở vững chắc bởi công nghiệp tăng trưởng nhưng chủ yếu là công nghiệp gia công nên giá trị gia tăng thấp, “hay nói cách khác chúng ta đang phát triển ngành công nghiệp trong phân khúc có giá trị gia tăng thấp”.

Thứ hai, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực doanh nghiệp trong nước, hay nói cách khác là công nghiệp quốc nội chiếm tỉ trọng còn nhỏ trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Đơn cử, nhìn vào giá trị xuất khẩu, có thể thấy 76% giá trị xuất khẩu là từ các doanh nghiệp FDI.

Thứ ba, công nghiệp của ta nhìn chung chưa tận đụng được cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, sự dịch chuyển đầu tư của các công ty đa quốc gia sang nước thứ ba và chưa tận dụng được các Hiệp định thương mại tự do.

Trong một số lĩnh vực, trong một số đơn vị có khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo nhưng nhìn chung còn ở mức thấp.“Đây là điều phải suy nghĩ”, Bộ trưởng đặt vấn đề.

Thứ tư, công nghiệp còn khó khăn trong tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, “có gì bán nấy, chưa đủ sức làm chủ cuộc chơi”.

Thứ năm, vẫn thiếu các ngành công nghiệp có tính trọng điểm, có tính nền tảng, như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, chế biến chế tạo, điện tử, hóa chất, năng lượng,... Với hóa chất, cơ bản chúng ta chưa làm chủ, hầu như phải nhập. Hay công nghiệp vật liệu, chúng ta xuất khẩu hơn 400 tỷ USD, nhưng xuất siêu chỉ 23-24 tỷ USD, cho thấy phân khúc của ta đem lại giá trị rất “mỏng”.

Bộ trưởng chỉ ra, hạn chế này đến từ các nguyên nhân chủ quan như: thiếu chủ động, chậm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chiến lược thành các cơ chế chính sách; cơ chế chính sách còn phân tán manh mún, nhỏ lẻ, chưa thực sự hấp dẫn, khả thi, thậm chí kém hiệu quả; hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp chưa được phát huy; nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực xã hội cho khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp còn hạn chế; công tác thanh tra kiểm tra chưa thật thường xuyên, kém hiệu quả; sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong Bộ chưa tốt.

Bộ trưởng yêu cầu Cục Công nghiệp quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm

Bộ trưởng yêu cầu Cục Công nghiệp quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm

Cần đột phá trong tư duy và quyết liệt trong hành động

Về bối cảnh tới, Bộ trưởng cho biết, năm 2025 là năm có ý nghĩa rất quan trọng bởi đây là năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội XIII, của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và cũng là nền tảng cho những năm tiếp theo.

Năm 2025 cũng là năm toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 về đột phá trong khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo do Tổng bí thư đứng đầu, giao cho Quốc hội, Chính phủ phải bố trí đủ nguồn lực, giao cho Chính phủ phải tham mưu cơ chế đủ mạnh và khả thi để thực hiện được cuộc cách mạng này. Trong bối cảnh chung như vậy, công nghiệp là lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là lực lượng thực hiện. Đây là một thách thức lớn.

Mặt khác, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang rà soát, tinh gọn, “có thể tốt lên trong tương lai nhưng ngay lập tức sẽ có một độ trễ”. Trong khi đó, tình hình thế giới và khu vực đầy bất ổn, diễn biến cạnh tranh địa chính trị, chiến tranh thương mại,... khó lường.

Vì vậy, để góp phần đạt được tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước năm 2025 dự kiến là tăng trưởng 10% trở lên, công nghiệp phải tăng trưởng 12 - 13%, đòi hỏi phải thật sự đột phá trong tư duy và quyết liệt trong hành động.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng yêu cầu Cục Công nghiệp quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, cần phải quán triệt và triển khai thực hiện quyết liệt quan điểm, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những định hướng phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển nền kinh tế theo hướng ứng dụng mạnh khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, phát triển nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng hai con số. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung ban hành mới những cơ chế chính sách có tính đột phá, thật sự hấp dẫn và khả thi nhằm thực hiện bằng được những chủ trương, định hướng lớn của Đảng, bắt kịp xu thế phát triển và tốc độ phát triển của thế giới theo hướng xanh - số - tuần hoàn - chia sẻ, bắt được nhịp của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Chúng ta đã lỡ nhiều rồi, đã đến lúc chúng ta không thể lỡ. Muốn bằng người ta phải đi tắt đón đầu, đây là lợi thế của người đi sau. Phải hình thành, phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, xây dựng củng cố nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập. Muốn thế, chúng ta phải cách mạng ngay trong tư duy, cách mạng trong suy nghĩ và quyết liệt trong hành động”.

Thứ ba, phải tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong một số lĩnh vực: xây dựng thể chế, đào tạo nguồn nhân lực về chuyên gia và kỹ thuật; kỹ năng quản trị; chuyển giao công nghệ; hợp tác đầu tư, đặc biệt đầu tư ra nước ngoài.

Thứ tư, khẩn trương tiếp thu hoàn thiện trình Chính phủ và Quốc hội các dự án Luật có liên quan đến phát triển công nghiệp, như Luật về Công nghiệp trọng điểm, tham mưu sửa đổi bổ sung các Luật, Nghị định có liên quan đến phát triển công nghiệp, ... Đồng thời tham mưu, rà soát để Bộ trình Chính phủ rà soát điều chỉnh quy hoạch khoáng sản.

Thứ năm, rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, mạnh dạn thanh lọc đội ngũ, có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài phát biểu tại Hội nghị

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài nhấn mạnh, Trong năm qua, đã có Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và Luật Điện lực (sửa đổi) được thông qua. Đây là động lực để các doanh nghiệp Việt Nam vươn mình. Trên cơ sở này, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai phối hợp chặt chẽ để hoàn thành những nhiệm vụ được giao.

Về vấn đề nâng cao nhận thức phát triển khoa học công nghệ, Thứ trưởng lưu ý về việc sử dụng tối ưu nguồn kinh phí, tránh lãng phí.

Cục trưởng Phạm Nguyên Hùng nhận bằng khen ghi nhận thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống, ứng phó các hậu quả cơn bão số 3

Cục trưởng Phạm Nguyên Hùng nhận bằng khen ghi nhận thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống, ứng phó các hậu quả cơn bão số 3

Thay mặt tập thể công chức, viên chức, người lao động của Cục Công nghiệp, Cục trưởng Phạm Nguyên Hùng gửi lời cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã tham gia và đóng góp nhiều ý kiến tham luận, đặc biệt là những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng.

Năm 2025, Cục Công nghiệp sẽ hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển công nghiệp. Cục Công nghiệp mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Ban tổ chức đã công bố quyết định khen thưởng và trao huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho đồng chí Phạm Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Công nghiệp. Để ghi nhận thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống, ứng phó các hậu quả vào bão số 3, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3368 ngày 18/12/2024 về việc tặng thưởng bằng khen cho các tập thể, cá nhân.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trao huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Nguyên Hùng

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trao huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Nguyên Hùng

Nhóm phóng viên

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien--cong-nghiep-2025-can-dot-pha-trong-tu-duy--quyet-liet-trong-hanh-dong-131727.htm