Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Bộ Công Thương đã chủ động, trách nhiệm trong xây dựng cơ chế cho ngành công nghiệp
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh Bộ Công Thương đã rất chủ động, trách nhiệm trong 2 năm qua để xây dựng chính sách cho các ngành công nghiệp nền tảng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Chỉ Sáng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam nêu thực tế, khi có dịch bệnh, năm vừa qua, máy móc thiết bị năm vừa qua tăng giá 30%, chưa kể việc nhập khẩu về rất khó.
Trong khi đó, ngành cơ khí nước ta được đánh giá là rất tiềm năng. Căn cứ trên các chiến lược, quy hoạch các ngành, thị trường cho đến năm 2040, giai đoạn đến năm 2045 đạt khoảng trên 400 tỷ USD. Riêng điện gió, với phương án thấp 50 nghìn MW, phương án cao 100 nghìn MW, nếu tính trung bình cứ 2 triệu USD 1 MW điện gió, thì thị trường riêng ngành cơ khí cho điện gió lên đến 100 – 200 tỷ USD. Chưa kể khoản đầu tư đường sắt cao tốc, nội đô, riêng TP Hồ Chí Minh là 30 tỷ USD. Tất cả những điều đó tạo thị trường lớn và nếu làm chủ được sẽ là khối công việc mênh mông cho doanh nghiệp.
Nhìn vào quá khứ, ta đã có nhiều thành công khi chủ động làm chủ cơ khí thủy công, giúp chủ động công nghệ và tiết kiệm chi phí, ông Nguyễn Chỉ Sáng cho rằng, doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm chủ được thị trường cơ khí trong nước với 400 tỷ USD. Do đó, ông Nguyễn Chỉ Sáng kiến nghị, vừa rồi, Bộ Công Thương đã chỉ đạo nên ta đã có những Nghị định, Chỉ thị, Quyết định của Chính phủ để đưa công nghiệp cơ khí phát triển.
Nhưng dù chúng ta phát triển tốt thời gian qua nhưng báo cáo của Bộ Công Thương cũng chỉ rõ, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt tốt nhưng 75% thuộc về các doanh nghiệp FDI. Tức là vẫn chưa có một quy hoạch, lộ trình để chủ động có được các sản phẩm các sản phẩm cơ khí hoàn chỉnh, sản phẩm cơ khí lớn như điện gió, đường sắt cao tốc, thiết bị y tế, đường sắt giao thông… Do Bộ Công Thương chỉ là quản lý ngành, nhiều thiết bị khác thuộc các Bộ ngành khác. Vì vậy, ông Sáng cho rằng, cần có chương trình kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để có được một “nhạc trưởng”.
“Làm sao lấy 400 tỷ USD thị trường ngành cơ khí làm nguồn động lực, tài nguyên phát triển nền kinh tế đất nước. Do đó, đề nghị Bộ Công Thương, cùng các ngành như giao thông… khi phát triển các chương trình nên có chiến lược nội địa hóa. Thậm chí trong chừng mực nào đó nên luật hóa. Kiến nghị Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ đề nghị có lộ trình làm chủ thiết bị cơ khí của cả các bộ ngành khác” – ông Nguyễn Chỉ Sáng kiến nghị.
Trước những kiến nghị của Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Đất nước mà không có công nghiệp nền tảng thì không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không thể có kinh tế độc lập tự chủ. “Tôi rất tiếp thu ý kiến nhưng phải thấy rằng Bộ Công Thương đã rất chủ động, trách nhiệm trong 2 năm qua để có được Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, Bộ Công Thương đang được các cơ quan có thẩm quyền giao xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, hi vọng thời gian tới thực hiện triển khai Nghị quyết Trung ương 6 và việc xây dựng Luật Phát triển công nghiệp cũng như các chính sách thu hút đầu tư thì công nghiệp cơ khí và các ngành công nghiệp nền tảng nói chung phát triển” – Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng cũng đề nghị các hiệp hội, ngành hàng chủ động đề xuất chính sách bởi chính sách nó xuất phát từ thực tiễn. Vì vậy, Hiệp hội Cơ khí cần có những kiến nghị cụ thể, Bộ Công Thương sẵn sàng lắng nghe và sẵn sàng báo cáo cơ quan có thẩm quyền về những đề xuất kiến nghị chính đáng.