Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị Thúc đẩy hợp tác mua bán than với Lào

Chiều 25/7, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị Thúc đẩy hợp tác mua bán than với Lào.

Chiều 25/7, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị Thúc đẩy hợp tác mua bán than với Lào. Cùng dự Hội nghị, về phía Bộ Công Thương có Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long và lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Dầu khí và than, Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Văn phòng Bộ cùng đại diện các Tập đoàn, doanh nghiệp: Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tổng Công ty Đông Bắc...

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị Thúc đẩy hợp tác mua bán than với Lào

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị Thúc đẩy hợp tác mua bán than với Lào

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Hội nghị nhằm đánh giá kết quả triển khai thực hiện Bản ghi nhớ được hai bên ký kết vào tháng 7/2023 cũng như bàn giải pháp thúc đẩy cho hợp tác mua bán than với Lào

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Hội nghị nhằm đánh giá kết quả triển khai thực hiện Bản ghi nhớ được hai bên ký kết vào tháng 7/2023 cũng như bàn giải pháp thúc đẩy cho hợp tác mua bán than với Lào

Những năm qua, hợp tác song phương giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực than đá đã có bước khởi đầu lạc quan. Điểm sáng trong hợp tác than đá giữa Lào và Việt Nam là Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực than được ký bởi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone vào ngày 20/7/2023. Theo Biên bản ghi nhớ, cả hai quốc gia sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác và đầu tư trong khai thác, chế biến và xuất khẩu than với Lào dự kiến sẽ vận chuyển khoảng 20 triệu tấn than mỗi năm sang Việt Nam, tùy nhu cầu và điều kiện thực tế thị trường.

Cũng theo Biên bản, Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động mua bán than giữa doanh nghiệp hai bên, đồng thời tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng năng lực trong khai thác và chế biến than. Sự kiện này không chỉ đánh dấu cột mốc mới trong quan hệ hợp tác năng lượng giữa hai nước, mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế.

Do vậy, Hội nghị Thúc đẩy hợp tác mua bán than với Lào diễn ra chiều 25/7 nhằm đánh giá kết quả triển khai thực hiện Bản ghi nhớ được hai bên ký kết vào tháng 7/2023 cũng như bàn giải pháp thúc đẩy cho hợp tác mua bán than với Lào.

Lãnh đạo Vụ Dầu khí và Than báo cáo về tình hình thương mại than Việt Nam - Lào trong thời gian qua

Lãnh đạo Vụ Dầu khí và Than báo cáo về tình hình thương mại than Việt Nam - Lào trong thời gian qua

Báo cáo về tình hình thương mại than Việt Nam - Lào trong thời gian qua, lãnh đạo Vụ Dầu khí và Than cho biết, thời gian qua, Vụ đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện và các đơn vị liên quan xem xét ưu tiên việc mua than của Lào cho sản xuất điện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 745/TTg-CN ngày 15/8/2023, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu hiệu quả.

Hợp tác mua bán than giữa Lào và Việt Nam hiện nay chủ yếu là hoạt động nhập khẩu than của Việt Nam từ Lào. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2023 Việt Nam nhập khẩu từ Lào 2.239 ngàn tấn, trị giá 159,4 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập từ Lào 1.171 ngàn tấn, trị giá đạt 75,8 triệu USD.

Dù vậy, hợp tác mua bán than với Lào vẫn đang gặp nhiều khó khăn tập trung chủ yếu vào nhóm khó khăn từ cơ sở hạ tầng: Hoạt động nhập khẩu than từ Lào về Việt Nam chỉ được thông quan chủ yếu qua cặp cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị) - La-lay (Sả-lạ-văn); giá than từ Lào cao không đảm bảo tính cạnh tranh với giá than sản xuất trong nước hay than nhập khẩu từ các quốc gia khác…

Kiến nghị giải pháp trong ngắn hạn, lãnh đạo Vụ Dầu khí than đề xuất, phía Lào xem xét giảm giá thành than xuất khẩu (thực hiện các giải pháp giảm giá thành sản xuất, giảm bớt các khâu trung gian,...) và giá bán than để gia tăng tính cạnh tranh với loại than mà Việt Nam đang nhập khẩu từ các quốc gia khác; nghiên cứu đầu tư nâng cấp và mở rộng các tuyến đường để cải thiện tình trạng giao thông, nâng cao năng lực vận chuyển...

Về dài hạn, đề xuất phía Lào nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ việc xuất khẩu than sang Việt Nam không áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu than 10% đối với than xuất khẩu sang Việt Nam,...). Đề nghị các đơn vị ngành Than chủ động nghiên cứu và sớm thúc đẩy việc đầu tư thăm dò, khai thác than tại Lào để phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước.

Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật...

Hoàng Giang - Cấn Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien-chu-tri-hoi-nghi-thuc-day-hop-tac-mua-ban-than-voi-lao-334751.html