Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc với tỉnh Lào Cai

Sáng 30/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai về hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại và phát triển năng lượng, khoáng sản...

Sáng ngày 30/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai nhằm đánh giá về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại 8 tháng năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm và việc triển khai thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có đại diện các Cục, Vụ chức năng trong Bộ: Văn phòng Bộ; Văn phòng Ban chỉ đạo hội nhập quốc tế về kinh tế; Tổng cục Quản lý thị trường; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Thị trường trong nước; Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; Cục Công Thương địa phương; Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Cục Xuất nhập khẩu; Ủy ban Cạnh tranh quốc gia; Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách Công Thương và Báo Công Thương.

Về phía tỉnh Lào Cai có ông Đặng Xuân Phong - Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai; ông Hoàng Quốc Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở: Công Thương, Giao thông vận tải, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng; Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và đại diện các cơ quan thành viên tại cửa khẩu tham gia buổi khảo sát.

Buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai nằm trong chuỗi hoạt động của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đến làm việc trực tiếp với các tỉnh, thành trong tháng 8/2024. Trước đó, từ ngày 7-9/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc tại 3 tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định và thị sát một số cơ sở kinh tế, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn các tỉnh. Tiếp đến trong ngày 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã có buổi làm việc với hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Động lực phát triển của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngành Công Thương sẽ đẩy mạnh thực hiện Quy hoạch ngành Quốc gia, đạt được những mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra. Tỉnh Lào Cai có tiềm năng, thế mạnh lớn về khoáng sản, năng lượng và hội tụ đủ điều kiện để trở thành "cực tăng trưởng" của cả nước.

Do vậy, tại buổi làm việc, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu thẳng thắn trao đổi, đề ra những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh kinh tế tỉnh phát triển.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo tỉnh Lào Cai

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo tỉnh Lào Cai

Tại buổi làm việc, báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo tỉnh Lào Cai cho biết, Lào Cai là tỉnh vùng cao, giàu tiềm năng phát triển công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản và kinh tế cửa khẩu.

Trên địa bàn tỉnh hiện có có cặp cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu (đường sắt, đường bộ) với 3 điểm thông quan: Ga đường sắt Quốc tế Lào Cai, cầu đường bộ qua sông Nậm Thi, cầu đường bộ qua sông Hồng (là điểm nối giữa đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Việt Nam) với đường cao tốc Hà Khẩu - Côn Minh (Trung Quốc).

Với vị trí địa lý thuận lợi, tỉnh Lào Cai đang là cầu nối quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; đồng thời là cửa ngõ của Việt Nam và các nước ASEAN, Trung tâm của hành lang Bắc Nam trong hợp tác các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) với thị trường vùng Tây Nam - Trung Quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu mở đầu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu mở đầu tại buổi làm việc

Trong những năm qua, Lào Cai đã khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế tạo động lực cho tăng trưởng phát triển; trong đó công nghiệp là trụ cột quan trọng; thương mại du lịch, dịch vụ là đột phá; nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới là trọng tâm. Phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao vật chất và tinh thần của nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Với những điều kiện và lợi thế kể trên, tỉnh Lào Cai đã và đang trở thành động lực phát triển của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.

Ông Đặng Xuân Phong - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai phát biểu tại buổi làm việc

Hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu khởi sắc

Cũng theo báo cáo của tỉnh Lào Cai, 8 tháng năm 2024, tình hình sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn trên đà tăng trưởng ở cả 3 lĩnh vực: công nghiệp khai thác, chế biến và điện nước. Giá trị sản suất công nghiệp 8 tháng năm 2024 ước đạt 29.489 tỷ đồng tăng 6% so với năm trước, bằng 56,5% kế hoạch năm.

Toàn tỉnh hiện có 6 cụm công nghiệp với tổng diện tích 117,52 ha. Tổng số có 146 dự án hoạt động trong các cụm. Từ đầu năm tới nay, Sở Công Thương tỉnh đã tích cực phối hợp tham gia tích hợp phương án phát triển cụm công nghiệp vào quy hoạch chung của tỉnh; điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện, quy hoạch phân khu các vị trí quy hoạch mới cụm công nghiệp, hướng dẫn tổ chức lập quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp và hướng dẫn quy trình, thủ tục đầu tư, thành lập cụm công nghiệp; đôn đốc xây dựng kế hoạch phát triển các cụm công nghiệp đến năm 2030.

Cùng với đó, hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng năm 2024 diễn ra khá sôi động. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm dồi dào, hàng hóa được lưu thông thông suốt, giá cả hàng hóa ổn định. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội lũy kế 8 tháng năm 2024 ước đạt 28.958,1 tỷ đồng, bằng 74,3% so với Kế hoạch, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, 8 tháng năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh được tích cực triển khai, có nhiều giải pháp nhằm khôi phục và giữ ổn định. Hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu diễn ra khá thuận lợi, không xảy ra tình trạng ùn ứ, ách tắc hàng hóa.

Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu lũy kế 8 tháng ước đạt 2.271,63 triệu USD, tăng 71,65% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 50,48% so với kế hoạch. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là sầu riêng, gỗ ván bóc, thanh long, mít, chuối, nhãn…Nhập khẩu hoa, cây cảnh, rau củ quả tươi, than cốc, phân bón, máy móc thiết bị, bánh kẹo, năng lượng điện…

Về hoạt động cấp C/O, 8 tháng 2024, tỉnh đã thực hiện tốt quy định về thời gian cấp C/O, tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp thông quan hàng hóa nông sản; 8 tháng đầu năm ước cấp cho 330 nghìn tấn hàng hóa, giá trị ước đạt 670 triệu USD.

Liên quan đến kết quả hợp tác kinh tế quốc tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai, báo cáo của tỉnh cũng cho biết, 8 tháng năm 2024, tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai quan tâm việc tăng cường công tác trao đổi, Hội đàm với Chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam, huyện Hà Khẩu để thống nhất các chủ trương chung trong tăng cường hợp tác, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, hàng hóa qua các cửa khẩu của hai Bên.

Song song đó, hoạt động giao lưu, hợp tác về thương mại, đầu tư giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc) cũng có nhiều khởi sắc. Các cơ quan đơn vị thành viên quản lý cửa khẩu đã chủ động, tích cực trao đổi, Hội đàm với các cơ quan quản lý cửa khẩu phía Trung Quốc bằng nhiều hình thức (trực tiếp, trực tuyến, điện đàm, gửi công hàm, thư liên hệ,...), đồng thời phối hợp triển khai các hoạt động khảo sát chung, xúc tiến thương mại nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kết nối doanh nghiệp hai bên sau thời gian dài bị gián đoạn bởi dịch Covid-19 .

Ngoài ra, công tác triển khai, vận dụng các FTA cũng được lãnh đạo tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động để tăng cường quan hệ hợp tác với các địa phương; triển khai, vận dụng kịp thời các FTA trong hướng dẫn doanh nghiệp khai báo và cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu; chủ động, thường xuyên cập nhật các cam kết về SPS trong Hiệp định thương mại, Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các dự thảo quy định về SPS của các nước thành viên thuộc tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đặc biệt là cập nhật yêu cầu về SPS tại thị trường Trung Quốc.

Với những định hướng phát triển như hiện nay, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu xây dựng tỉnh phát triển toàn diện, đến năm 2025 tiếp tục là tỉnh phát triển của vùng Trung du, Miền núi phía Bắc; năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước và đến năm 2045 là tỉnh phát triển của cả nước.

Đôn đốc tiến độ các Quy hoạch ngành trong lĩnh vực khoáng sản, năng lượng

Liên quan đến Quy hoạch ngành trong lĩnh vực khoáng sản, năng lượng, thực hiện công văn số 3360/BCT-KTC ngày 20/5/2024 của Bộ Công Thương về việc tăng cường chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm, phối hợp triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ triển khai Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng theo thẩm quyền, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật Nhà nước; tham mưu, đề xuất báo cáo UBND tỉnh đối với các vấn đề vượt thẩm quyền; định kỳ hàng quý (hoặc đột xuất) báo cáo kết quả thực hiện về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo chung.

Đối với quy hoạch khoáng sản (Quyết định số 866/QĐ-TTg), đến nay tỉnh Lào Cai đã Công bố quy hoạch: (ii) Ban hành Kế hoạch số 356/KH-UBND ngày 08/9/2023 triển khai Quy hoạch; (iii) Đang xây dựng quy chế phối hợp quản lý Quy hoạch giữa tỉnh Lào Cai với tỉnh Yên Bái, Hà Giang; (iv) phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền phổ biến Quy hoạch (triển khai thực hiện lồng ghép trong các công tác chấp thuận đầu tư, thẩm định và kiểm tra công tác nghiệm thu).

Đối với quy hoạch năng lượng, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được gia chịu trách nhiệm, phối hợp triển khai thực hiện.

Ưu tiên nguồn lực, thúc đẩy xuất khẩu biên giới

Trong 8 tháng năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc, song hoạt động công nghiệp tỉnh Lào Cai tăng trưởng chưa bền vững, một số dự án công nghệ sản xuất công nghiệp cũ, lạc hậu, chi phí sản xuất lớn, giá thành sản xuất sản phẩm cao.

Thêm vào đó, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc chưa mở rộng được nhiều các thị trường khác; tính liên kết giữa các doanh nghiệp chưa cao; chi phí logistics tăng mạnh; công tác nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường, định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn yếu; thông tin liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Các doanh nghiệp và các ngành chức năng tỉnh Lào Cai chưa tận dụng tốt được việc mở cửa thị trường của Trung Quốc đối với một số mặt hàng mới như sữa, tổ yến, thủy hải sản,...

Trong thời gian tới, để nền kinh tế tỉnh Lào Cai phát triển, đạt được những mục tiêu đề ra, tỉnh Lào Cai kiến nghị với Bộ Công Thương nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, năng lượng, khoáng sản.

Lãnh đạo tỉnh Lào Cai cho biết, thời gian tới, tỉnh Lào Cai định hướng ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Đặc biệt hướng tới xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đa ngành, điểm đột phá, cực phát triển, trung tâm kinh tế về công nghiệp, thương mại, du lịch và tài chính của Lào Cai và các tỉnh vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, trở thành một trong những trung tâm giao thương của khu vực ASEAN và vùng Tây Nam - Trung Quốc, với trọng tâm là triển khai thí điểm Khu thương mại tự do, xây dựng các cặp cửa khẩu thông minh và Trung tâm logistics quốc tế.

Triển khai nghiên cứu, xây dựng lộ trình và báo cáo cơ quan có thẩm quyền nâng cấp, mở mới 2 cặp cửa khẩu quốc tế là Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam), 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế theo Quy hoạch cửa khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1199/QĐ-TTg ngày 14/10/2023.

Liên quan đến Quy hoạch ngành năng lượng, khoáng sản, tỉnh tập trung khai thác triệt để, chế biến sâu tài nguyên khoáng sản và khai thác có hiệu quả nguồn năng lượng; Tăng cường quản lý hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản nhằm giảm thiểu tác động môi trường, đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ tài nguyên Quốc gia.

Liên quan đến hoạt động thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện phát triển công nghiệp phụ trợ. Cùng với đó, đầu tư hoàn thiện hạ tầng khu, cụm công nghiệp để đưa các dự án vào khu vực sản xuất tập trung và phối hợp triển khai thực hiện Chương trình khuyến công, Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương đã có buổi thị sát tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II - Kim Thành

Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương đã có buổi thị sát tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II - Kim Thành

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tặng quà đến các cán bộ công tác tại Cửa khẩu quốc tế Kim Thành II, Lào Cai

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tặng quà đến các cán bộ công tác tại Cửa khẩu quốc tế Kim Thành II, Lào Cai

Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin…

Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương đã có buổi thị sát tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II - Kim Thành.

Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết, 8 tháng 2024, hoạt động thông quan hàng hóa diễn ra sôi động và thuận lợi, tổng giá trị xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này đạt 1.768,68 triệu USD.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: sầu riêng đạt 778,5 triệu USD, thanh long đạt đạt 72,1 triệu USD, quả mít đạt 31,8 triệu USD, dưa hấu đạt d14,7 triệu USD, quả vải đạt 11,9 triệu USD, gỗ các loại đạt 13,1 triệu USD…

Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu: rau củ quả các loại đạt 164,1 triệu USD, phân bón đạt 92,1 triệu USD, điện năng đạt 65,6 triệu USD, hóa chất đạt 28,4 triệu USD, máy móc thiết bị đạt 17,5 triệu USD, than cốc đạt 9,9 triệu USD,…

Hoàng Hòa - Cấn Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien-cung-doan-cong-tac-bo-cong-thuong-lam-viec-voi-tinh-lao-cai-342352.html