Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất 3 kịch bản cung ứng điện cho năm 2025
Tại buổi họp kế hoạch cung ứng điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có những chỉ đạo cụ thể, sát sao xác định rõ các yêu cầu cho từng đơn vị.
Ngày 14/11 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp quan trọng về kế hoạch cung ứng điện cho năm 2025. Cuộc họp có sự tham gia của các lãnh đạo, đại diện từ các tập đoàn lớn trong ngành năng lượng, cùng thảo luận về mục tiêu, định hướng và các nhiệm vụ then chốt nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định cho đất nước trong bối cảnh nhu cầu điện đang tăng cao.
Tại buổi họp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những nỗ lực trong công tác dự báo và cung ứng điện của toàn ngành trong năm 2024, đồng thời nhấn mạnh vai trò chủ đạo của các tập đoàn và tổng công ty năng lượng trong việc duy trì ổn định hệ thống điện quốc gia. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc đưa ra kế hoạch chi tiết và phân công cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu cung ứng điện an toàn, hiệu quả cho năm 2025.
Nhiệm vụ chung với các đơn vị
Sau khi nghe báo cáo, các ý kiến, kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất ba kịch bản cung ứng điện cho năm 2025:
Kịch bản cơ sở: Tăng trưởng sản xuất điện từ 11% trở lên.
Kịch bản cao: Tăng trưởng 12-13%, và có thể đạt 14% trong mùa khô.
Kịch bản cực đoan: Tăng trưởng từ 14-15%, với mức tăng tối đa 16% trong mùa khô.
Dựa trên các kịch bản này, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Dầu khí và Than cùng các đơn vị liên quan phải lập kế hoạch cung cấp nhiên liệu đầu vào như than và khí để đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện năm 2025. Thời hạn công bố kế hoạch này là ngày 15/11/2024, và các đơn vị phải hoàn thành ký kết các hợp đồng mua bán trước ngày 15/12/2024. Trước ngày 15/12/2024, các cơ quan quản lý sẽ kiểm tra và báo cáo kết quả về Bộ Công Thương, nhằm giám sát, chỉ đạo điều hành, đồng thời xử lý trách nhiệm nếu có.
Bộ trưởng nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu là bảo đảm an toàn hệ thống điện, phải chủ động tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Bảo đảm nguồn cung năng lượng trong mọi tình huống, không được để đứt gãy nguồn cung, đứt gãy cục bộ.
Các chỉ đạo chi tiết cũng được đưa ra cho các tập đoàn và công ty trong ngành. Các đơn vị này phải thực hiện nghiêm túc các giải pháp vận hành hệ thống điện quốc gia và bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất điện, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro.
Việc kiểm tra và giám sát đối với các chủ đầu tư nhà máy điện sẽ được tăng cường, nhằm bảo đảm duy trì sản xuất ổn định. Bên cạnh đó, các dự án về nguồn điện, trạm biến áp và thiết bị lưu trữ điện sẽ được đẩy nhanh tiến độ.
Để chuẩn bị cho các tình huống bất thường, mỗi đơn vị cũng phải chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ vật tư và thiết bị kỹ thuật, sẵn sàng ứng phó với thiên tai nhằm giảm thiểu tác động đến hệ thống cung ứng điện.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là hoàn thiện cơ chế giá cho các loại hình điện năng- yếu tố then chốt để đảm bảo vận hành hệ thống điện hiệu quả và bền vững.
Với các tập đoàn và tổng công ty, Bộ trưởng yêu cầu thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương về vận hành hệ thống điện, đầu tư vào các dự án phát triển nguồn và lưới điện. Các đơn vị cần chủ động phối hợp, thực hiện hợp đồng mua bán điện và cung cấp nguyên liệu một cách hiệu quả, bảo đảm nguồn cung năng lượng không bị gián đoạn và hoàn thành các mục tiêu vì lợi ích quốc gia.
Đặc biệt, các tập đoàn và tổng công ty được yêu cầu tăng cường trách nhiệm trong xử lý sự cố, bảo đảm các nhà máy điện duy trì hoạt động tối đa công suất trong điều kiện kỹ thuật cho phép. Ngoài ra, cần nâng cao giám sát và kiểm tra các nhà máy điện trực thuộc, đảm bảo mọi vấn đề kỹ thuật được khắc phục triệt để, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu điện của cả nước trong năm 2025.
Song song đó, công tác truyền thông cũng là yếu tố được nhấn mạnh. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thông tin minh bạch, kịp thời về tình hình cung ứng điện, tạo sự đồng thuận và hỗ trợ từ dư luận, khách hàng và người dân. Qua đó, nâng cao sự đồng thuận và ủng hộ cho ngành điện nói riêng và năng lượng nói chung.
Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, Bộ trưởng giao nhiệm vụ tham mưu và đề xuất kịp thời các cơ chế, chính sách liên quan đến năng lượng. Các đơn vị này phải giám sát chặt chẽ các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng, bảo đảm tuân thủ các quy định của Chính phủ và Bộ Công Thương, nhằm hướng đến mục tiêu cung ứng điện an toàn và ổn định trong năm 2025.
Nhiệm vụ cụ thể cho các tập đoàn và tổng công ty
Về các nhiệm vụ cho từng đơn vị, Bộ trưởng cũng đã có những chỉ đạo, chi tiết, cụ thể như sau:
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN):
EVN, với vai trò chủ đạo cùng đơn vị điều phối Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và Thị trường điện quốc gia (NSMO), có trách nhiệm bảo đảm an ninh năng lượng điện cho đất nước trong mọi tình huống. Mặc dù EVN chỉ chiếm 30% tổng nguồn cung, nhưng tổ chức này vẫn giữ vai trò then chốt trong việc điều độ và vận hành hệ thống điện quốc gia, cùng với NSMO chịu trách nhiệm lập kế hoạch cung ứng điện năng theo các kịch bản cụ thể, chi tiết.
Khẩn trương triển khai các dự án nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc, đặc biệt chú trọng hoàn thành các công trình truyền tải như đường dây 500kV, 220kV nối với các khu vực quan trọng, đảm bảo khả năng truyền tải từ tháng 12 tới.
Phối hợp với NSMO kiểm tra toàn diện các thiết bị, hệ thống lưới điện nhằm khai thác tối đa khả năng truyền tải, đặc biệt là trong bối cảnh huy động hệ thống điện mặt trời mái nhà. Đồng thời, bảo đảm các yếu tố kỹ thuật an toàn để tránh xảy ra sự cố nghiêm trọng khi hệ thống lưới điện phải vận hành ở công suất cao.
Chuẩn bị các kịch bản phát điện và tích nước cho năm 2025 nhằm ứng phó với các tình huống phát sinh trong mùa khô, đảm bảo khả năng cung ứng điện liên tục cho năm 2026. Việc phối hợp chặt chẽ với NSMO trong các phương án này là yêu cầu cấp thiết.
Ưu tiên hoàn thành các dự án đầu tư nguồn điện theo sơ đồ quy hoạch điện VII điều chỉnh và quy hoạch điện VIII, đặc biệt là các công trình giúp giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo trong nước và nâng cao năng lực nhập khẩu điện từ các nước láng giềng.
Phối hợp với NSMO đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện, quản lý nhu cầu phụ tải, huy động nguồn điện dầu ở mức hợp lý để bảo đảm cung ứng điện liên tục, đồng thời chuẩn bị các phương án cấp điện cho các đảo và khu vực xa xôi như Côn Cỏ.
Tiếp tục nâng cấp hệ thống trạm biến áp và lưới điện cơ sở để sẵn sàng cho cơ chế mua bán điện trực tiếp và thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và PVGas:
Với vai trò cung cấp khí cho sản xuất điện, PVN và PVGas được yêu cầu đảm bảo nguồn khí tối đa cho sản xuất điện, ưu tiên cấp khí cho EVN khi cần thiết nhằm bảo đảm an ninh cung ứng điện. PVN cũng phải điều chỉnh sản lượng khí để đảm bảo nhu cầu phát điện trong giai đoạn cao điểm.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV):
TKV và Tổng công ty Đông Bắc cần chủ động tăng cường khai thác và nhập khẩu than từ Lào để bảo đảm nguồn cung và thực hiện cam kết hợp tác với nước bạn. Các đơn vị cung cấp than và các chủ đầu tư nhà máy điện than phải chuẩn bị đầy đủ nguồn than dự trữ, bảo đảm các thiết bị kỹ thuật luôn sẵn sàng hoạt động để phát điện tối đa khi cần thiết.
Cục Điều tiết Điện lực và các đơn vị trực thuộc:
Cần nhanh chóng chỉ đạo NSMO hoàn thiện kế hoạch cung cấp và vận hành hệ thống điện cho năm 2025, đảm bảo phê duyệt kịp thời.
Chủ trì và phối hợp với các đơn vị trong Bộ để tổ chức các đoàn công tác định kỳ kiểm tra, giám sát việc chuẩn bị và thực hiện kế hoạch cung ứng điện và biểu đồ cung cấp than khí cho phát điện. Bài học từ năm ngoái cho thấy việc lập kế hoạch tuy đầy đủ nhưng khâu kiểm tra, giám sát còn yếu kém, dẫn đến những sự cố gây khó khăn. Thanh tra, kiểm tra cần diễn ra thường xuyên và phải có kết luận cụ thể, tránh việc kiểm tra hình thức.
Nhanh chóng hoàn thiện và trình Bộ ban hành các thông tư quy định khung giá cho từng loại hình nguồn điện, nhất là các loại hình còn thiếu. Đồng thời, cần nghiên cứu đề xuất thí điểm cơ chế giá hai thành phần.
Vụ Dầu khí - Than, cần chủ trì làm việc với PVN, PV Gas và EVN để xem xét khả năng bổ sung khí cho khu vực Đông Nam Bộ và cơ chế phân bổ khí. Cần lập biểu đồ cung cấp than khí sản xuất điện năm 2025, đặc biệt cho các tháng cao điểm. Rà soát, sửa đổi và bổ sung các cơ chế chính sách liên quan là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn này.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư về nguồn và truyền tải, thuộc thẩm quyền của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và nước ngoài. Có trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên; đối với các dự án chậm tiến độ, cần áp dụng cơ chế xử phạt và có biện pháp xử lý phù hợp.
Khẩn trương xử lý 168 dự án năng lượng tái tạo theo kết luận thanh tra, nhằm sớm huy động những nguồn lực này vào hệ thống cung ứng điện cho năm 2025. Đối với 14 dự án hưởng sai chính sách giá FIT, cần xử lý trực tiếp và hoàn trả phần vượt mức cho nhà nước. Các dự án còn vướng mắc cần được tháo gỡ và khắc phục sớm nhất để đưa vào vận hành.
Về phần Cục An toàn Môi trường Công nghiệp, cần chủ trì cùng EVN làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc sử dụng nước tiết kiệm và vận hành liên hoàn các hồ chứa. Cục cũng cần bám sát hoạt động sản xuất điện than, khí của các doanh nghiệp, giám sát và đôn đốc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn sản xuất, phòng ngừa các tai nạn nghiêm trọng, nhất là trong lĩnh vực khai thác than và các tổ hợp thủy điện nhỏ.
Bộ trưởng yêu cầu chú ý theo dõi diễn biến thời tiết để có phương án kịp thời chỉ đạo hoặc tham mưu cho lãnh đạo Bộ, đảm bảo vận hành các hồ chứa thủy điện an toàn và hiệu quả.
Với Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng về tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023–2025. Phối hợp với NSMO và Cục Điều tiết Điện lực để xây dựng kịch bản điều chỉnh phụ tải trong những thời điểm thời tiết cực đoan hoặc cao điểm về nhu cầu điện. Đặc biệt, các ngành tiêu thụ nhiều điện như sản xuất xi măng hay thép cần điều chỉnh giờ hoạt động, tập trung vào giờ thấp điểm để giảm áp lực lên hệ thống điện trong giờ cao điểm.
Bộ trưởng chỉ đạo cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện của các đơn vị, không chỉ để đáp ứng yêu cầu tại cuộc họp hôm nay, mà còn để đạt hiệu quả thực chất. Nhiệm vụ cụ thể đã được thể hiện trong thông báo kết luận của Bộ, và sắp tới, các kế hoạch cung ứng điện, biểu đồ cung cấp than, khí, và cơ chế vận hành liên hồ chứa sẽ được ban hành. Đây là cơ sở quan trọng để các đơn vị thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.
Bộ trưởng đề nghị Cục Điều tiết Điện lực, NSMO và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện các kế hoạch, đảm bảo công bố kế hoạch cung ứng điện năm 2025 vào ngày mai (15/11). Sau đó sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến với cộng đồng xã hội.