Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Xây dựng Kazakhstan
Tại Kazakhstan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc gặp gỡ song phương với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Xây dựng Kazakhstan.
Từ ngày 12 - 17/5/2024, Đoàn công tác của Bộ Công Thương Việt Nam do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn có chuyến công tác tại Kazakhstan và Bulgaria, tham dự các Ủy ban Liên chính phủ giữa Việt Nam với hai nước trên và các hoạt động bên lề.
Ngày 16/5/2024, theo thông tin từ Đoàn công tác, ngày 15/5/2024 (theo giờ địa phương), tại Kazakhstan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc gặp gỡ song phương và làm việc với Bộ trưởng Công nghiệp và Xây dựng Kazakhstan Kanat Sharlapaev.
Tham dự buổi làm việc, về phía Đoàn công tác Việt Nam có lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, cùng đại diện một số bộ, ngành và các đơn vị liên quan. Về phía Kazakhstan có đại diện các đơn vị và lãnh đạo Bộ Công nghiệp và Xây dựng Kazakhstan.
Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Xây dựng Kazakhstan Kanat Sharlapaev nhiệt liệt chào mừng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Đoàn công tác của Bộ Công Thương đang có chuyến thăm và làm việc tại Kazakhstan. Đồng thời tin tưởng chuyến thăm và làm việc tại Kazakhstan lần này của Đoàn công tác sẽ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cảm ơn tình cảm đặc biệt của Bộ trưởng Kanat Sharlapaev cùng các đồng nghiệp tại Bộ Công nghiệp và Xây dựng Kazakhstan dành cho Đoàn công tác của Bộ Công Thương Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 29/6/1992, Việt Nam và Kazakhstan đã luôn duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Thời gian qua, các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai nước liên tục diễn ra, đặc biệt là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngài Tổng thống Kazakhstan năm 2023 vừa qua đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước. Hàng loạt văn kiện hợp tác giữa hai nước đã được ký kết, đặc biệt là Kế hoạch hành động chung nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giai đoạn 2023 - 2025 giữa Chính phủ hai nước, tạo khung khổ hợp tác trên nhiều lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.
Thông tin về tình hình phát triển kinh tế, thương mại của Việt Nam trong những năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay Việt Nam đang là một trong 40 quốc gia có quy mô nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đã đạt tới mức trên 700 tỷ USD, là một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất trên thế giới. Cùng đó, Việt Nam cũng là 1 trong 15 quốc gia có môi trường thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tốt nhất và tốc độ thu hút FDI hàng năm của Việt Nam tăng trưởng trung bình từ 5-6%/năm. Việt Nam đang là một nền kinh tế vô cùng mở khi sở hữu đến 16 các Hiệp định Thương mại tự do và có quan hệ với gần 70 quốc gia và vũng lãnh thổ.
Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư chiếm vị trí quan trọng trong mối quan hệ Việt Nam - Kazakhstan và mối quan hệ này luôn có sự tăng trưởng tích cực qua từng năm, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu chính thức có hiệu lực từ ngày 05/10/2016 đã tạo động lực phát triển cho thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu EU nói chung và giữa Việt Nam - Kazakhstan nói riêng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Kazakhstan chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai bên, nhất là khi hai nước luôn duy trì được mối quan hệ chính trị truyền thống tốt đẹp. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Kazakhstan năm 2023 chỉ tương ứng 0,9% nhập khẩu của Kazakhstan, trong khi xuất khẩu Kazakhstan vào Việt Nam chỉ chiếm 0,018% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là do sự hiểu biết lẫn nhau của doanh nghiệp hai nước còn hạn chế, khoảng cách địa lý và nhất là cước phí vận tải cao.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Kazakhstan là đất nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt, than, uranium... và có thế mạnh trong các ngành công nghiệp, năng lượng như: Khai khoáng, luyện kim, cơ khí, xây dựng, hóa chất, công nghiệp nhẹ và dầu khí. Do vậy, Việt Nam rất mong muốn và sẵn sàng hợp tác với phía Kazakhstan trong các lĩnh vực cụ thể mà hai bên cùng quan tâm.
Ngoài ra, thông tin tới Bộ trưởng Kanat Sharlapaev, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh, Việt Nam đã xác định những ngành công nghiệp cơ bản như công nghệ vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất, dược phẩm và năng lượng là những ngành trọng điểm để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 và thậm chí đến năm 2050. “Hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp sẽ mở ra những cơ hội mới do doanh nghiệp hai nước” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định.
Trong buổi tiếp và làm việc, để quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt Nam - Kazakhstan phát triển hơn nữa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị:
Một là, các cơ quan chuyên môn hai nước sẽ thiết lập kết nối để triển khai các cam kết, thỏa thuận đã đạt được tại Khóa họp Ủy ban liên Chính phủ lần này, cũng như tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động chung nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Kazakhstan giai đoạn 2023 – 2025.
Hai là, hai bên phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu để tận dụng những thuận lợi, ưu đãi mà Hiệp định mang lại cho doanh nghiệp hai nước trong hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh.
Ba là, ngoài các hợp tác truyền thống, trong thời gian tới hai Bên xem xét khả năng hợp tác phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, nhất là vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, khai thác, chế biến, chế tạo, hóa chất...
Bốn là, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu trong kỷ nguyên chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, chúng ta cần chú trọng hợp tác phát triển một số ngành mang tính đột phá, phù hợp với xu thế quốc tế như: (i) Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; (ii) khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, linh kiện điện tử, ô tô điện...; (iv) sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo; (v) trung tâm tài chính, tài chính xanh; (vi) công nghệ sinh học, y tế; (vi) nông nghiệp công nghệ cao…
Năm là, hai bên sẽ tích cực hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp hai nước tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư, trao đổi đoàn. Phía Việt Nam có Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ và Cục Xúc tiến thương mại là hai đơn vị hỗ trợ việc này.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gửi lời mời và vui mừng chào đón Bộ trưởng cũng như các đồng nghiệp tại Bộ Công nghiệp và Xây dựng Kazakhstan tới thăm Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Kết thúc cuộc gặp gỡ làm việc, Bộ trưởng Kanat Sharlapaev nhất trí cao với các đề xuất cũng như kiến nghị của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Bộ trưởng Kanat Sharlapaev khẳng định, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong kinh tế, thương mại và đầu tư, với mục tiêu nâng cao kim ngạch thương mại song phương và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đầu tư vào thị trường của nhau trong các lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, khai khoáng, năng lượng... Với vị trí địa lý của mình, Kazakhstan sẵn sàng làm cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu.
Cơ chế Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật giữa Việt Nam và Kazakhstan được tổ chức luân phiên tại Việt Nam và Bulgaria. Cho đến nay đã trải qua 10 khóa họp. Đây là cơ chế quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương, là kênh thảo luận thiết thực nhằm nêu ra và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, mục tiêu và lĩnh vực hợp tác mới tại nhiều vấn đề mà hai Bên cùng quan tâm.
Khóa họp gần nhất là Khóa họp lần thứ 10 được tổ chức vào tháng 9/2022 tại Việt Nam. Khóa họp ngoài các nội dung thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Công thương còn có sự tham gia và đóng góp nội dung của các Bộ: Ngoại giao; Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giao thông vận tải; Thông tin Truyền thông.
Năm 2024, hai Bên đã thống nhất tổ chức Khóa họp lần thứ 11 Ủy ban Liên Chính phủ giữa hai nước và các sự kiện liên quan vào thời gian từ ngày 15 đến ngày 17/5/2024 tại Kazakhstan. Đây là Khóa họp đầu tiên được tổ chức dưới sự chủ trì của hai Bộ trưởng. Khóa họp lần thứ 11 được kỳ vọng sẽ mở ra những không gian hợp tác mới cho hai nước, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại hai bên.
Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA, trong đó Kazakhstan là một trong năm thành viên) chính thức có hiệu lực vào tháng 10 năm 2016, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam với Kazakhstan đã có tăng trưởng tích cực (kim ngạch thương mại song phương trung bình tăng 28%/năm giao đoạn 2017-2021, trong năm 2021 kim ngạch song phương giữa hai nước đạt 615,6 triệu USD (cao nhất từ trước tới nay), tăng 76,3% so với năm 2020, trong đó Việt Nam xuất khẩu 549,7 triệu USD, tăng 72,8%. Việt Nam nhập khẩu 65,9 triệu USD, tăng 111,7%).
Tuy nhiên trong thời gian vừa qua giao thương giữa hai Bên bị sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và biến động địa chính trị trong khu vực nhưng Kazakhstan vẫn duy trì là nước có kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam lớn thứ hai trong các nước thành viên của Liên minh kinh tế Á – Âu. Cụ thể, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2023 kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Kazakhstan đạt 401,8 triệu USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Kazakhstan đạt 391,0 triệu USD, giảm 3,7%. Nhập khẩu của Việt Nam từ Kazakhstan đạt 10,8 triệu USD, giảm 67,3%.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Kazakhstan bao gồm điện thoại các loại và linh kiện (thị phần khoảng 65% trong năm 2023); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đi kèm (12%), máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (7%); hàng rau quả (2%), hạt điều, giày dép, sản phẩm dệt may (mỗi mặt hàng chiếm 1%).
Việt Nam nhập khẩu từ Kazakhstan các sản phẩm: Sắt thép các loại; kim loại thường khác; lúa mì; bông các loại… Trong năm 2023, Việt Nam không có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng sắt thép các loại từ Kazakhstan, mặc dù đó là mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất từ Kazakhstan trong các năm trước.
Về đầu tư, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 4 năm 2024, Kazakhstan có 06 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 0,56 triệu USD. Kazakhstan xếp thứ 108/145 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Hiện Việt Nam chưa có dự án đầu tư nào tại thị trường Kazakhstan.