Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn các nội dung thuộc lĩnh vực Công Thương

Sáng 21/8/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham gia trả lời chất vấn các nội dung thuộc lĩnh vực Công Thương tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: Trong báo cáo số 4140 của Tổng thư ký Quốc hội có đánh giá hiệu quả của công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, hàng giả vẫn chưa được như mong muốn. Tình trạng hàng giả, hàng lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán công khai ở nhiều nơi, thủ đoạn ngày càng tinh vi, có hệ thống và gần đây chủ yếu xuất hiện nhiều trên không gian mạng. Vậy xin hỏi Bộ trưởng sẽ có giải pháp về chế tài xử phạt như thế nào để đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm về xuất xứ hàng hóa và lộ trình thực hiện ra sao?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời:

Trong nền kinh tế thị trường, việc phòng, chống gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn thuế là công việc vô cùng quan trọng, đồng thời cũng là thách thức rất lớn đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhất là trong môi trường thương mại điện tử. Thời gian vừa qua, để nâng cao hiệu quả công tác này, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành rất nhiều các cơ chế, chính sách để khắc phục tình trạng này.

Điển hình là tham mưu ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Đề án chống hàng giả, hàng kém chất lượng; Sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt trong thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Đồng thời, triển khai cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin qua Cổng thông tin Quản lý Thương mại điện tử và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là Cổng điện tử quốc gia tại Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Ngoài ra, phối hợp tốt các lực lượng trong phòng, chống gian lận thương mại bao gồm các lực lượng công an, biên phòng, hải quan rồi Ban Chỉ đạo 389 của các địa phương yêu cầu các sàn giao dịch, các website rà soát để ngăn chặn, bóc gỡ hàng ngàn gian hàng giả, hàng kém chất lượng và những đối tượng vi phạm một vài lần trở lên.

Tăng cường hơn nữa trong việc truyền thông để hướng dẫn người tiêu dùng trở thành là người tiêu dùng thông thái và xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như chia sẻ thông tin với các cơ quan có liên quan để xử lý những vấn đề này, bao gồm công an, công nghệ thông tin rồi tài chính và ngân hàng.

Chính vì áp dụng hàng loạt các biện pháp như thế nên thời gian vừa qua đã xử lý được hàng chục ngàn trường hợp vi phạm và đã thu về cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng xử phạt bởi những hành vi vi phạm trong lĩnh vực gian lận thương mại.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chủ trương tiếp tục tham mưu cho cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định về xử phạt những hành vi vi phạm trong thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ hai, triển khai thực hiện hiệu quả đề án chống hàng giả, hàng kém chất lượng và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.

Thứ ba, tăng cường và làm tốt hơn việc xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan có liên quan bao gồm Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính để mà quản lý các vấn đề về hàng giả, hàng kém chất lượng và chống thất thu thuế trong lĩnh vực này.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả cái cổng thông tin điện tử về tiếp nhận và xử lý thông tin về những cái hiện tượng vi phạm về gian lận thương mại.

Thứ năm, làm tốt công tác truyền thông để giúp người tiêu dùng nâng cao hiểu biết và tự bảo vệ mình.

Cuối cùng, chúng tôi rất mong là để thực hiện được cái nhiệm vụ này thì có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và đặc biệt là người dân để chúng ta kịp thời đấu tranh làm tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong môi trường thương mại điện tử cũng như là trong kinh tế thị trường của chúng ta.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu đang trở nên nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong nước, làm tổn hại đến doanh nghiệp chân chính và quyền lợi người tiêu dùng. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương làm rõ thêm và cho biết những giải pháp nào đã và đang triển khai để hướng tới xử lý triệt để vấn đề này?

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Thời gian gần đây tình hình cung cấp điện cho sản xuất và tiêu dùng có tiến bộ rất rõ, không giống như năm 2023 thiếu điện cục bộ. Đó là thành quả rất tốt của Bộ Công Thương và EVN. Tuy nhiên, việc tính giá bậc thang như hiện nay chưa phù hợp với nhu cầu của người dân, nhất là bậc 1 chỉ có 50kWh cho sinh hoạt. Người dân tiêu thụ điện, trả tiền điện cho EVN mà lại bị thêm mức thuế 10% VAT là chưa hợp lý. Xin Bộ trưởng lý giải việc này? Có thể miễn thuế VAT, nâng bậc thang ở bậc 1 từ 50kWh lên 100kWh cho người tiêu dùng không?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời:

1. Có thể nói gian lận thương mại là đặc trưng, hay nói cách khác cũng là đặc tính của nền kinh tế thị trường, vậy nên đây là một yêu cầu rất cao đối với mọi Chính phủ và cũng là một thách thức rất lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước.
Trong thời gian vừa qua, ở nước ta thì Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ, ngành có liên quan thì đã làm được các nhiệm vụ như tôi đã báo cáo ở phần trên.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành có liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này, nhất là cơ chế về xử phạt những hành vi vi phạm trong gian lận thương mại, kể cả trong thương mại truyền thống và thương mại điện tử.
Thứ hai, xử lý kịp thời, nghiêm minh những sai phạm, luân chuyển vị trí công tác của những người làm việc trong môi trường này, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của lực lượng chức năng.
Thứ ba, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc này không chỉ thuộc Bộ Công Thương hay là một số bộ, ngành mà đòi hỏi chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng, kể cả là doanh nghiệp và người sản xuất cũng phải vào cuộc, phải thực hiện nghiêm túc đề án này thì mới có hiệu quả.

Thứ tư, phối hợp các lực lượng cả trong và ngoài nước để xử lý hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Bởi vì hiện nay trên thương mại điện tử thì nguồn hàng từ bên ngoài về là rất lớn, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ các cơ quan chức năng của Nhà nước, của địa phương và kể cả các cơ quan chức năng của các nước liên quan.

Thứ năm, tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ cơ sở dữ liệu đối với các cơ quan chức năng, ví dụ như là các sàn giao dịch thương mại điện tử, các phòng livestream, hay đăng ký của các chủ sàn,… thì Bộ Công Thương đã chia sẻ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để giám sát tốt hoạt động kinh doanh trên môi trường điện tử.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả tiếp nhận và xử lý thông tin tố giác tội phạm trên cổng thông tin điện tử quốc gia đặt tại Bộ Công Thương và ở các địa phương.

Thứ bảy, tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông để người dân tự bảo vệ mình trong môi trường mới.

2. Đối với câu hỏi thứ hai của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), tôi thấy rằng biểu giá điện bậc thang là một mô hình phổ biến của tất cả các quốc gia nhằm giúp khuyến khích các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Điện khác với các ngành khác, bởi càng sản xuất nhiều điện thì càng ảnh hưởng đến vấn đề môi trường, trong khi năng lượng là một ngành phát thải khá lớn ở Việt Nam, cần nâng cao trách nhiệm xã hội trong bảo vệ môi trường.

Do đó, theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bình quân gồm 6 bậc. Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Công Thương đã chủ trì sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg.

Theo đó, dự thảo trình Chính phủ về vấn đề này sáng ngày hôm nay đã đề xuất giảm từ 6 bậc xuống còn 5 bậc, trong đó bậc đầu tiên nâng từ mức 0-50kWh lên 0-100kWh.

Như vậy, kiến nghị của đại biểu Phạm Văn Hòa đã được tiếp thu và đã được trình lên Chính phủ đúng như đại biểu mong muốn. Mục tiêu của đề xuất này nhằm giữ được mức hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn từ ngân sách nhà nước ở số điện 0-30kWh, còn từ 30kWh đến hết bậc 1 thì người tiêu dùng vẫn phải thanh toán theo quy định.

Mặt khác, để dần xóa khoảng cách bất hợp lý giữa các đối tượng sử dụng điện, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg lần này cũng đang đề cập đến việc điều chỉnh khung giá của các đối tượng sản xuất cũng như kinh doanh và sinh hoạt để tiệm cận gần hơn. Giá điện đối với một số ngành sản xuất sẽ được điều chỉnh cho tương xứng với biểu giá trong lĩnh vực dịch vụ cũng như trong sinh hoạt để bảo đảm không bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện.

Còn về vấn đề thuế giá trị gia tăng trong hóa đơn tiền điện, theo tôi hiểu thì đây là quy định của Luật Thuế được áp dụng với mọi hàng hóa, dịch vụ khi giao dịch. Vậy nên có bỏ được thuế tiêu thụ đặc biệt trong hóa đơn tiền điện hay không thì tôi nghĩ rằng Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ giúp tôi trả lời vấn đề này rõ hơn.

TS Vũ Đình Ánh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính)

Tôi cho rằng, đúng như Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Duyên cũng đã nêu, hiện nay chúng ta tập trung nhiều vào vấn đề chế tài, xử phạt để mang tính răn đe, ngăn chặn các hoạt động sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đặc biệt là trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển, việc vào cuộc không phải chỉ của Bộ Công Thương, của cơ quan quản lý thị trường mà của nhiều các bộ, ngành liên quan. Tôi cho rằng đấy cũng là phù hợp với xu thế, với tình hình chung.

Tuy nhiên, tôi cho rằng có lẽ chúng ta sẽ cần tập trung hơn nữa vào các biện pháp, các giải pháp để làm sao có thể sớm phát hiện, phòng ngừa bên cạnh việc xử phạt như chúng ta đang làm hiện nay, thì sẽ làm tốt hơn trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Bởi vì như chúng ta cũng đã thấy thì rõ ràng hàng giả, hàng nhái kém chất lượng là một tình trạng đã diễn ra trong nhiều năm và với quy mô lớn. Với phương thức tiêu thụ thương mại điện tử phát triển như hiện nay thì nó sẽ có nhiều đặc điểm mới đòi hỏi chúng ta cần phải có những cái giải pháp mới phù hợp hơn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Thu được ngân sách nhà nước thì mới đảm bảo sự vững mạnh của tài chính công và mới đảm bảo được vấn đề trang trải cho xã hội, kể cả việc đảm bảo cho hoạt động của bộ máy Nhà nước cũng như vấn đề an sinh xã hội, các công trình hạ tầng trọng yếu, khuyến công, đảm bảo cho an ninh, quốc phòng, phòng thủ và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, việc giảm thuế để giải quyết một vấn đề giá cả biến động theo thị trường nó sẽ không hợp lý.

Trên thực tế, khi mà xã hội gặp khó khăn do tác động của khách quan như dịch Covid-19, trong 5 năm nay, Quốc hội đã giảm thuế cho các doanh nghiệp, các hộ gia đình, cá nhân, giảm tiền thuê đất mỗi năm 200.000 tỷ đồng.

Riêng với lĩnh vực xăng dầu, mức thuế VAT đang được quy định là 10% - đã là mức rất thấp, duy trì từ năm 1999 đến nay, tức là đã 25 năm rồi. Vì vậy, đưa ra vấn đề giảm thuế trong trường hợp này là không hợp lý.

Còn trong biểu giá điện bậc thang, đã quy định có 6 bậc, như vậy đối với các hộ sinh hoạt đã có quy định ưu tiên các hộ nghèo, hộ chính sách hỗ trợ 30kWh. Ở bậc 1 (0-50kWh), quy định mức giá chỉ bằng 92% giá điện bình quân, còn ở bậc 2 tăng lên 95%, càng lên bậc cao thì càng tăng dần, để khuyến khích tiết kiệm điện.

Đại biểu Trần Hữu Hậu - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Thông tư 01/2018/TT-BCT và Thông tư 01 và 02/2018/TT-BCT năm 2018 của Bộ Công Thương không đưa mía cây vào danh mục hàng hóa được phép mua bán qua cửa khẩu phụ; trong khi Tây Ninh có 3 cửa khẩu phụ, có lực lượng chuyên ngành quản lý tại cửa khẩu chính và quốc tế. Điều này gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân đang hợp tác hay thuê đất trồng mía tại Campuchia theo chủ trương được Chính phủ hai nước cho phép vì làm tăng chi phí và thời gian vận chuyển, làm giảm trữ lượng đường nguyên liệu, ảnh hưởng đến hiệu quả của ngành mía đường vốn đã khó khăn trong cạnh tranh quốc tế, ảnh hưởng đến ý nghĩa của chương trình hợp tác hữu nghị mang tính đối ngoại, quốc phòng, an ninh của Tây Ninh với các tỉnh giáp biên.

Vấn đề này Tây Ninh đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được trả lời thỏa đáng. Trong khi đó, các Bộ Tài chính, Ngoại giao, Quốc phòng đều ủng hộ kiến nghị của Tây Ninh khi được Bộ Công Thương xin ý kiến cho phép mía cây được đưa về qua cửa khẩu phụ. Vụ mía năm 2024 đang đến gần, xin phép hỏi Bộ trưởng, Bộ có thể tháo gỡ khó khăn này, cho phép mía cây được nhập qua cửa khẩu phụ với đầy đủ hồ sơ, thủ tục như ở cửa khẩu quốc tế trước khi vào vụ mùa mới tháng 11 sắp tới hay không?

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Lúc nãy Bộ trưởng trả lời đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) liên quan đến vấn đề xây dựng biểu giá điện, nhưng cử tri và nhiều chuyên gia kinh tế hiện nay cho rằng việc điều hành giá điện còn nhiều bất cập và chính điều này là một trong những nguyên nhân quan trọng gây thua lỗ cho ngành điện khoảng hơn 47 nghìn tỷ đồng trong hai năm 2022 và 2023. Vậy Bộ trưởng có đồng tình với nhận định này không và xin Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để tháo gỡ việc điều hành giá điện một cách tốt nhất trong thời gian tới?

Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Theo Mục 9.2 Báo cáo số 318 ngày 14/6/2024 của Chính phủ, một trong những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thị trường là một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, cá biệt là có trường hợp bảo kê cho các hành vi vi phạm pháp luật. Xin Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng khi để xảy ra tình trạng bảo kê như báo cáo đã nêu? Kết quả của Bộ trưởng về xử lý cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm bản kê cho người có hành vi vi phạm pháp luật, giải pháp của Bộ trưởng để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Hiện nay việc kinh doanh điện được quản lý bởi Bộ Công Thương, chỉ có EVN là đơn vị duy nhất kinh doanh điện giữa điện lực Việt Nam và các hộ tiêu dùng. Thực tế nhu cầu sử dụng điện năng lượng mặt trời từ các hộ gia đình khu vực phía Nam là rất lớn, nhưng hiện nay Nhà nước không còn chính sách thu mua điện từ phần dôi dư của các hộ gia đình. Để tránh lãng phí chi phí đầu tư điện mặt trời của hộ gia đình, đồng thời giảm được tiêu thụ của nguồn điện quốc gia, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương có hướng giải quyết gì, tạo điều kiện cho hộ gia đình được bán lại nguồn điện dôi dư này cho các hộ xung quanh, vừa giúp người dân có thêm nguồn thu, đồng thời cũng là tránh lãng phí chi phí đầu tư chung cho xã hội?

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Với mức tiêu thụ xăng dầu như hiện tại thì dự trữ xăng dầu của các thương nhân đầu mối và của quốc gia đáp ứng được thời gian bao lâu và đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp về dự trữ sai dầu trong thời gian tới?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời:

1. Theo quy định hiện hành, mặt hàng mía cây không thuộc danh mục hàng hóa được phép mua bán, trao đổi qua cửa khẩu. Về cơ bản, việc cho phép nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất trong nước trong bối cảnh nguồn cung chưa dồi dào là cần thiết. Tuy nhiên, với ngành sản xuất mía đường hiện nay còn nhiều ý kiến khác nhau khi đánh giá vấn đề này để bảo đảm nhu cầu nguyên liệu mía đường sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, báo cáo của tỉnh Tây Ninh cũng không đề cập đến phương án tiêu thụ cho nông dân trồng mía trong tỉnh trước khi thực hiện việc nhập khẩu này. Để bảo đảm bình ổn thị trường, vừa qua Bộ Công Thương đã lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong đó Bộ Công Thương và các Bộ Tài chính, Quốc phòng, Tư pháp, Ngoại giao đều không có ý kiến phản đối với đề nghị của UBND tỉnh Tây Ninh về vấn đề như đại biểu nêu.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Mía đường Việt Nam thì đang có ý kiến khác nhau. Ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đề nghị Bộ Công Thương xem xét cân đối cung cầu trong nước để cân nhắc cho phép nhập khẩu mặt hàng mía cây để phục vụ sản xuất trong nước, vừa bảo đảm bình ổn thị trường, vừa bảo vệ, thúc đẩy ngành sản xuất mía đường trong nước, hài hòa lợi ích của người trồng mía.

Ý kiến của Hiệp hội Mía đường Việt Nam lại cho rằng, kiến nghị của UBND tỉnh Tây Ninh về nhập khẩu mía cây qua cửa khẩu tại Tây Ninh và bổ sung mặt hàng mía cây vào danh mục hàng hóa nhập khẩu là không phù hợp với phương hướng và mục tiêu phát triển ngành mía đường Việt Nam và có dấu hiệu của hành vi trốn thuế và cũng không phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy ý kiến còn đang khác nhau. Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Mía đường Việt Nam để trình Chính phủ đề xuất liên quan đến vấn đề này. Chúng tôi đang trong quá trình tiếp tục tiếp thu và giải trình báo cáo với Chính phủ, theo đó, Chính phủ quyết theo phương án nào thì chúng tôi sẽ tuân thủ theo phương đó nhưng có lẽ là những ý kiến của các Bộ như Công Thương, Tài chính, Quốc phòng, Tư pháp, Ngoại giao,… cũng cần xem xét trong bối cảnh cụ thể để giải quyết vấn đề mà Tây Ninh vừa nêu.

2. Đối với ý kiến thứ hai, có đại biểu cho rằng việc điều hành giá điện vừa qua là bất cập, gây thua lỗ cho ngành điện thì tôi xin thưa là không có chuyện đó. Tôi khẳng định, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện 3 chức năng cơ bản (i) vấn đề quy hoạch, kế hoạch; (ii) cơ chế chính sách và (iii) thanh tra, kiểm tra.

Chúng tôi tự thấy rằng quá trình tham mưu xây dựng cơ chế chính sách, nhất là chính sách trong vấn đề giá điện vừa qua, đã thực hiện tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, nhất là Luật Điện lực và Luật Giá.

Theo đó, điện là một trong những mặt hàng phải bảo đảm bình ổn giá theo chỉ đạo của Nhà nước, đầu vào hiện nay EVN là đơn vị duy nhất có chức năng mua bán điện và cung ứng điện, bảo đảm an ninh năng lượng điện quốc gia thì phải mua với cơ chế giá thị trường, nhưng đầu ra phải bảo đảm bình ổn giá, bởi giá điện có liên quan và ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất khác, cho nên sẽ có sự chênh lệch giữa đầu vào, đầu ra.

Như một vài lần tôi đã báo cáo với Quốc hội là chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của EVN là khoảng 208-216 đồng/kWh. Còn quá trình tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi cơ chế điều hành như thế nào để cho EVN sẽ không bị lỗ trong tương lai thì ngành Công Thương đang tham mưu với Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Điện lực, sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới đây, theo hướng xóa bù chéo giữa các đối tượng, các khách hàng sử dụng điện; bên cạnh đó, phải tính đúng, tính đủ, tính hết giá thành điện năng, trong đó có giá sản xuất điện, giá điều độ, vận hành hệ thống điện để bảo đảm khách quan.

Và hiện nay, Chính phủ đã có quyết định chính thức đưa Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) về trực thuộc Bộ Công Thương. Điều đó sẽ bảo đảm được sự minh bạch, công bằng trong việc điều độ, vận hành hệ thống điện giữa doanh nghiệp phát điện và công bằng với các đối tượng sử dụng điện.

Mặt khác, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định về mua bán điện trực tiếp đối với các khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA) và sắp tới sẽ ban hành Nghị định về khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, điều đó sẽ từng bước làm cho thị trường điện của chúng ta trở nên hoàn hảo hơn.

Hiện nay, thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường mua buôn điện cạnh tranh đã được thực hiện tương đối tốt. Còn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện trong Dự thảo Luật Điện lực cũng như sửa đổi những quy định hiện hành.

3. Đối với ý kiến thứ ba, đại biểu nêu rằng hiện nay có một bộ phận cán bộ trong Cục Quản lý thị trường bảo kê cho người có hành vi sai phạm, cán bộ quản lý thị trường hoạt động theo cơ chế đơn tuyến, từng người trên từng vị trí có thẩm quyền, trách nhiệm quyết định việc xử phạt hay không xử phạt, hoặc xác định hành vi đó là vi phạm hay không vi phạm các quy định của pháp luật.

Vì tính chất công việc của lực lượng này như vậy, nên ngành Công Thương đã chỉ đạo là thường xuyên phải có sự luân chuyển địa bàn công tác của các cán bộ phụ trách địa bàn.

Thứ hai, quy trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm, phải xử lý rất nghiêm theo quy định pháp luật của Nhà nước.

Thứ ba, tiếp tục tham mưu để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế chính sách, nhất là trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý những hiện tượng vi phạm.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã yêu cầu và xử lý rất nhiều trường hợp từ cán bộ quản lý cấp Đội đến cấp Cục ở địa phương và xử lý đối với cán bộ trực tiếp xử lý trên từng địa bàn, cũng có hàng chục cán bộ trong lực lượng này đã được chuyển lên cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt công tác giáo dục, quản lý; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; phối hợp với các lực lượng trong việc phát hiện, xử lý những sai phạm trong lĩnh vực này, kể cả là sai phạm của tổ chức, cá nhân trong lực lượng quản lý thị trường và sẽ tiếp tục làm tốt việc luân chuyển địa bàn để bảo đảm hoạt động của các lực lượng này công khai, minh bạch.

4. Đối với ý kiến thứ tư, đại biểu nêu rằng, kinh doanh điện do Bộ Công Thương quản lý, Nhà nước không mua điện dôi dư của điện mặt trời mái nhà, tôi cũng xin báo cáo lại một lần nữa là việc mua điện dôi dư mặt trời áp mái thì Chính phủ sắp ban hành Nghị định quy định cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, trong đó có khuyến khích vấn đề này.

Chúng ta đều biết, hệ thống điện muốn an toàn và ổn định được thì trong cơ cấu các nguồn điện, điện mặt trời và điện gió được xem là chỉ góp phần phủ đỉnh, chiếm tỷ trọng khoảng 20-25% trong tổng công suất các nguồn điện. Có như vậy thì mới phù hợp với năng lực, điều kiện về mặt kỹ thuật cũng như về kinh tế của chúng ta. Bởi vì nếu như không có nguồn điện nền ổn định ở mức 75-80% thì hệ thống điện của chúng ta hết sức rủi ro.

Trong thời gian vừa qua, thực hiện Quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VII điều chỉnh và bây giờ là Quy hoạch điện VIII, Chính phủ đã quy định tổng công suất đặt hệ thống đến năm 2030 là 150.589 MW, trong đó, điện mặt trời và điện gió cũng đã được ấn định ở ngưỡng khoảng 27% - đây là mức cao.

Tuy nhiên, vừa qua, rất nhiều địa phương, rất nhiều cử tri muốn phát triển mạnh hơn điện mặt trời, nhất là điện mặt trời mái nhà ở các tỉnh phía Nam và Nam Trung Bộ. Vì vậy, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng và trình Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, theo đó thì cho cơ chế là Nhà nước sẽ mua tối đa 20% công suất đặt của mỗi công trình để bảo đảm vừa nâng được tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu các nguồn điện, vừa khuyến khích người dân đầu tư và giảm bớt đầu tư nhà nước.

Song ở khía cạnh khác, đó cũng là một thách thức và rất dễ có thể trở thành rủi ro lớn cho an toàn hệ thống điện, bởi nguồn điện nền là không thay đổi, vẫn chỉ ở ngưỡng 70-75%, nếu bây giờ nâng điện mặt trời hay điện gió lên thì sẽ làm mất cân đối cơ cấu các nguồn điện và như vậy sẽ rất rủi ro cho việc bảo đảm an toàn, liên tục hệ thống điện cũng như lưới điện cơ sở.

Do vậy, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, một mặt cơ quan soạn thảo vẫn tiếp thu ý kiến của các địa phương và người dân, nhưng mặt khác buộc phải tôn trọng yếu tố kỹ thuật, chứ không thể bảo đảm chỉ là đáp ứng nhu cầu một cách đơn thuần.

Ngay cả đối với việc quy định tỷ lệ mua điện mặt trời mái nhà dư phát lên lưới điện quốc gia là 20%, chúng tôi cũng phải đề xuất những cơ chế và điều kiện ràng buộc cần thiết để tránh tình trạng trục lợi chính sách và tránh tình trạng làm sập hệ thống điện, bởi riêng hệ thống điện thì không cho phép sai sót, sai sót một lần là trả giá không biết đến bao giờ.

Cho nên kiến nghị này của đại biểu chúng tôi tiếp thu, nhưng chúng tôi buộc phải tuân thủ những nguyên tắc rất cơ bản của các yếu tố kỹ thuật, kinh tế và pháp luật.

5. Đối với ý kiến thứ năm, đại biểu nêu rằng, việc tiêu thụ xăng dầu và dự trữ hiện nay như thế nào, thì các lần trước chúng tôi đã báo cáo, đến thời điểm này, Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án nâng mức dự trữ xăng dầu. Theo đó, mức dự trữ xăng dầu thành phẩm sẽ nâng từ 440.000 lên 800.000 - 900.000 m3, tức là nâng gấp 2 lần khả năng dự trữ. Hiện nay, khả năng dự trữ của chúng ta là 7 ngày thì bây giờ nâng lên gấp đôi là khoảng nửa tháng.

Cùng với đó, trong quyết định mới thì không chỉ dự trữ xăng dầu thành phẩm mà còn dự trữ cả dầu thô - nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy lọc dầu trong nước. Theo đó, công suất dầu thô sẽ bảo đảm được 15 - 20 ngày nhập ròng. Đây là hai điểm rất mới trong Quyết định của Chính phủ.

Còn việc đầu tư vào hạ tầng xăng dầu khí đốt quốc gia, trong đó có vấn đề dự trữ xăng dầu, Chính phủ cũng đã phê chuẩn quy hoạch hạ tầng xăng dầu, khí đốt quốc gia và kế hoạch của quy hoạch này cũng đã được triển khai đến các địa phương. Theo đó sẽ có những cơ chế, chính sách vừa đầu tư từ phía Nhà nước nhưng cũng vừa phải đầu tư từ các doanh nghiệp và người dân.

Như vậy, để đầu tư từ phía Nhà nước thì rất cần phải đưa ra các quy chuẩn về kỹ thuật, việc này đang thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính. Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính để trình Chính phủ đưa ra những quy chuẩn và dựa vào quy chuẩn đó Bộ Công thương sẽ đề xuất mức cụ thể, chủng loại hàng cụ thể để dự trữ. Bên cạnh việc triển khai đầu tư của Nhà nước vào hệ thống dự trữ xăng dầu trên cơ sở quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền chúng ta cũng sẽ ban hành những cơ chế để thu hút đầu tư của xã hội trong lĩnh vực này.

Điều quan trọng nhất là phải sửa đổi biểu giá cho thuê và thuê hạ tầng, bởi vì như các đại biểu cũng đã thấy, một vài lần tôi báo cáo là biểu thuê quá thấp, thấp tới mức chỉ đạt khoảng 15-20% so với mức mặt bằng giá của thị trường hiện nay, thì không đủ khuyến khích cho bất kể một đối tượng nào, kể cả là doanh nghiệp Nhà nước được giao nhiệm vụ này thì càng làm cũng càng lỗ, đây là một vấn đề rất cần phải sửa.

Tóm lại, việc điều chỉnh và điều hành xăng dầu trong 2 năm qua là rất ổn, do chúng ta đã điều chỉnh cơ chế giá, điều chỉnh từ 10 ngày xuống còn 7 ngày. Như vậy là biên độ dao động giữa giá trong nước với giá thế giới là không lớn. Ngoài ra, cũng đã có cơ chế điều chỉnh chi phí thực tế phát sinh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu từ 6 tháng xuống 3 tháng, thậm chí là khi có những biến động lớn thì Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh để cập nhật chi phí thực tế phát sinh cho các doanh nghiệp để bảo đảm là các doanh nghiệp không lỗ. Do vậy, đến thời điểm này thì mọi thứ hoạt động tương đối tốt.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tranh luận: Tôi rất trân trọng những ý kiến trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực mà tôi đề xuất là giảm thuế VAT 10% đối với người tiêu thụ điện, đây cũng là bức xúc và đề xuất của người dân. Tại vì tiêu thụ điện, tiêu thụ nước là hai lĩnh vực dịch vụ này không thể không sử dụng. Công ty điện lực thu tiền điện chung, người dân đâu biết trong đó có cộng thuế VAT, cứ cho rằng đây là tiền điện cao.

Tôi đồng ý với Bộ trưởng rằng thuế là nguồn thu chủ yếu của Nhà nước, nhưng Nhà nước cũng thu thuế rất là nhân văn. Còn tinh thần cầu thị của Bộ Công Thương về việc sửa đổi bậc thang giá điện là người dân rất đồng tình, ất là ủng hộ, cho nên là đề xuất với Bộ trưởng Bộ Tài chính nghiên cứu lĩnh vực này.

Đối với việc bình ổn giá xăng dầu, giá xăng dầu hiện nay là đã bình ổn rồi. Phải nói rằng điều hành của Bộ Công Thương cũng như Bộ Công Thương và Bộ Tài chính trong thời gian rất tốt, người dân rất đồng tình.

Nhưng từ đầu năm tới nay, thậm chí trong năm 2023 cũng chưa sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, do điều hành 7 ngày một lần, có điều chỉnh liên tục nên giá xăng dầu của chúng ta hiện nay tương đương với giá thị trường rồi. Cho nên theo tôi có nên duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện tại nữa không? Tại vì quỹ là người dân tham gia đóng góp mà hiện nay không còn sử dụng tới và để cho doanh nghiệp sử dụng, có khi doanh nghiệp. Đề xuất hai Bộ trưởng nghiên cứu là sắp tới đây có thể đề xuất với Chính phủ và Quốc hội không sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu nữa để người dân không phải tham gia đóng góp nữa không?

Đại biểu Trần Hữu Hậu - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tranh luận: Rất cảm ơn Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ Công Thương đã ủng hộ kiến nghị của tỉnh Tây Ninh và tôi xin nói rõ thêm về hai nội dung mà Bộ trưởng nêu.

Thứ nhất, về việc bảo vệ nông dân trồng mía trong nước khi mà nhập mía cây từ Campuchia về thì xin nói luôn là mía cây chỉ bị cấm khi đưa vào cửa khẩu phụ, còn qua cửa khẩu chính và cửa khẩu quốc tế thì bình thường. Như vậy, việc không cho qua cửa khẩu phụ là không có ý nghĩa gì cho vấn đề này cả.

Thứ hai, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2023/2024, dự kiến có 24 nhà máy đường hoạt động với công suất thiết kế là 122.000 tấn/ngày. Nguyên liệu cần cho các nhà máy hoạt động khoảng trên 18 triệu tấn/vụ. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê năm 2023 của Tổng cục Thống kê thì diện tích mía trồng trên cả nước là 175.000 ha, sản lượng mía dự kiến là gần 12 triệu tấn. Như vậy, lượng mía nguyên liệu còn thiếu một phần ba công suất chế biến. Để đảm bảo cho các nhà máy hoạt động theo công suất thiết kế thì cần bổ sung thêm khoảng 6,5 triệu tấn trong vụ này.

Thứ ba, với Tây Ninh thì việc sang Campuchia trồng là việc “cực chẳng đã” do cạnh tranh giữa mía, sắn với cao su có giá trị cao hơn vào năm 2012, nay đã bị chính cây sắn và nhiều cây khác lấn lướt do hiệu quả cao, làm giảm diện tích cây mía tại Tây Ninh, không đủ nguyên liệu cho hoạt động của các nhà máy.

Thứ tư, việc các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân tỉnh Tây Ninh trồng mía ở Campuchia là thực hiện chương trình hợp tác giữa Tây Ninh và các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia và Thông tư số 201 năm 2012 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chính sách thuế đối với hàng nông sản chưa qua chế biến do Việt Nam hỗ trợ đầu tư trồng từ Campuchia nhập khẩu về nước. Từ năm 2012, họ đã hỗ trợ đầu tư trồng mía bằng hình thức mang vốn giống cây trồng, phân bón, con người sang canh tác trên khu vực đất trống thuộc các tỉnh giáp biên, đến cuối vụ họ đưa phương tiện và nhân công sang Campuchia để thu hoạch và vận chuyển cây mía về Tây Ninh để cung cấp cho các nhà máy sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh. Do đó, về bản chất không phải là hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới theo hợp đồng thương mại. Vì vậy, chúng ta càng cần linh động để giảm bớt các quy định không phù hợp.

Tiếp theo nữa, về lo ngại về gian lận thương mại, mặt hàng mía cây từ Campuchia nhập vào Việt Nam không chịu bất cứ loại thuế nào. Bộ Quốc phòng trong ý kiến gửi Bộ Công Thương trước đó, các cửa khẩu Vạc Sa, Vàm Trảng Trâu, Long Phước là loại hình cửa khẩu phụ hiện nay đảm bảo có đủ lực lượng kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành, điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho quản lý nhà nước tại cửa khẩu. Như vậy, mặc dù là cửa khẩu phụ, mía cây vẫn làm đầy đủ thủ tục như cửa khẩu chính và cửa khẩu quốc tế, có điều kiện để ngăn ngừa các hành vi thương mại, gian lận thương mại.

Bộ Công Thương có đầy đủ cơ sở, có thể xem xét cho phép Tây Ninh mà không cần phải xem xét, phải chờ Nghị định sửa Nghị định 14/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới. Bởi vì, căn cứ vào Khoản c, Điều 3 Thông tư số 01/2018 của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện Nghị định 14 năm 2018 quy định: Đối với hàng hóa phục vụ sản xuất trong nước không thuộc Danh mục hàng hóa quy định tại Phụ lục 1 ban hành theo Thông tư này chỉ được phép nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nằm ngoài khu kinh tế cửa khẩu trong thời gian cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh thông báo, sau khi xin ý kiến Bộ Công Thương. Như vậy, Thông tư đã để sẵn một lối mở cho trường hợp ngoại lệ, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh có thể đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Công Thương có thể cho phép hàng hóa nằm ngoài danh mục được phép nhập khẩu qua cửa khẩu phụ trong một thời gian cụ thể. Mía cây từ Campuchia về nhà máy chỉ trong thời gian cụ thể là từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, phù hợp với điều kiện cho trường hợp ngoại lệ nói trên. Với những căn cứ như trên, chúng tôi kính đề nghị Bộ trưởng và quý Bộ nhanh chóng xem xét và tháo gỡ cho ngành mía đường Tây Ninh.

Đại biểu Lý Văn Huấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Hàng hóa nông sản của nước ta được đánh giá là rất đa dạng và phong phú nhưng khó thâm nhập vào thị trường các nước châu Âu cũng như một số thị trường các nước khó tính. Vậy Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân chính của tồn tại này? Giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới? Câu hỏi này tôi cũng xin gửi tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Vấn đề năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, và hiện nay các nguồn năng lượng này đang được phát triển mạnh ở nhiều nơi. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách pháp luật còn chưa hoàn thiện, chưa phù hợp với thực tế, nhất là các vấn đề liên quan đến mua bán điện, đấu nối với hệ thống truyền tải, đền bù giải phóng mặt bằng,… Đặc biệt, như Đắk Nông còn rất vướng về quy hoạch khoáng sản, nếu không tháo gỡ, khắc phục thì sẽ ảnh hưởng chung đến chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, trong đó có mục tiêu là phát thải ròng bằng không vào năm 2050 như cam kết của Chính phủ đối với quốc tế. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm về việc phát triển năng lượng tái tạo, những tồn tại nêu trên được tháo gỡ như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương tranh luận: Xin cảm ơn Bộ trưởng đã có câu trả lời cho cử tri về chính sách sử dụng điện dôi dư sắp tới, nghĩa là sẽ có Nghị định để tiêu thụ được 20% sản lượng điện, nhưng ở đây ý cử tri muốn hỏi là giải quyết lượng điện dôi dư từ các hộ gia đình cho các hộ xung quanh để được sử dụng, nghĩa là bán điện cho các hộ xung quanh chứ không phải là là bán theo điện kinh doanh. Hiện nay phần điện dôi dư mà các hộ gia định đang thực hiện đưa lên hòa lưới bán cho EVN không được thanh toán, cũng là nguồn lãng phí, thì lượng này có được bán cho các hộ gia đình xung quanh để hạn chế được sự lãng phí không?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời:

1. Liên quan đến chất vấn về an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng, tôi xin báo cáo, theo Quy hoạch điện VIII thì chúng ta còn 6 năm nữa, tức đến năm 2030 phải đạt tổng công suất đặt hệ thống là 150.489 MW, tức là gấp 2 lần công suất chúng ta đang có.

Mặt khác, để đạt được mục tiêu trung hòa carbon ở năm 2050, Việt Nam vừa phải nâng về quy mô nhưng đồng thời cũng phải thay đổi về cơ cấu các nguồn điện, theo đó thì tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và phải giảm điện có nguồn gốc hóa thạch.

Hiện nay, để thực hiện quy hoạch này, Bộ Công Thương đang tích cực tham mưu cho Chính phủ ban hành những cơ chế, chính sách nhằm được những mục tiêu trên.

Việt Nam đúng là có tiềm năng về năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế kỹ thuật hiện nay thì chúng ta không thể nâng tỷ trọng năng lực tái tạo quá khả năng kỹ thuật và kinh tế của Việt Nam. Vì năng lượng tái tạo mà quá cao thì mất an ninh, an toàn hệ thống điện, như tôi đã báo cáo, lúc có nắng, có gió thì có điện mà không có nắng, có gió thì lấy đâu ra để mà cung ứng.

Về mặt kỹ thuật chúng ta hoàn toàn có thể nâng năng lượng tái tạo nếu chúng ta đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện, đầu tư vào hệ thống truyền tải điện, nhất là lưới điện thông minh, đầu tư vào công nghệ mới như sản xuất hydrogen, amoniac xanh để có nguồn điện sạch.

Tuy nhiên, về mặt kinh tế nếu làm như vậy thì giá thành điện năng sẽ không thể như hiện nay, sẽ phải gấp cả chục lần so với giá hiện hành. Như vậy không phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng sử dụng điện. Mặt khác, để phát triển năng lượng tái tạo thì chúng ta phải áp dụng công nghệ mới, trong khi công nghệ mới thì chúng ta không sở hữu mà phải đi mua và như vậy ta phải mua công nghệ mới, thiết bị mới phải đi vay vốn để mà đầu tư.

Ở một khía cạnh khác, trong lĩnh vực công nghệ mới thì giảm suất đầu tư là rất lớn. Qua theo dõi thực tế, mỗi năm giảm suất đầu tư trong lĩnh vực công nghệ mới từ 8-10%, thậm chí là 12%. Như vậy, nếu chúng ta đầu tư vào năng lượng mới một cách quá mức, quá nhanh thì chỉ sau 4-5 năm chúng ta mất đi suất đầu tư một nửa mà nghĩa vụ trả nợ vẫn còn nguyên. Cho nên đây là một vấn đề cần phải cân nhắc để vừa thực hiện được mục tiêu đáp ứng đủ năng lượng nhưng cũng vừa chuyển dịch một cách hợp lý, công bằng chứ không thể thực hiện một cách đơn thuần theo cam kết nếu không có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Do vậy, trong Quy hoạch điện VIII đã xác định rất rõ cơ cấu các nguồn điện, lộ trình chuyển đổi; xác định rất rõ những cơ chế chính sách đang làm, trong đó có những chính sách như là mua bán điện trực tiếp, phát triển điện mặt trời mái nhà, ban hành khung giá điện theo giờ, giá điện hai thành phần,… có rất nhiều cơ chế để làm.

Liên quan đến vấn đề quy hoạch khoáng sản, nhất là bô-xít ở khu vực Tây Nguyên, vấn đề này Bộ Công Thương cũng đã đề cập trong báo cáo với Chính phủ khi xem xét phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Để giải quyết khó khăn cho vùng Tây Nguyên cũng như các địa phương có quy hoạch khoáng sản, chúng tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh để các dự án năng lượng tái tạo có trong quy hoạch được duyệt thì sẽ được đưa vào diện dự trữ đất khoáng sản và hoàn toàn có thể được triển khai.

2. Vấn đề thứ hai của đại biểu Lý Văn Huấn - Thái Nguyên chất vấn về hàng nông sản Việt khó thâm nhập thị trường cao cấp, nguyên nhân vì sao và giải pháp thế nào, tôi xin được báo cáo, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng sản xuất nông nghiệp, nhất là những sản phẩm nhiệt đới rất phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trên thế giới.

Từ khi mở cửa, nhất là khi Việt Nam tham gia WTO và các Hiệp định thương mại tự do thì nông sản Việt đi vào thị trường thế giới ngày càng nhiều, tốc độ tăng từ 20-25% và giá trị thì cũng tăng theo đó.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận là nông sản Việt mới chỉ vào được ở các thị trường dễ tính, trong khi các thị trường dễ tính thì cũng dần trở nên khó tính, Trung Quốc, Ấn Độ hay các nước xung quanh ta cũng đang dần khó tính, chưa nói rằng Hoa Kỳ và EU thì rất là khó tính, trong khi các thị trường khác vào khó là vì 5 lý do sau đây:

Một là, quy mô sản xuất chúng ta nhỏ, phương thức lạc hậu cho nên sản phẩm sản lượng thấp, chất lượng không ổn định, thậm chí không đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu dùng.

Hai là, thiếu quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và chưa áp dụng công nghệ theo tiêu chuẩn.

Ba là, sản phẩm chúng ta xuất chủ yếu là thô và sơ chế chứ chưa qua chế biến nhiều cho nên giá trị chưa cao, chưa đủ sức cạnh tranh.

Bốn là, doanh nghiệp và sản xuất hoạt động thiếu tinh doanh nghiệp, tức là muốn xuất khẩu tiểu ngạch hơn là xuất khẩu chính ngạch, không chú ý đến khâu xây dựng thương hiệu, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, thậm chí là không muốn giữ thị trường, chiếm được thị trường đã khó nhưng mà sẵn sàng từ bỏ thị trường.

Bằng chứng là gạo của Việt Nam vào được kệ hàng của châu Âu là rất khó nhưng vì bán được sản lượng thấp cho nên doanh nghiệp người ta sẵn sàng không bán cho Châu Âu, không bán cho Hoa Kỳ mà bán cho Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước dễ tính hơn để bán được sản lượng nhiều hơn thì đây là vấn đề rất khó, đánh đồn đã khó nhưng giữ đồn còn khó hơn. Thế như vậy là các doanh nghiệp xuất khẩu chúng ta không làm được việc này, thiếu tính chuyên nghiệp.

Năm là, thiếu sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện mục tiêu xuất khẩu chính ngạch, đề án xuất khẩu chính ngạch đã được Chính phủ thông qua nhưng mà chưa được thực hiện một cách triệt để.

Thời gian tới, Bộ Công Thương đề nghị chú trọng quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, áp dụng công nghệ sản xuất để có sản phẩm đủ lớn và đạt tiêu chuẩn. Thứ hai, địa phương, doanh nghiệp sản xuất chú trọng xây dựng và củng cố thương hiệu sản phẩm quốc gia thay vì sản phẩm và thương hiệu địa phương và doanh nghiệp. Chú ý cấp mã số vùng trồng, bảo vệ, bảo hộ thương hiệu; bảo hộ chỉ dẫn địa lý và chất lượng sản phẩm. Thứ ba, thay đổi tập quán sản xuất từ có gì bán nấy sang sản xuất hàng hóa. Người sản xuất phải trả lời được các câu hỏi làm cái gì, bán ở đâu, cho ai và giá bao nhiêu, từ xuất khẩu tiểu ngạch phải sang xuất khẩu chính ngạch. Thứ tư, các Bộ, ngành, các địa phương phải giúp nhiều hơn các doanh nghiệp trong việc khai thác, tận dụng các FTA và Bộ Công Thương thì sẵn sàng giúp quảng bá thương hiệu sản phẩm, kết nối cung cầu thông qua các Thương vụ của Việt Nam tại 90 nước và vùng lãnh thổ và chúng tôi sẽ làm tốt hơn việc cảnh báo sớm và tham gia hỗ trợ phòng vệ thương mại.

3. Liên quan đến chất vấn của đại biểu Hòa (Đồng Tháp), trước khi trả lời đại biểu Hòa, tôi xin nói rõ thêm với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc là tôi không và chưa bao giờ đề nghị Bộ Tài chính xem xét bỏ thuế VAT trong hóa đơn tiền điện. Tôi đã báo cáo với Quốc hội và đại biểu Hòa rằng tôi hiểu quy định của luật, thuế VAT được áp dụng với tất cả các hàng hóa, dịch vụ khi giao dịch để bảo đảm công bằng giữa các đối tượng khách hàng và Nhà nước thì có nguồn thu ngân sách để chi bảo đảm xã hội và chi quản lý chuyên ngành, trong khi thuế thì thuộc quyền quản lý và tham mưu của Bộ Tài chính. Vì vậy, tôi có nhờ Bộ trưởng Bộ Tài chính giải thích giúp tôi.

Ở góc độ của ngành Công Thương và theo tôi thì không nên bỏ thuế này trong hóa đơn tiền điện, bởi vì:

Thứ nhất, để bảo đảm công bằng giữa các đối tượng và thống nhất trong thực hiện Luật thuế và để làm tốt việc này thì phải làm tốt hơn việc tuyên truyền, giải thích rõ về chính sách thuế, nhất là chính sách VAT trong hóa đơn tiền điện.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, nếu cần thì có hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn thuộc các đối tượng chính sách để mức hỗ trợ cao hơn.

4. Liên quan đến vấn đề bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, về nguyên tắc thì chúng tôi cũng đồng tình là trong tương lai phải xem xét bỏ để bảo đảm tính thị trường. Nhưng chúng ta cũng phải hiểu là Quỹ BOG xăng dầu hiện nay thực chất là ngoài ngân sách do người tiêu dùng đóng góp và ủy thác cho doanh nghiệp đầu mối thu và gửi vào tài khoản của ngân hàng. Thời gian qua có một số bất cập trong quản lý, sử dụng quỹ này, cho nên xảy ra những vấn đề như vậy.

Theo dự thảo mới Bộ Công Thương đã trình Chính phủ xem xét để quyết định trong một số ngày tới, trong ngắn hạn vẫn phải giữ Quỹ BOG xăng dầu vì Nhà nước cũng cần phải có chế tài, có cơ chế để điều chỉnh bình ổn mặt hàng chiến lược này, nhưng phải thực hiện nghiêm theo Luật Giá, theo đó chỉ điều chỉnh khi có biến động lớn về giá thì Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Hoặc là khi cấp có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp thì cũng mới được áp dụng Quỹ này. Như vậy quản lý sẽ chặt hơn và việc sử dụng Quỹ này cũng hiệu quả hơn.

5. Về tranh luận đại biểu Hữu Hậu, từ đầu tôi đã nói là Bộ Công Thương, một số Bộ, ngành liên quan và cá nhân tôi không phản đối đề xuất của Tây Ninh, bởi hơn 10 năm trước Việt Nam chưa rõ tên trong bản đồ xuất khẩu mà nay chúng ta đã là một trong 20 cường quốc xuất khẩu, cho nên các doanh nghiệp của chúng ta cũng phải nhập nhiều nguyên liệu ở các lĩnh vực để sản xuất và xuất khẩu chứ không phải chỉ riêng lĩnh vực này.

Thứ hai, trong kinh tế thị trường, vấn đề cuối cùng là hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, hơn nữa nền kinh tế Việt Nam là kinh tế mở, do đó ai làm gì tốt, hiệu quả thì làm; không tốt, không hiệu quả thì bỏ. Điều đó còn đúng với cam kết quốc tế nữa. Vì vậy việc cho nhập khẩu trong ngắn hạn nguyên liệu mía để làm đường, duy trì sản xuất đường trong nước là cần thiết. Tới đây, chúng tôi sẽ thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Mía đường Việt Nam để có những đề xuất phù hợp.

Liên quan đến những tranh luận khác, do thời gian có hạn, tôi xin gửi văn bản trả lời các đại biểu sau.

Xem toàn bộ trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về lĩnh vực Công Thương tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Nhóm PV

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/truc-tiep--bo-truong-nguyen-hong-dien-tra-loi-chat-van-cac-noi-dung-thuoc-linh-vuc-cong-thuong-125574.htm