Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Bản sắc, thương hiệu Kinh tế quốc dân cần nối tiếp và phát huy khi trở thành 'Đại học'

Sáng ngày 12.1, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức Lễ công bố Quyết định chuyển 'Trường Đại học Kinh tế quốc dân' thành 'Đại học kinh tế Quốc dân', Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tới dự và phát biểu chỉ đạo.

 Các đại biểu lãnh đạo và giảng viên, sinh viên tới dự lễ công bố chuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc dân (Ảnh: Trần Hiệp)

Các đại biểu lãnh đạo và giảng viên, sinh viên tới dự lễ công bố chuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc dân (Ảnh: Trần Hiệp)

Dấu mốc thể hiện vai trò của Nhà trường

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơnchúc mừng Đại học Kinh tế Quốc dân (KTQD) đã hoàn thành việc chuyển đổi từ trường đại học sang mô hình đại học.

“Ngày hôm nay sẽ đi vào lịch sử trong phát triển của Nhà trường như một dấu mốc đậm nét lịch trình phát triển, lịch trình đổi mới và thể hiện vai trò của Nhà trường trong nền giáo dục và với toàn thể xã hội, với người dân, người học và đất nước. Từ nay, cái tên "Đại học Kinh tế Quốc dân" sẽ thay thế cho "Trường Đại học Kinh tế Quốc dân". Sự khác biệt chỉ ở chỗ bớt đi một từ đầu tiên trong cái tên, nhưng mở đường cho chữ Đại lên đầu và giúp trường hướng tới cái "ĐẠI" trên mọi phương diện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đại học Kinh tế Quốc dân là một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Việt Nam nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh với 88 ngành ở trình độ đại học, 70 ngành trình độ sau đại học, hàng năm, trường đào tạo hơn 40.000 sinh viên và học viên; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm các chuyên gia, nhà quản lý và nhà khoa học, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội từ Trung ương đến địa phương, cũng như đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân đã từng bước khẳng định vị thế và uy tín của mình như một trung tâm nghiên cứu, đào tạo hàng đầu về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh tại Việt Nam.

“Với uy tín và vị thế của mình, Đại học Kinh tế Quốc dân đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho các mối quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế sâu rộng trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn. Trường cũng đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ giáo dục toàn cầu” – Bộ trưởng khẳng định.

 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thay mặt Chính phủ trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc (Ảnh: Trần Hiệp)

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thay mặt Chính phủ trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc (Ảnh: Trần Hiệp)

Không nên xa rời mục tiêu và sứ mệnh chính của mình

“Đại học” và “Trường đại học” khác nhau ở những điểm nào? Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Vấn đề then chốt không phải ở chỗ to hay nhỏ. Trường đại học cũng có thể phát triển quy mô rất lớn và cũng có thể có kết quả nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế.

Đại học quan trọng ở chỗ nó là một thực thể lớn với cấu trúc bên trong đòi hỏi khả năng và trình độ quản trị đại học cao, hướng tới sự phát triển, thể hiện khát vọng phát triển và lớn mạnh.

Đại học cho phép phát huy quyền tự chủ và sự năng động. Quyền tự chủ có thể thực hiện tới tận đơn vị cấp thấp nhất và tới các các nhóm chuyên môn, các nhà khoa học. Nếu thiết kế mô hình tổ chức không hướng tới được sự giải phóng năng lực sáng tạo từ bên trong của cơ sở giáo dục, thì sự chuyển đổi mô hình không đem lại mấy giá trị.

Mô hình tổ chức và quản trị nội bộ mới mà Nhà trường lựa chọn tạo khả năng lớn hơn, cho phép giải phóng từ bên trong, khai phóng ở chiều sâu, đưa tự chủ đại học đi tới hiệu quả cao hơn”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: "Mô hình đại học là mô hình quản trị nội bộ hướng tới phát triển đa ngành, vậy nên trong định hướng phát triển thời gian tới, Đại học KTQD cần hướng tới cơ cấu đa ngành một cách hợp lý, đa ngành nhưng vẫn phát huy được lợi thế, được sở trường và sức mạnh truyền thống. Cần đứng vững trên thế mạnh truyền thống, sở trường và đặc sắc, mở rộng theo hướng các ngành có liên quan và hỗ trợ nhau thành hệ thống, đa ngành một cách hợp lý nhất trên cơ sở vẫn giữ được bản sắc và uy tín. Đa ngành không có nghĩa là tất cả những gì người khác làm thì mình cũng làm. Không nên xa rời mục tiêu và sứ mệnh chính của mình. Bản sắc và thương hiệu của Nhà trường cần nối tiếp và phát huy trong mô hình tổ chức mới.

Đại học KTQD mong muốn, lựa chọn và chuyển đổi sang mô hình phát triển mới - mô hình đại học - để thực hiện một cuộc lột xác, thay đổi về chất bên trong và hình vóc bên ngoài, quyết tâm đổi mới và phát triển, đó chính là khát vọng mới và tầm nhìn mới. Điều này khiến chúng ta tin tưởng và lạc quan với chặng đường phát triển tương lai của Đại học KTQD. Đây là điểm lớn quan trọng và rất có ý nghĩa, tôi trân trọng chúc mừng Nhà trường”.

 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Chia sẻ về bối cảnh đất nước hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đất nước đang rất khẩn trương, tích cực và quyết tâm phát triển các ngành công nghệ và kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ mới, mong sao theo kịp các nước tiên tiến. Nhưng công nghệ phát triển, sản xuất phát triển mà các lĩnh vực về quản trị, về kinh doanh, về các chính sách điều hành kinh tế từ vĩ mô tới vi mô mà không tiên tiến, không theo kịp thế giới thì hiệu lực hiệu quả của những nỗ lực trong công nghệ và kỹ thuật cũng sẽ không đem lại hiệu quả phát triển cho đất nước, thậm chí rủi ro về kinh tế còn gia tăng. Cũng giống như người vụng mà dùng công cụ quá sắc bén.

“Sứ mệnh của chúng ta trong thời đại mới, trong kỷ nguyên mới chắc chắn khác với những gì chúng ta đã từng làm trong truyền thống. Với các trường đại học khác, sản phẩm khoa học là các phát minh sáng chế, là sản phẩm khoa học và công nghệ chuyển giao, là các công bố khoa học uy tín và ảnh hưởng tầm nhân loại. Với Đại học Kinh tế quốc dân, sản phẩm rất quan trọng chính là tư vấn chính sách, là giải pháp về chính sách, là mô hình, là phương pháp quản lý tầm quốc gia với các thành tố của nền kinh tế, từ trung ương tới địa phương và doanh nghiệp”, nêu vấn đề này, Bộ trưởng cũng cho rằng, chưa cần nói tới các phát minh mới, việc học tập các nước tới nơi, tới chốn và vận dụng sáng tạo cho sự phát triển của Việt Nam đã là mảnh đất cho Đại học Kinh tế quốc dân thể hiện, khẳng định và phát triển.

 Lãnh đạo Đại học Kinh tế Quốc dân (Ảnh: Trần Hiệp)

Lãnh đạo Đại học Kinh tế Quốc dân (Ảnh: Trần Hiệp)

Hoàn thiện chiến lược phát triển

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, một trong những việc cần làm ngay của Đại học Kinh tế Quốc dân là rà soát và hoàn thiện Chiến lược phát triển dựa trên cơ sở: các chủ trương, định hướng, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của ngành Giáo dục; phát huy, duy trì thế mạnh truyền thống của Nhà trường về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, đồng thời có những chuyển đổi để phù hợp với xu thế đào tạo, nghiên cứu hiện nay ở trong nước, trong khu vực và trên thế giới, triển khai NQ 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với Nhà trường.

Về công tác tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu Đại học Kinh tế Quốc dân cần tạo cơ chế, quy định nội bộ để phát huy quyền tự chủ tốt hơn theo tinh thần Luật Giáo dục đại học, phát huy sự năng động sáng tạo của các trường thuộc, các đơn vị, bộ phận trong toàn hệ thống. Mỗi trường, mỗi đơn vị, tổ chức bên trong cần có cơ chế tự chủ phù hợp, có chức năng, nhiệm vụ riêng, không trùng lặp và phải là phần ghép hữu cơ không thể thiếu, tạo nên tổng thể của một đại học hoàn chỉnh và mạnh mẽ. Phải thiết lập một cơ chế đảm bảo tự chủ cho từng đơn vị nhưng vẫn duy trì sự thống nhất trong toàn đại học. Đồng thời, công tác tổ chức, sắp xếp phải hướng tới sự tối ưu hóa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực chung tạo ra các giá trị gia tăng và đảm bảo phát triển bền vững.

 Tập thể lãnh đạo Nhà trường và khách mời chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ (Ảnh: Trần Hiệp)

Tập thể lãnh đạo Nhà trường và khách mời chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ (Ảnh: Trần Hiệp)

Bộ trưởng cho rằng, Đại học Kinh tế Quốc dân cần xây dựng một hệ thống quản trị đại học thông minh, hiện đại, kết hợp với tự chủ đại học, phân cấp, phân quyền, chủ động đầu tư chiều sâu và tận dụng tối đa nền tảng công nghệ, trí tuệ nhân tạo.

Nhân lực khoa học chất lượng cao luôn có vai trò then chốt trong quá trình phát triển và tạo dựng uy tín của Nhà trường. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu Đại học KTQD cần phải tập trung phát triển và tạo điều kiện tốt nhất để các nhà khoa học, các chuyên gia, các cán bộ trẻ phát triển, đồng thời có chính sách phù hợp để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác và đóng góp cho sự phát triển của Nhà trường. Trong đó, cần chú trọng đến yếu tố quốc tế hóa, thu hút chuyên gia giỏi, đặc biệt là các chuyên gia có uy tín trên thế giới, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu.

Sự cạnh tranh toàn cầu và yêu cầu chuẩn hóa quốc tế cũng đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao, buộc Đại học KTQD phải có chiến lược phát triển dài hạn, đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực phát phục vụ cho sự phát triển của đất nước, đồng thời, vận hành một hệ thống quản trị phức tạp một cách hiệu quả và bền vững, đồng thời đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.

Trước đó, Đảng ủy, Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã ban hành Nghị quyết thành lập 3 trường trực thuộc theo quy định gồm Trường Kinh tế và Quản lý công, Trường Kinh doanh và Trường Công nghệ.

Sau khi thành lập 3 trường thành viên, nhà trường sẽ tiến hành mô hình quản trị mới theo hướng tăng cường chuyên môn hóa; các khoa, các trường trực thuộc sẽ tập trung chủ yếu vào công việc chuyên môn nghiên cứu, giảng dạy. Toàn bộ những công việc quản lý hành chính sẽ do các đơn vị phòng, ban chức năng đảm nhiệm. Do vậy, trường vẫn dựa theo mô hình quản lý tập trung chức năng nhưng độc lập và có sự phân cấp mạnh mẽ về mặt chuyên môn cho các trường, các khoa trực thuộc.

Hồng Hạnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bo-truong-nguyen-kim-son-ban-sac-thuong-hieu-kinh-te-quoc-dan-can-noi-tiep-va-phat-huy-khi-tro-thanh-dai-hoc-post401813.html