Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cần đưa việc dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Trả lời trước Quốc hội sáng 20-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cần đưa việc dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Sáng 20-11, bắt đầu đợt 2 của kỳ họp thứ sáu, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV.
Dự phiên họp có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.
Cơ bản đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân
Theo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.751 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt 99,5%.
Thảo luận ở hội trường, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) cho rằng, sự quyết tâm của Quốc hội đã tác động tới chuyển động, phối hợp của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương trong việc xem xét, nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị của cử tri và đã có những thay đổi tích cực. Nhận thức của các địa phương liên quan đến công tác tiếp nhận, xử lý các ý kiến, kiến nghị cử tri được coi trọng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, đánh giá kết quả trong thực hiện nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực mình. Điều này thể hiện tính cầu thị, trách nhiệm trong tiếp thu của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước.
“Việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết kịp thời các kiến nghị của cử tri đã góp phần quan trọng trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, giải quyết căn cơ tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài vượt cấp, làm mất an ninh trật tự ở cơ sở”, đại biểu Đặng Bích Ngọc nói.
Qua theo dõi cũng như các đợt tiếp xúc cử tri tại địa phương, đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) nhận thấy cử tri đánh giá cao trách nhiệm của Quốc hội cũng như người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các nội dung giải quyết trả lời ý kiến đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu, mong đợi của cử tri và nhân dân. Một số kiến nghị cụ thể của cử tri được các bộ, ngành nghiên cứu đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ những vấn đề cử tri địa phương quan tâm.
Tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp
Bên cạnh kết quả đã đạt được, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, vẫn còn nhiều trường hợp trả lời cử tri chưa cụ thể, chưa thiết thực, không đủ sức thuyết phục, chưa thể hiện hết trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến phát sinh đơn thư khiếu kiện.
Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) phản ánh, vẫn còn một số vụ việc cử tri kiến nghị trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ đến nay chưa được xem xét giải quyết. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chưa chặt chẽ, chưa có lộ trình giải quyết dứt điểm những vụ việc liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, ngành. Một số vấn đề được Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh gửi văn bản riêng tới các bộ, ngành, được Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, đôn đốc, nhưng chưa được các bộ, ngành trung ương quan tâm trả lời.
“Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng như từng đại biểu Quốc hội nói riêng”, đại biểu Dương Văn Phước nói.
Nhận định việc cử tri còn nhiều kiến nghị một phần do công tác phổ biến pháp luật đang gặp nhiều khó khăn, bất cập, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa thực sự thấy được tầm quan trọng của việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng còn bị xem nhẹ; nguồn nhân lực cho nhiệm vụ này cũng đang thiếu và yếu…
Từ những vấn đề còn tồn tại trên, các đại biểu Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường rà soát, đôn đốc xử lý phản hồi thông tin trước, trong và sau khi tiếp xúc cử tri, nhất là trong các vụ việc kéo dài, kiến nghị nhiều lần vẫn chưa giải quyết. Cơ quan có thẩm quyền cần có giải trình, đưa ra lộ trình giải quyết cho cử tri, để nhân dân có thể giám sát. Đồng thời, Chính phủ, các bộ ngành cần trả lời, giải đáp thỏa đáng những ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri; tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị cử tri, nhất là kiến nghị liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ chủ quản.
Tập trung bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Trực tiếp trả lời một số kiến nghị của cử tri được đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, kiến nghị cử tri không đơn thuần là kiến nghị, mà còn cung cấp thông tin cho công tác quản lý, điều hành. Bộ trưởng cho rằng, cách thức truyền tải thông tin về các kiến nghị cần có kênh liên lạc nhanh hơn, giúp các đại biểu Quốc hội truyền tải đến cử tri thông tin chỉ đạo điều hành kịp thời hơn.
Về hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do dịch bệnh, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết có những lúng túng nhất định khi thiết kế chính sách, bởi vừa phải bảo đảm tạo điều kiện tiếp cận cho người dân, vừa tránh lợi dụng chính sách, cân đối nguồn lực nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở một số cơ sở y tế, hiện nay, các vướng mắc về nguồn cung, cơ chế, chính sách đều đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, nhiều cán bộ ở cơ sở còn lúng túng trong việc triển khai đấu thầu, việc phân cấp, phân quyền ở địa phương còn bất cập, chưa bảo đảm rút gọn quy trình thủ tục, dẫn đến kéo dài thời gian. Bộ trưởng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát lại để bảo đảm quản lý được nhưng vẫn trao quyền chủ động cho các cơ sở, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện.
Đối với kiến nghị về dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, việc học tập ngoài nhà trường là một nhu cầu thực tế của người học. Bộ đã có nhiều văn bản quy định kiểm soát dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ nhà trường, tuy nhiên, đối với vấn đề ngoài nhà trường, hiện Bộ còn thiếu cơ sở pháp lý để quản lý, điều tiết, giám sát, xử lý. Do đó, bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền địa phương phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm soát vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đồng tình với kiến nghị cần đưa việc dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý nhằm kiểm soát, xử lý vi phạm.
Về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã giao trực tiếp cho Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và các ngành và đang triển khai các phương án khác nhau. Tuy nhiên tình hình vừa qua chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí là có tăng. Do vậy, trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn các ngành, với chức năng của mình, đặc biệt là trong Chương trình hành động quốc gia bảo vệ trẻ em đã ban hành và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm nếu có.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đã có 22 đại biểu tham gia phát biểu, 1 đại biểu tham gia tranh luận, 5 bộ trưởng, trưởng ngành đã phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.