Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dự Hội nghị thượng đỉnh giáo dục tại Hoa Kỳ
Hội nghị với mục tiêu chung là huy động ý chí chính trị và cam kết cho giáo dục với 2 mục tiêu cụ thể, đó là tăng cường và đẩy nhanh việc thực hiện các hiệp định đa phương hiện có, đồng thời hỗ trợ thiết lập các lĩnh vực trọng tâm với các nguồn lực từ Ban Chỉ đạo cấp cao Mục tiêu phát triển bền vững số 4 (SDG4).
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã dự Hội nghị thượng đỉnh giáo dục tại New York (Hoa Kỳ), được tổ chức trong 3 ngày, từ 16 đến 19/9, do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres chủ trì.
Hội nghị với mục tiêu chung là huy động ý chí chính trị và cam kết cho giáo dục với 2 mục tiêu cụ thể, đó là tăng cường và đẩy nhanh việc thực hiện các hiệp định đa phương hiện có, đặc biệt là Chương trình nghị sự 2030 và thúc đẩy hành động ở cấp quốc gia và toàn cầu, đồng thời hỗ trợ thiết lập các lĩnh vực trọng tâm với các nguồn lực từ Ban Chỉ đạo cấp cao SDG4.
Định hình cách nhìn mới về tương lai giáo dục
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng, giáo dục hiện nay đang trong giai đoạn khủng hoảng với nhiều thách thức. Thay vì là nền tảng kiến tạo, giáo dục lại đang gây chia rẽ trên thế giới. Để hiện thực hóa tầm nhìn đối với giáo dục trong thế kỷ 21, ông António Guterres đưa ra đề xuất 5 điểm để các nước thành viên Liên Hợp Quốc quan tâm và có cam kết mạnh mẽ.
Đó là bảo đảm quyền đối với giáo dục cho tất cả, nhất là trẻ em gái; quan tâm đến vai trò và kỹ năng của giáo viên - mạch sống của hệ thống giáo dục; đảm bảo trường học có không gian an toàn, lành mạnh, không có bạo lực, định kiến; tất cả người học được hưởng lợi từ cuộc cách mạng số; bảo đảm tài chính cho giáo dục và đoàn kết quốc tế.
Nhân dịp này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi các đối tác phát triển tăng cường hỗ trợ, dành tối thiểu 15% ODA cho giáo dục. Các thể chế tài chính quốc tế cần tạo điều kiện cho các nước đang phát triển có thêm nguồn lực để đầu tư cho giáo dục.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Trưởng đoàn Việt Nam đã có đóng góp quan trọng tại phiên thảo luận với chủ đề “Chuyển đổi giáo dục để chuyển đổi thế giới: Học tập để chung sống bền vững”.
Bộ trưởng thông tin, tại Việt Nam, trong hơn hai năm qua, những ý chí, nỗ lực, sự bền bỉ của học sinh, thầy cô, nhà trường đã giúp sự nghiệp giáo dục được tiếp tục phát triển, đồng thời hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến giáo dục.
Bộ trưởng cũng cho rằng, việc phải đối mặt và vượt qua thách thức do đại dịch mang lại đã giúp thế giới định hình những cách nhìn mới về tương lai của giáo dục. Công cuộc chuyển đổi giáo dục cần phải tăng tốc hơn nữa, kết hợp các phương pháp tối ưu trước và trong khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Việc đầu tiên cần làm là bù đắp những khoảng trống giáo dục do ảnh hưởng của việc đóng cửa trường học trong thời gian dài.
Thứ hai, nền giáo dục các nước cần một mạng lưới kết nối mạnh mẽ để tối ưu hóa tiềm năng và bảo đảm rằng không ai bị sót lại phía sau; thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ tư vấn về sức khỏe tinh thần, kỹ năng bậc cao cho học sinh để kết nối, cộng tác và tạo ra những giá trị mới .
Thứ ba, thông qua đối thoại chính sách, chia sẻ kiến thức và học hỏi lẫn nhau, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn những kinh nghiệm quốc tế về ứng phó và phục hồi sẽ được phổ biến nhanh chóng, kịp thời và các sáng kiến đổi mới sáng tạo cũng từ đó được nhân rộng.
Sau 2 năm khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, đây là thời điểm giáo dục cần phát huy sứ mệnh của mình để trang bị kiến thức, kỹ năng cho thế hệ công dân hiện tại và tương lai, vượt qua những thách thức mà thế giới phải đối mặt.
Phát triển giáo dục một cách bền vững
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu 3 ý kiến nhằm góp phần thúc đẩy vào quá trình phát triển giáo dục một cách bền vững của các quốc gia.
Thứ nhất là thu hẹp những khoảng cách về bất bình đẳng. Việt Nam đã đạt được phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, bảo đảm chất lượng giáo dục, sự hòa nhập và công bằng ở tất cả các cấp học là mục tiêu quan trọng trong tầm nhìn ở giai đoạn tới.
Thứ hai là cần hướng tới khả năng cộng tác, kết nối và kiến tạo của giáo viên để giúp học sinh hiện thực hóa tiềm năng của mình.
Thứ ba, bảo đảm những giá trị cốt lõi của giáo dục, trợ giúp học sinh định hướng bản thân, xây dựng nền tảng vững chắc với những giá trị căn bản mà các em sẽ trân trọng trong suốt cuộc đời của mình.