Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Giáo dục có tôn nghiêm hiệu quả giáo dục mới tốt
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Giáo dục có tôn nghiêm thì hiệu quả giáo dục mới tốt, sự dạy dỗ đối với con người mới hiệu quả.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ về lực lượng nhà giáo, sự đồng hành cùng đội ngũ, cũng như gửi gắm mong mỏi tới đội ngũ nhà giáo trên cả nước.
Ấn tượng, tự hào với sức sáng tạo, sự đổi mới của nhà giáo
- Bộ trưởng đánh giá thế nào về chất lượng của lực lượng nhà giáo hiện nay?
Có thể nói, chưa bao giờ ngành Giáo dục có được một lực lượng nhà giáo đông đảo như thời điểm này, xét về số lượng, cơ cấu, quy mô từ bậc mầm non, cho tới đại học, giáo dục thường xuyên; kể cả lực lượng trực tiếp giảng dạy và quản lý.
Chúng ta vẫn nói hiện nay giáo viên đang thiếu khá nhiều, nhưng đó là xét về mặt nhu cầu để phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng và đảm nhiệm đủ người giảng dạy cho số học sinh, trẻ em ngày càng tăng.
Còn so với nhiều năm về trước, đây là giai đoạn lực lượng nhà giáo lớn mạnh, đông đảo. Đây là vốn quý nhất, tài sản lớn nhất của ngành để thực hiện những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho.
Ở thời điểm này, nhà giáo cũng được đào tạo tốt hơn hẳn so với giai đoạn trước; được đào tạo cả trong nước, ngoài nước, cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được bồi dưỡng huấn luyện về phương pháp giảng dạy, tiếp cận các phương pháp sư phạm mới, khoa học giáo dục tốt nhất của thời đại. Đặc biệt là giảng viên đại học, tỉ lệ được đào tạo ở nước ngoài, số lượng người có trình độ tiến sĩ tăng đáng kể.
Những năm gần đây, tỉ lệ trường ngoài công lập từ mầm non đến đại học cũng gia tăng đã đem lại những nhân tố mới, làm cho lực lượng nhà giáo đông đảo hơn, cho thấy sự đầu tư từ nhiều phía.
Luật Giáo dục 2019 đặt vấn đề về nâng chuẩn, đặt yêu cầu cao hơn với việc nâng cao trình độ của nhà giáo một mặt là áp lực, nhưng về tổng thể đã thúc đẩy nhà giáo nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đổi mới, cũng như về chất lượng giáo dục.
Nhìn về tổng thể, toàn bộ lực lượng vẫn giữ được tinh thần, phẩm chất, nhiệt thành của nhà giáo từ trong truyền thống. Trên 1,6 triệu nhà giáo vẫn là những người rất tâm huyết với công việc và sự nghiệp trồng người; vẫn đang tích cực khắc phục khó khăn, thách thức để vẫn yêu nghề, hy sinh vì học trò, chăm lo cho các thế hệ học trò.
Và có thể nói rằng, lực lượng nhà giáo cũng đang không ngừng thể hiện tính sáng tạo, tinh thần tự học, tự vươn lên, thích nghi với các yêu cầu của thời kỳ công nghiệp 4.0 để hoàn thành tốt công việc của mình.
Sức sáng tạo và đổi mới của nhà giáo là điều tôi rất ấn tượng và tự hào. Ví dụ trong thời gian 3 năm chống dịch Covid-19, toàn ngành chuyển sang dạy và học trực tuyến, các nhà giáo thích nghi rất nhanh với công việc, với rất nhiều sáng kiến, sáng tạo.
Khi Bộ GD&ĐT phát động cuộc thi xây dựng bài giảng điện tử để đóng góp vào kho học liệu chung thì trong thời gian rất ngắn đã có trên 40.000 bài giảng đa dạng, phong phú, thiết kế công phu được gửi về - cho thấy đội ngũ nhà giáo với sức sáng tạo mạnh mẽ.
Nhìn nhận kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà đất nước đạt được trong thời điểm hiện tại - khi chưa bao giờ đất nước có cơ đồ, tầm vóc, vị thế như hiện nay, thì trong đó có phần đóng góp của các thầy cô giáo, của lực lượng làm công tác giáo dục.
Đứng trước những yêu cầu mới của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển đất nước, tôi tin tưởng lực lượng nhà giáo sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu và hoàn toàn có thể hoàn thành được sứ mệnh của mình.
Trong lực lượng nhà giáo có nhiều tấm gương vượt lên gian khổ để đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Có thể nói, những phẩm chất tốt đẹp từ trong truyền thống cho tới ngày nay của lực lượng nhà giáo khiến tôi rất tin tưởng và tự hào.
Toàn ngành đang đứng trước thách thức rất lớn, thách thức của sự phát triển, đứng trước những áp lực của đổi mới. Nhưng những thách thức, áp lực như vậy cũng là cơ hội để nhà giáo tiếp tục đổi mới, tiếp tục phát triển, tiếp tục trưởng thành.
Thấu hiểu khó khăn, mong đợi của nhà giáo
- Là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đồng thời cũng là một Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng nắm bắt thế nào về những tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ nhà giáo?
Lực lượng nhà giáo với số lượng trên 1,6 triệu người đang làm việc trong cả khối công và tư có nhiều mong muốn.
Trước hết phải khẳng định, thời gian qua Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến giáo dục và lực lượng nhà giáo; đã đặt giáo dục ở vị trí quan trọng - là một trong 3 đột phá chiến lược để phát triển đất nước, cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển đất nước. Giáo dục là quốc sách hàng đầu, có rất nhiều những chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của giáo dục.
Ngay việc Đảng, Nhà nước đặt ra yêu cầu ngành Giáo dục phải đổi mới cũng ít nhiều có áp lực với nhà giáo nhưng cũng tạo ra những cơ hội để nhà giáo phát triển.
Vì vậy, về chế độ, chính sách, gần đây ngày càng thêm nhiều chính sách tốt để phát triển, hỗ trợ, quan tâm tới nhà giáo.
Tuy nhiên, trong công việc triển khai đổi mới, nhà giáo còn nhiều mong đợi để công việc tốt hơn.
Trong đó nhà giáo mong chờ trước hết khi đặt ra nhiệm vụ lớn, đòi hỏi cao thì mong Nhà nước có thêm những chính sách đảm bảo được đời sống của nhà giáo, nhà giáo có thể hoàn toàn sống bằng lương, chỉ làm một công việc của nhà giáo mà có thể sống được. Đặc biệt là đối với những giáo viên mới vào nghề, giáo viên trẻ.
Và có thêm những chính sách để bớt đi khó khăn cho những nhà giáo đang làm việc tại các khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Có rất nhiều nhà giáo đang cắm bản ở tạm không có nhà công vụ, trường học chưa kiên cố, dạy các lớp học 2-3 trình độ. Hoặc như ở Hà Giang vừa qua có vợ chồng thầy cô giáo trên đường đi vào trường đã xảy ra tai nạn…
Nhà giáo mong muốn cơ sở vật chất, hạ tầng dành cho phát triển giáo dục được tốt hơn, đảm bảo hơn, trường học được kiên cố hóa nhiều hơn, đỡ khó cho cả nhà giáo và cho học sinh; có thêm nhà công vụ, nhà vệ sinh, trường lớp khang trang hơn. Có như vậy công cuộc đổi mới hiệu quả hơn, thầy cô gắn bó hơn.
Nghị lực, hy sinh là câu chuyện ghi nhận nhưng chúng ta cũng phải cố gắng để đảm bảo các điều kiện tốt. Ở ngay cả những nơi chưa phải khó khăn nhưng việc đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất có mức độ cơ bản như việc trang bị phòng học bộ môn, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ dạy và học còn cần thêm nhiều nữa.
Do đó, lực lượng nhà giáo mong muốn, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm, từ cấp trung ương đến địa phương, tiếp tục có đầy đủ cơ sở vật chất để nhà giáo thực hiện tốt nhất nhiệm vụ dạy của mình, chú tâm vào chuyên môn.
Trước khi có yêu cầu về chất lượng giáo dục cao thì yêu cầu trường ra trường, lớp ra lớp phải là câu chuyện được đặt ra một cách ráo riết trong thời gian sắp tới.
Về tâm tư, nguyện vọng, nhà giáo rất mong các cấp từ trung ương đến địa phương có sự ghi nhận kịp thời, đầy đủ những đóng góp của lực lượng nhà giáo, cả với quy mô của ngành và với từng trường hợp, để nhà giáo có thể thấy những hy sinh, đóng góp của mình được ghi nhận một cách xứng đáng. Đây cũng là sự động viên về mặt tinh thần.
Qua tâm tư từ hơn 6.300 câu hỏi của giáo viên gửi về trao đổi với tôi trong dịp tôi gặp gỡ, tiếp xúc với nhà giáo đầu năm học cho thấy, nhà giáo rất mong phía xã hội, phụ huynh, cộng đồng có sự chia sẻ nhiều hơn, thấu hiểu nhiều hơn.
Thấu hiểu về công cuộc đổi mới đầy thử thách mà ngành Giáo dục và từng giáo viên đang phải làm; cái mới là công việc khó, chưa có tiền lệ nên không chỉ cần có sự cố gắng của đội ngũ giáo viên mà cần sự chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ, thấu hiểu, đặc biệt từ phía phụ huynh trong việc dạy dỗ các em và những khó khăn phát sinh.
Những bước đi chập chững trong đổi mới rất cần có sự chia sẻ, hỗ trợ từ phía xã hội, kể cả những phán xét từ phía xã hội đôi khi cũng chưa công bằng với những nỗ lực, cố gắng của nhà giáo.
Trường học là một thiết chế thuộc về cộng đồng, mà đã là cộng đồng thì ngoài việc giám sát, bên cạnh đó còn là hỗ trợ và chung tay.
Đối với ngành Giáo dục, từ trong truyền thống, nghề giáo là nghề tôn nghiêm, cao quý, nhà giáo mong rằng, nghề luôn luôn giữ được sự tôn nghiêm. Điều đó đương nhiên phải bắt đầu từ những người làm nhà giáo nhưng chỉ thế thôi chưa đủ, mà còn phải cần tinh thần từ phía xã hội.
Giáo dục có tôn nghiêm thì hiệu quả giáo dục mới tốt, sự dạy dỗ đối với con người mới hiệu quả. Trong một xã hội khi nghề nhà giáo tôn nghiêm còn là giá trị, tinh thần lành mạnh của xã hội.
Giải pháp nâng cao vị thế của nhà giáo
- Thu hút được người giỏi vào học sư phạm là một giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Bộ trưởng có thể chia sẻ giải pháp cho việc này?
Định hướng lâu dài của ngành là muốn có nền giáo dục chất lượng cao, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Muốn làm được vậy thì phải thu hút được nhiều người trẻ, người giỏi vào học sư phạm.
Để học sinh muốn thi vào sư phạm - phải làm nhiều việc, trong đó yếu tố đời sống bao giờ cũng là yếu tố ban đầu. Nghề giáo ở các quốc gia khác cũng vậy, không phải là một nghề giàu có về mặt lương và thu nhập nhưng ít nhất phải đảm bảo mức sống để người ta có thể sống bằng nghề.
Thứ hai, cần có chính sách hỗ trợ học sinh giỏi, thu hút học sinh giỏi vào học các trường đại học sư phạm bằng việc đặt hàng, hỗ trợ sinh hoạt.
Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Từ khi có Nghị định 116, việc thu hút học sinh vào học sư phạm cũng được cải thiện. Tuy nhiên, việc hỗ trợ sinh hoạt phí và đặt hàng triển khai của địa phương còn một số vấn đề vướng và hiện nay Bộ GD&ĐT đang tham mưu Chính phủ để sửa Nghị định 116 theo hướng thu hút được người giỏi vào học sư phạm nhiều hơn.
Còn một việc nữa là làm sao để thu hút được những người đam mê với ngành và người ta thấy rằng nghề giáo thực sự là một công việc vinh quang, cao quý, ở đó người giỏi được khẳng định mình và được ghi nhận.
Các trường học trong quá trình đổi mới cũng cần có những điều chỉnh để môi trường làm việc gia tăng yếu tố dân chủ để khi nhà giáo tham gia hoạt động được sáng tạo nhiều hơn, thể hiện mình tốt hơn, có cơ hội được phát triển và luôn luôn được hỗ trợ. Được quan tâm, được kỳ vọng nhưng phải được hỗ trợ, được tôn vinh.
Có rất nhiều yếu tố nhưng tôi nghĩ khi tham gia hoạt động nghề nghiệp nhà giáo được phát triển bản thân, được khẳng định mình, có đời sống tốt, phát huy được năng lực…; khi đó sẽ thu hút được nhiều hơn những người có năng lực, trình độ.
Đặc biệt là khối giáo dục đại học, nếu không thu hút được lực lượng nhân tài để bồi dưỡng, phát triển thành lực lượng chuyên gia, những nhà khoa học đầu ngành - sẽ rất khó có một nền khoa học, một nền giáo dục đại học cạnh tranh trong môi trường toàn cầu, đáp ứng nhân lực ngày càng đòi hỏi cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Như vậy, cần phải có cả cơ chế cho sự phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Cũng trong lĩnh vực giáo dục đại học, cần cơ chế trong sở hữu trí tuệ, để những sản phẩm trí tuệ được thương mại hóa phục vụ cho sản xuất, cơ chế thông thoáng vừa kích thích đổi mới sáng tạo trong nhà trường, sự đổi mới sáng tạo của từng cá nhân và đó cũng là con đường để thu hút nhân tài tham gia vào lĩnh vực giáo dục đại học.
- Một trong những động lực to lớn với nhà giáo là vị thế, niềm tự hào về nghề nghiệp. Theo Bộ trưởng, cần có giải pháp như thế nào để nâng cao vị thế của nhà giáo trong bối cảnh hiện nay?
Trong thời kỳ chuyển đổi của xã hội có những điều chỉnh của hệ giá trị, hoặc trong sự phát triển của giáo dục cũng có một bộ phận, có những người, có những việc khiến cho xã hội thấy chưa hài lòng; đương nhiên có những tổn hại đến tôn nghiêm của lực lượng nhà giáo.
Tuy nhiên, đó chỉ có tính chất bộ phận, còn với truyền thống hiếu học, với văn hóa của Việt Nam, nghề giáo vẫn là một nghề cao quý, tôn nghiêm. Vấn đề hiện nay là làm thế nào củng cố sự cao quý, tôn nghiêm đó, để trong thời kỳ thay đổi của xã hội, ngày càng xác lập và vun cao hơn sự tôn nghiêm của nghề nghiệp.
Tôi vẫn nhắc lại rằng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, bao giờ nhà giáo cũng coi đó là trách nhiệm của chính mình, bằng sự mẫu mực đạo đức, nhân cách, bằng tinh thần khoa học, tinh thần giáo dục để tự mình thuyết phục xã hội nhiều hơn.
Sự cố gắng của nhà giáo là một chuyện, cần có cả sự hỗ trợ, chia sẻ từ phía xã hội nữa.
Giá trị đạo đức nhà giáo phải là một bộ phận chấn chỉnh của toàn bộ đạo đức xã hội. Các câu chuyện ứng xử xã hội cần có sự điều chỉnh, chứ không chỉ là quan hệ phụ huynh với nhà giáo hay học sinh với nhà giáo, mà cần những điều chỉnh trong xây dựng giá trị đạo đức xã hội, những chuẩn mực.
Khi chúng ta làm tốt uốn nắn với cái chung, khi đó những giá trị tốt đẹp của hoạt động giáo dục, của nhà giáo sẽ được cải thiện.
- Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng có tâm tư, nguyện vọng gì muốn gửi gắm đến đội ngũ của mình?
Nhà giáo vốn là công việc cao quý, khó khăn, thách thức còn rất nhiều ở phía trước. Không có nghề vinh quang nào lại nhẹ nhàng, dễ dàng cả.
Trong thời kỳ chuyển đổi, đổi mới với các yêu cầu rất cao, mong toàn thể nhà giáo đã nỗ lực sẽ nỗ lực hơn nữa; tiếp tục thể hiện sự sáng tạo để ra sức hoàn thành thật tốt những mục tiêu của ngành. Thực hiện thật tốt những việc đó thì chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong công việc của mình.
Chúc tất cả các nhà giáo có một dịp 20/11 thật vui, hạnh phúc, tăng thêm yêu nghề, yêu đời, làm tốt công việc của mình.