Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Không thể 'tay không bắt chip' được
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, bán dẫn là lĩnh vực mới, muốn có nhân lực chất lượng cao cần có sự đầu tư lớn từ Quốc hội, Chính phủ.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội dành chiều 31/10 và cả ngày 1/11 để thảo luận về kinh tế - xã hội, trong đó, vấn đề đào tạo nhân lực ngành bán dẫn được đại biểu quan tâm.
Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Đà Nẵng cho biết, Chính phủ đã đề cập đến việc chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi; trong đó có tập trung đào tạo 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn giai đoạn từ năm 2025 đến 2030. Đại biểu tán thành và đánh giá rất cao việc này.
Đại biểu cũng góp ý cần có cơ chế, chính sách cho phép sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng các trụ sở để các đơn vị, doanh nghiệp giàu kinh nghiệm về công nghệ có thể thuê, đào tạo nguồn nhân lực ngành sản xuất chip bán dẫn, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
"Nếu không có chính sách phù hợp để phát triển nội lực thì mức độ lan tỏa sẽ không lớn, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa không đạt được và con đường công nghiệp gia công đóng gói sẽ lặp lại", đại biểu đặt vấn đề.
Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cũng đặt vấn đề, nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa cho phát triển kinh tế - xã hội và là lợi thế cạnh tranh. Dẫn báo cáo của Bộ KH&ĐT, đại biểu cho biết, chỉ riêng lĩnh vực chip bán dẫn, dự báo cần đào tạo khoảng 50.000-100.000 nhân lực giai đoạn 2025-2030.
"Điều này cho thấy sự khát nguồn nhân lực chất lượng cao như thế nào. Vậy chúng ta sẽ làm gì để phát triển nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động cho bước đi tiếp theo ngay trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023-2025", đại biểu nêu quan điểm.
Cũng theo đại biểu, quan hệ Việt - Mỹ được nâng cấp mở ra cơ hội lớn cho ngành sản xuất quan trọng, ngành sản phẩm cốt lõi của công nghệ cao chất bán dẫn, chip, kim loại hiếm.
"Tuy nhiên, cho dù chúng ta thiện chí đến đâu, đầu tư hạ tầng nhà xưởng sẵn sàng thế nào, nhưng nếu chưa có ổ lót là lao động chất lượng cao, chuyên sâu chuyển đổi và năng suất lao động được cải thiện thì làm sao đại bàng công nghệ có thể hạ cánh và đẻ trứng vàng cho chúng ta?", ông Khải phát biểu.
Trước nhiều lo ngại của đại biểu Quốc hội về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị được gì và sẽ làm thế nào để hệ thống giáo dục đại học thực hiện được nhiệm vụ rất lớn và rất khó này, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục đào tạo đã nhận thức rõ được trọng trách sứ mệnh của mình trong lĩnh vực này.
Nhận chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT đã lên kế hoạch triển khai nhiệm vụ của mình. Hiện nay, 50.000 đến 100.000 nhân lực cần có cho ngành bán dẫn có thể chia thành nhiều nhóm chuyên môn với trình độ, yêu cầu khác nhau, đang có ưu tiên cho nhóm nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.
Theo Bộ trưởng, hiện nay có 35 cơ sở giáo dục đào tạo đại học của Việt Nam đang trực tiếp đào tạo lĩnh vực trực tiếp, hoặc gần với ngành này. Các nhân lực ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông thì có thể tiến hành bổ túc, chuyển đổi để bổ sung thành nhân lực ngành bán dẫn.
Các trường cũng đã tổ chức mạng lưới để cùng chia sẻ kinh nghiệm thiết kế chương trình. Ngày 19/10 vừa qua, tại Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị để triển khai công việc quan trọng này và đang tăng cường điều kiện từ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đào tạo.
"Bộ GD&ĐT đã liên kết, hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ thông tin toàn cầu để nắm bắt chính xác con số nhân lực cần thiết cho ngành bán dẫn, tránh việc ào ào đào tạo rồi lại thừa thì đó là chuyện không tốt", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin.
Ông Nguyễn Kim Sơn cho biết, dự kiến trong năm 2024, sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, và các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển trên 7.000 học viên. Các con số tuyển sinh sẽ tăng dần theo từng năm để đáp ứng yêu cầu nhân lực ngành bán dẫn theo đúng kế hoạch đặt ra.
"Tuy nhiên đây là một lĩnh vực công nghệ đòi hỏi cao, mong rằng Quốc hội, Chính phủ cần phải có sự đầu tư cao chứ không thể 'tay không bắt chip' được", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Cũng tại phiên giải trình sáng 1/11, liên quan đến vấn đề về sách giáo khoa.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, số tiền chi cho đổi mới giáo dục đến nay là 213.449 tỷ đồng, con số này thống kê bao gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.
Riêng chi cho đổi mới giáo dục (biên soạn chương trình giáo dục phổ thông mới, thẩm định sách giáo khoa, tập huấn giáo viên) đến nay là 395,2 tỷ đồng.
Trước các ý kiến việc giao Bộ GD&ĐT biên soạn bộ sách giáo khoa riêng, ông cho biết, từ nay đến năm 2024 việc quan trọng nhất là thẩm định chất lượng của các sách giáo khoa lớp 5, 9, 12 thật tốt, đảm bảo đủ sách giáo khoa trước năm học mới.
"Về vấn đề được Quốc hội giao, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất trong một, hai năm tới khi chu trình đổi mới sách, chương trình hoàn tất. Khi đó mới có đánh giá sâu và đưa ra phương án phù hợp", Bộ trưởng GD&ĐT khẳng định.