Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nếu phát sinh F0, cần sàng lọc trong phạm vi hẹp nhất có thể
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn một lần nữa nhắc lại quan điểm về sự cần thiết, cấp bách đưa học sinh trở lại trường học.
Cấp thiết đưa học sinh trở lại trường học
Thực hiện kế hoạch kiểm tra mở cửa trường học, ngày 9/2, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã về kiểm tra hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục và làm việc với UBND thành phố Hải Phòng về công tác giáo dục và đào tạo.
Tại đây, đoàn đã đến khảo sát thực tế tại Trường Tiểu học Minh Tân, Trường THCS Kênh Giang, Trường THPT Ngô Quyền trước khi có buổi làm việc với UBND thành phố.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự mạnh mẽ, dứt khoát của Hải Phòng trong việc cho học sinh trở lại trường học tập trực tiếp theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã về kiểm tra tra hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục và làm việc với UBND thành phố Hải Phòng về công tác giáo dục và đào tạo.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc lại quan điểm về sự cần thiết, cấp bách đưa học sinh trở lại trường học và nhấn mạnh sự phù hợp trong điều kiện thực tế hiện nay khi tỷ lệ tiêm vắc-xin của cả nước đã đạt rất cao, các biện pháp phòng, tránh, chữa bệnh đã có bước tiến dài.
Kiểm tra tại các lớp học và trò chuyện với giáo viên, hiệu trưởng nhà trường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận sự quyết tâm cũng như công tác triển khai các điều kiện để mở cửa trường học của Trường Tiểu học Minh Tân, đặc biệt các em học sinh lớp 1 đã được đi học trực tiếp từ trước Tết Nguyên đán.
Đánh giá cao sự thận trọng của nhà trường khi thực hiện mở cửa từng bước, tổ chức giãn lớp, chia ca để dạy học, song Bộ trưởng cũng nhắc lại khuyến cáo của các chuyên gia y tế khi cho rằng, việc học sinh đến trường học một buổi hay bán trú cả ngày về mặt phòng dịch là không khác nhau nhiều, do đó để tạo thuận lợi cho phụ huynh yên tâm làm việc và đưa đón con cái, cũng như sinh hoạt của học sinh được nề nếp thì việc đưa học sinh quay trở lại học tập trực tiếp nên thực hiện đầy đủ và thống nhất.
“Chúng ta nên thực hiện đầy đủ, làm sao vừa đảm bảo việc dạy học của các cháu, vừa thuận lợi cho chăm sóc, đưa đón của phụ huynh. Tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh yên tâm trong công việc, từ đó tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng nói, đồng thời ông cũng lưu ý nhà trường về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đang được tiến hành ở lớp 1, lớp 2 và chuẩn bị cho lớp 3 trên tinh thần tập trung cao nhất.
Trao đổi với Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo Trường THPT Ngô Quyền, ngoài lưu ý nhà trường cần tiếp tục trạng thái bình thường mới trên tinh thần không lo lắng thái quá nhưng cũng không chủ quan để có sự ứng phó tốt nhất, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời mong muốn các thầy cô giáo sẽ trao đổi, hỗ trợ để các em học sinh thái độ bình tĩnh, lấy hiểu biết, kiến thức các kỹ năng phòng chống dịch làm đầu để tránh hoang mang, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Bên cạnh phòng chống dịch, Bộ trưởng đề nghị Trường THPT Ngô Quyền cố gắng chăm lo cho học sinh lớp 12 để các em có được kỳ thi tốt nghiệp THPT kết quả tốt nhất.
Ứng phó với dịch bệnh bình tĩnh, không hoảng hốt
Báo cáo tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ GD&ĐT với UBND thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam cho biết: Thành phố Hải Phòng đã sẵn sàng cho việc mở cửa lại trường học, tổ chức dạy học trực tiếp dựa trên 5 điều kiện then chốt: Cấp độ dịch của thành phố đang ở cấp độ vàng (nguy cơ trung bình).
Tỉ lệ nhiễm COVID-19 trong trường học thấp. Không có ca nhiễm trong giáo viên, học sinh chuyển nặng và tử vong vì COVID-19. Tỉ lệ bao phủ vắc-xin trong giáo viên, học sinh và của toàn dân đã đạt yêu cầu.
Các trường học đã có kinh nghiệm tổ chức dạy học trực tiếp trong điều kiện dịch bệnh, đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, các phương án, kịch bản bảo đảm an toàn để tổ chức dạy học trực tiếp.
Kết quả, ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán 2022 (ngày 07/02/2022), 100% các trường THCS, THPT, GDTX đón học sinh trở lại học trực tiếp.
Các quận, huyện thực hiện rà soát, kiểm tra các điều kiện để mở cửa đón học sinh mầm non, tiểu học trở lại học trực tiếp, chậm nhất vào ngày 14/2/2022.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự mạnh mẽ, dứt khoát của Hải Phòng trong việc cho học sinh trở lại trường học tập trực tiếp theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Bộ trưởng một lần nữa nhắc lại quan điểm về sự cần thiết, cấp bách đưa học sinh trở lại trường học và nhấn mạnh sự phù hợp trong điều kiện thực tế hiện nay khi tỷ lệ tiêm vắc xin của cả nước đã đạt rất cao, các biện pháp phòng, tránh, chữa bệnh đã có bước tiến dài.
Ghi nhận sự quan tâm chỉ đạo của thành phố Hải Phòng với giáo dục trong suốt thời gian qua, Bộ trưởng đánh giá: Khi học sinh phải học trực tuyến kéo dài, thành phố đã có những quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho việc dạy và học.
Trước thực trạng một số trường bố trí cho học sinh học một buổi/ngày khiến cho việc chăm sóc, đưa đón của phụ huynh bị xáo trộn, Bộ trưởng đề nghị thành phố Hải Phòng nhất quán, thống nhất trong việc bố trí học sinh, với những trường có điều kiện bán trú nên tổ chức cho học sinh học bán trú.
“Chúng ta vẫn lấy đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên làm đầu nhưng phải có sự ứng phó phù hợp.
Đã thấy yên tâm đưa các cháu đến trường và đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch thì cần đảm bảo đầy đủ các hoạt động học tập trực tiếp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ứng phó với dịch ở trường học, Bộ trưởng lưu ý, nếu phát sinh các trường hợp nhiễm bệnh cần cố gắng sàng lọc, xử lý trong phạm vi hẹp nhất có thể.
Những nội dung này theo Bộ trưởng đã được làm rõ trong cuốn “Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học” do Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế phát hành tới các nhà trường.
Nhấn mạnh tới một trong những yếu tố quan trọng giúp chiến thắng dịch bệnh và đảm bảo an toàn trường học là tư tưởng, tinh thần, thái độ, Bộ trưởng lưu ý, cần ứng phó với dịch bệnh một cách bình tĩnh, không hoảng hốt và thể hiện rõ sự hiểu biết.
"Sự thống nhất, đồng thuận cao giữa nhà trường và gia đình là yếu tố quan trọng, bởi khi phụ huynh đồng thuận, hiểu biết, phối hợp thì nếu có phát sinh ca bệnh trong trường học cũng phối hợp cùng nhà trường xử lý hiệu quả hơn", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.