Giáo dục học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm
Thông qua các hoạt động giáo dục giúp xây dựng tính kỷ luật, kiên trì, trách nhiệm, hình thành đạo đức, nhân cách cho học sinh một cách hiệu quả.
Hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là một hoạt động giáo dục bắt buộc duy nhất được thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12.
Mỗi năm học, hoạt động này có 105 tiết/lớp, như vậy số tiết bằng với môn học bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ ở cấp THPT. Đối với cấp tiểu học và THCS thì thời lượng cho hoạt động này chỉ đứng sau môn Tiếng Việt/Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ.
Thông qua đây có thể thấy, Chương trình GDPT 2018 rất xem trọng, đề cao hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT.
Theo PGS.TS.Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT trong chương trình GDPT mới, cùng với việc áp dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, hoạt động trải nghiệm giúp là cầu nối để học sinh học đi đôi với hành, tiếp thu kiến thức từ trong thực tiễn, từ đó hình thành thành năng lực.
Phải thực hiện sao cho mục tiêu cao nhất là học sinh phải được tạo cơ hội để vận dụng kiến thức trong các môn học trong quá trình trải nghiệm của bản thân, không để học sinh thiếu sự chủ động, tích cực khi tham gia hoạt động.
Làm rõ ý nghĩa, vai trò, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS.Đinh Thị Kim Thoa - Tổng chủ biên sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bộ sách Chân trời sáng tạo cho biết hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong Chương trình GDPT 2018 là hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Chuyên gia chia sẻ quá trình phát triển con người là gồm học tập để phát triển trí tuệ và trải nghiệm các hoạt động để phát triển và hình thành nhân cách, đạo đức con người.
Một chương trình giáo dục của bất kỳ quốc gia nào cũng bao gồm nội dung dạy học (các môn học) và các hoạt động giáo dục. Các môn học thực hiện giảng dạy những lĩnh vực có tính khoa học, chủ yếu nhằm phát triển năng lực trí tuệ cho học sinh.
Bên cạnh đó, các hoạt động giáo dục, là hoạt động nhằm phát triển những phẩm chất nhân cách, kỹ năng sống hay là năng lực tâm lý xã hội giúp con người có thể thích nghi, thích ứng với xã hội, làm chủ bản thân, biết sống tích cực và hạnh phúc... Đây là những mặt vô cùng quan trọng để tạo nên cuộc sống có ý nghĩa của mỗi cá nhân.
"Có thể thấy trải nghiệm trong Chương trình GDPT 2018 là hoạt động có vai trò rất quan trọng, vì thông qua đó giúp các em học sinh xây dựng phẩm chất, trở thành một con người vừa có đức, vừa có tài", bà Đinh Thị Kim Thoa cho hay.
Với 4 mạch nội dung gồm: hoạt động định hướng phát triển bản thân; hoạt động định hướng phát triển các mối quan hệ trong xã hội; hoạt động định hướng phát triển các mối quan hệ với thế giới tự nhiên; hoạt động định hướng phát triển quan hệ với nghề nghiệp.
Học sinh sau khi học xong phải đạt được 3 năng lực cơ bản gồm năng lực thích ứng cuộc sống; năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động và năng lực định hướng nghề nghiệp.
"Cùng 3 nhóm năng lực này cũng cần hình thành 5 phẩm chất: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Từ đó sẽ còn cần hình thành năng lực chung gồm tự chủ, tự học, giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Đó là những yêu cầu cần đạt chung ở cả hoạt động trải nghiệm và trải nghiệm - hướng nghiệp", PGS.TS.Đinh Thị Kim Thoa thông tin.
Đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm bộ Chân trời sáng tạo được đội ngũ tác giả xây dựng nội dung kiến thức sao cho hướng dẫn học sinh cụ thể cách thực hiện hoạt động, cách thể hiện thái độ, cách ứng xử,... Qua đó, hình thành phẩm chất và năng lực cũng như mục tiêu chương trình đã đặt ra.
Từ những kiến thức trừu tượng, cuốn sách muốn mang đến những điều đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với học sinh phổ thông, từ đó học sinh dễ dàng thực hành trong suốt quá trình học tập, rèn luyện ở gia đình, cộng đồng.
Nội dung sách giáo khoa được biên soạn theo hướng tích hợp nhưng vẫn làm rõ tính điển hình của mỗi mạch nội dung hoạt động. Chính vì thế học sinh có cơ hội lặp đi lặp lại hành vi và thái độ để trở thành những phẩm chất và năng lực của bản thân. Các hoạt động được thiết kế hướng đến cá nhân hóa người học và tạo cơ hội bình đẳng cho mọi học sinh tham gia hoạt động.