Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắn gửi các trường đại học nhiều chữ 'tự'

Bộ trưởng nhấn mạnh các trường 'cần tránh tự ti (tôi là trường bé, trường địa phương, trường tư thục,...), tránh tự kỷ, không muốn giao tiếp với ai...'.

Đó là lời chúc và gửi gắm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tới các cơ sở giáo dục đại học tại Hội nghị Giáo dục đại học 2024, diễn ra ngày 9/8 tại Học viện Công nghệ và Bưu chính viễn thông.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ sự ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ sở giáo dục đại học trong năm học vừa qua và trong 3 năm qua.

“Những năm vừa qua, giáo dục đại học đã trải qua nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Nhiều năm liền các trường đại học không được điều chỉnh học phí, nguồn hỗ trợ từ nhà nước vẫn giảm dần đều, trong khi sức chi trả của người dân và doanh nghiệp giảm sút. Bối cảnh này đã đặt ra cho giáo dục đại học rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục đại học với sự nỗ lực cao độ đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức. Kết quả năm học vừa qua là niềm phấn khởi lớn, tạo niềm tin với xã hội, người học và các bên liên quan”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Giáo dục đại học 2024. Ảnh: Trần Hiệp

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Giáo dục đại học 2024. Ảnh: Trần Hiệp

Từ khóa "chất lượng" - Vấn đề cũ nhưng lâu dài

Tại Hội nghị Giáo dục đại học 2024, người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh nội dung chính bàn luận xoay quanh từ khóa “chất lượng”.

“Đây là vấn đề hết sức cũ, nhưng cái cũ này còn theo chúng ta dài dài. Điểm nhấn của chúng ta là chất lượng. Vấn đề đầu tiên chúng ta cần bàn là chất lượng. Vấn đề cần thảo luận kĩ, cần lưu ý trong thời gian tới cũng không gì khác ngoài chất lượng. Chúng ta thực hiện và tăng cường tự chủ cũng là vì chất lượng. Chúng ta đổi mới cũng vì chất lượng. Hôm nay, chúng ta ngồi đây cũng đều vì 2 chữ chất lượng”, Bộ trưởng bày tỏ.

Trên cơ sở đó, tư lệnh ngành giáo dục đã đề cập đến những thách thức lớn đang đặt ra đối với giáo dục đại học nước ta hiện nay.

Thách thức đầu tiên - “ai cũng cảm nhận được và đang ngày càng gia tăng”, đó là sự cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu đối với hệ thống giáo dục đại học. Đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên toàn cầu trong thu hút giảng viên, thu hút người học, xếp hạng, thu hút đầu tư và cả ảnh hưởng xã hội. Sự cạnh tranh này đặt ra yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học buộc phải đổi mới, nâng cao chất lượng để phát triển.

Tiếp đến là thách thức trước sự kỳ vọng lớn, sự giao phó, trông đợi của Đảng, Nhà nước, Nhân dân, doanh nghiệp, xã hội đặt ra với giáo dục đại học ngày càng lớn. Giáo dục đại học được tin tưởng, định vị là quốc sách hàng đầu, là đột phá chiến lược, giải pháp quan trọng giúp đất nước có sự bứt phá về kinh tế-xã hội.

“Bài học của các quốc gia phát triển ngay khu vực Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới cho thấy, ở thời điểm quan trọng cần bứt phá về kinh tế, thì sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực là yếu tố mang tính quyết định. Và với các yếu tố này thì chính các cơ sở giáo dục đại học sẽ là phải là người giải bài toán này, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh và bày tỏ đây là một áp lực đối với hệ thống giáo dục đại học.

Thứ ba, đó là thách thức của việc cung cấp nguồn nhân lực ngày càng nhiều, đa dạng, và yêu cầu về chất lượng ngày càng cao cho một nền kinh tế có nhiều điểm đặc thù như ở Việt Nam.

Bộ trưởng phân tích, tỉ trọng các doanh nghiệp FDI chiếm một phần rất lớn ở nước ta. Khi nền kinh tế có các doanh nghiệp FDI chiếm phần lớn thì nhu cầu về nhân lực không giống với các nền kinh tế khác. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam phần nhiều là các lĩnh vực lớn, những lĩnh vực không có hoặc không có sẵn ở Việt Nam.

Từ đó, các doanh nghiệp luôn đặt câu hỏi về yêu cầu đáp ứng nhân lực. Và Việt Nam luôn bị đặt vào vị thế bất lợi và bị nhận xét rằng nhân lực không đáp ứng yêu cầu.

“Làm sao có thể đáp ứng yêu cầu cho một ngành, lĩnh vực sản xuất mà trong nước không có, và chưa biết bao giờ mới có. Nếu như nền nền kinh tế mà các doanh nghiệp trong nước đóng vai trò chủ đạo, có sự chuẩn bị về công nghệ, nhân lực bền vững thì sẽ không có sự nhận xét này.

Các trường đại học ở nước ta rất năng động, ý chí vươn lên mạnh mẽ, những điều này chúng ta cảm nhận được rất sinh động. Nhưng với các lĩnh vực chưa từng có ở đất nước, mà đặt câu hỏi có sẵn chưa, chúng ta bao giờ cũng rơi vào bất lợi. Đấy sẽ là nhận định không tích cực đối chúng ta và sẽ còn còn dài”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phân tích.

Trước các thách thức trong việc cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp FDI, Bộ trưởng nhấn mạnh vấn đề nhân lực cần cần phải có tầm nhìn toàn cầu, cần liên quốc tế nhiều hơn để chủ động phán đoán xu hướng. Trong đó, giải pháp ứng phó hiện nay là phải đào tạo những cái cơ bản, tăng cường khả năng thích ứng và chuyển đổi nhanh.

Các cơ sở giáo dục đại học cần gia tăng sự tự kiểm soát, tự điều tiết, tinh thần tự lực tự cường

 Toàn cảnh Hội nghị Giáo dục đại học 2024. Ảnh: Trần Hiệp

Toàn cảnh Hội nghị Giáo dục đại học 2024. Ảnh: Trần Hiệp

Tiếp đến, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập thách thức của việc phải đáp ứng nhu cầu của người học ngày càng gia tăng về cả số lượng và chất lượng.

Tư lệnh ngành giáo dục tiết lộ, năm nay số học sinh bước vào tiểu học là 1,9 triệu em - khẳng định nguồn tuyển sinh dành cho các trường đại học sẽ ngày càng phong phú. Vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh các trường đại học có thể yên tâm về nguồn tuyển, điều quan trọng là việc đảm bảo chất lượng đào tạo.

Giáo dục đại học cũng đối mặt với thách thức giữa kì vọng và yêu cầu cao, nhưng đầu tư lại rất khiêm tốn. Thách thức trong việc đẩy mạnh tự chủ trong thời kì mới đặt ra yêu cầu đẩy mạnh chất lượng, chiều sâu của tự chủ và điều chỉnh cả mục tiêu của tự chủ.

“Chúng ta đã trải qua một giai đoạn triển khai tự chủ từ thí điểm đến áp dụng trên diện rộng. Tự chủ đã làm thay đổi diện mạo các trường đại học, nhưng phía trước còn rất nhiều việc phải làm.

Chúng ta đang nỗ lực từng bước để thực hiện tự chủ cao hơn, ngày càng có chiều sâu hơn, thực chất hơn. Nhưng về bên trong hệ thống, các cơ sở giáo dục đại học cần gia tăng một số "cái tự" nữa. Đó là sự tự kiểm soát, tự điều tiết, tinh thần tự lực tự cường. Quan trọng hơn nữa là tự biết mình cần làm gì, tự biết mình ở đâu. Tự biết để tự tin hơn trong hành động, tự mình làm tốt hơn để hướng đến chất lượng cao hơn”, lãnh đạo ngành giáo dục nhấn mạnh đến nhiều chữ “tự” với các trường đại học trong việc đẩy mạnh tự chủ đại học.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: “Cần tránh tự ti (tôi là trường bé, trường địa phương, trường tư thục,...), tránh tự kỷ, không muốn giao tiếp với ai. Nhưng sợ nhất là tự tung tự tác”.

Trong thời điểm sắp tới, để đẩy mạnh tự chủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các trường hoàn thiện văn bản quy chế nội bộ.

“Vừa qua, thông qua một số kiểm tra của các đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, nhiều đơn vị ban hành quy chế nội bộ, văn bản điều hành nội bộ còn có những văn bản trái với quy định.

Thời điểm này, Chính phủ, Quốc hội đang dồn toàn lực để tạo đột phá về mặt thể chế, điều chỉnh các bộ luật rất nhiều và nhanh. Vì vậy, các cơ sở đào tạo cần cập nhật đưa vào quy định nội bộ để không trái, không mâu thuẫn và thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra xem việc ban hành quy chế nội bộ có phù hợp không, có trái luật không, hoạt động của các hội đồng trường phối hợp với các bộ phận có phù hợp không…

Các trường cũng lưu ý cần xây dựng và hoàn thiện các đề án tự chủ theo quy định mới để trình các Bộ chủ quản phê duyệt; tăng cường một số nội dung chủ yếu về vấn đề bộ máy và các yếu tố khác liên quan”, người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, các cơ sở giáo dục đại học đang đứng trước thách thức đổi mới công tác tuyển sinh để hô ứng với toàn bộ đổi mới từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 sẽ có nhiều đổi mới. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các trường đại học cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông.

“Việc chúng ta xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này, nên thời gian tới cần xem xét. Các cháu xét trúng tuyển sớm sẽ không học nữa; các trường chỉ yên tâm cho số sẽ vào trường mình, số còn lại để tuyển sinh sẽ rất ít, điểm lên rất cao, tạo ra sự bất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt. Việc này về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc để đưa vào định hướng tuyển sinh của năm sau.

Chúng ta cũng lưu ý không nên quá nhiều phương án xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, thuận cho học sinh, cho xã hội. Các đại học tự chủ có tự chủ cao trong vấn đề tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm. Tự chủ là tự chủ trong khuôn khổ các quy định. Vì việc này, Bộ có thể gia tăng một số khung, chế tài để điều tiết tuyển sinh năm sau”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, đồng thời nhấn mạnh các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ nhưng phải đề cao trách nhiệm xã hội.

Cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập đến thách thức trong việc thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm sắp tới.

“Từ đầu năm học mới sẽ bắt đầu triển khai thực hiện quy hoạch này. Việc triển khai thực hiện quy hoạch sẽ có nhiều biến động trong sắp xếp hệ thống các trường. Sẽ có trường được ưu tiên đầu tư, cũng có những trường sẽ phải sắp xếp,... Vì vậy, mong rằng chúng ta sẽ đón nhận điều này với tinh thần đổi mới, trách nhiệm với ngành, với xã hội”, Bộ trưởng chia sẻ.

Chia sẻ thêm, tư lệnh ngành giáo dục nhận định, những thách thức trên phát sinh trong chính quá trình phát triển, trong quá trình giáo dục đại học ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội.

“Và những thách thức này cũng chính là cơ hội để giáo dục đại học đáp ứng được, thỏa mãn được, vượt lên được. Mong tất cả chúng ta, từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị, cho đến cơ sở giáo dục cùng vượt qua và tự mình vượt lên thách thức đó để đạt tới mục tiêu chất lượng”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/bo-truong-nguyen-kim-son-nhan-gui-cac-truong-dai-hoc-nhieu-chu-tu-post244688.gd