Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Nghị quyết 57 là tuyên ngôn khoa học công nghệ của Việt Nam
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị là tuyên ngôn của Việt Nam bước vào giai đoạn sáng tạo công nghệ.
Chiều 28-7, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng làm việc với TP Đà Nẵng về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.
Đà Nẵng muốn có trạm vệ tinh tầm thấp
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Quang Bửu cho hay, HĐND TP đã ban hành nghị quyết phê duyệt danh mục 66 dự án khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS), tổng vốn đầu tư dự kiến 2.348 tỉ đồng.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Quang Bửu. Ảnh: TẤN VIỆT
Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 57, TP Đà Nẵng nêu ra nhiều kiến nghị đối với Bộ KH&CN. Trong đó có việc mở rộng phạm vi thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox); sớm thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia tại TP Đà Nẵng.
Tiếp tục hỗ trợ các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chiến lược và ứng dụng quản lý; mở rộng đối tượng và chính sách visa cho chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế.
Đặc biệt, TP Đà Nẵng kiến nghị Bộ KH&CN thống nhất cho phép đặt một trạm mặt đất vệ tinh tầm thấp tại TP, sớm cấp phép hoạt động cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp.
“Điều này giúp Đà Nẵng hỗ trợ người dân vùng khó khăn tiếp cận internet vệ tinh nhanh chóng, kịp thời khi hạ tầng viễn thông mặt đất chưa được đầu tư”, ông Bửu cho hay.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, yêu cầu về dịch vụ vệ tinh tầm thấp là không thể trì hoãn. Khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, muốn duy trì được liên lạc giữa Trung ương với các địa phương đến tận cơ sở, một trong những yêu cầu đặt ra là phải có hệ thống vệ tinh tầm thấp để đảm bảo tính thông suốt.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng. Ảnh: TẤN VIỆT
Hiện nay, TP Đà Nẵng còn rất nhiều vùng lõm tín hiệu thông tin, không đảm bảo cho tín hiệu liên lạc. TP Đà Nẵng muốn là địa phương đầu tiên được đặt một trạm vệ tinh tầm thấp và có cấp phép cho hoạt động này.
“Đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo cho phép sử dụng quỹ viễn thông công ích để hỗ trợ cho những người dùng dịch vụ này. Bởi phí dịch vụ cao hơn thông thường, đối tượng sử dụng là các xã vùng sâu, vùng xa, các vùng lõm sóng. TP sẽ có hỗ trợ từ ngân sách nhưng nên có cơ chế dùng quỹ viễn thông công ích để phục vụ việc này”, ông Quảng kiến nghị.
Tuyên ngôn KHCN của Việt Nam
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Nghị quyết 57 là tuyên ngôn của Việt Nam. Đất nước đã đến lúc phải bước vào giai đoạn sáng tạo công nghệ, và Đà Nẵng phải đi trước một bước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Luật KHCN sửa đổi vừa qua trở thành Luật KHCN và đổi mới sáng tạo, đặt đổi mới sáng tạo ngang với KHCN để nhấn mạnh ứng dụng thực tiễn của KHCN.
“Lần đầu tiên Việt Nam tuyên ngôn KHCN hướng tới đổi mới sáng tạo. Bộ KH&CN rất mong muốn cùng với Đà Nẵng xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo thay vì trung tâm khởi nghiệp tại TP. Nội hàm rộng hơn và mang lại nhiều giá trị hơn”, ông Hùng cho hay.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: TẤN VIỆT
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích, giai đoạn ứng dụng công nghệ thông tin là làm cái cũ theo cách cũ. Dùng công nghệ thông tin để tự động hóa, cái cũ được tự động hóa để nhanh hơn nhưng cách làm vẫn cũ; không thay đổi thể chế, quy trình, cách làm, mô hình.
Còn CĐS là làm cái cũ theo cách mới. Ví dụ như học online thay vì học trực tiếp. CĐS muốn nhanh phải thay đổi thể chế, quy trình, quy định cho phù hợp với môi trường số.
Theo ông Hùng, tính từ năm 1990 đến nay, chỉ có 34 quốc gia từ thu nhập trung bình trở thành thu nhập cao. Nhưng chỉ có 10 – 12 quốc gia trong đó được coi là nước phát triển. Đó là những quốc gia đạt thu nhập cao thông qua KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS.
Để trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đóng góp vào tăng trưởng GDP của KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS phải hơn 50%. Ngưỡng thu nhập cao vào năm 2045 là từ 20.000 – 25.000 USD/người/năm.
Như vậy đến năm 2045, GDP của Việt Nam phải tăng ít nhất năm lần. Nếu 10 năm đầu tăng trưởng 10%/năm, thì 10 năm tiếp theo vẫn phải tăng trưởng 10%/năm mới đạt được mục tiêu này.
“Bởi vậy, tăng trưởng hai con số liên tục 10 năm tới là bắt buộc, nếu không thì không đạt được mục tiêu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Mốc thu nhập cao của Việt Nam vào năm 2045 có ý nghĩa sống còn. Với Đà Nẵng, phải coi CĐS là ưu tiên để cho KHCN phát triển”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.