Giá vàng chịu áp lực dồn dập, động thái từ nước Mỹ quyết định 'cơn sóng mới'
Giá vàng thế giới chịu áp lực giảm mạnh khi Mỹ đạt các thỏa thuận thương mại, chứng khoán Mỹ lập kỷ lục và Fed có thể giữ nguyên lãi suất. Liệu vàng có tiếp tục lao dốc và SJC sẽ về vùng 119-120 triệu đồng/lượng?
Áp lực đè nặng lên giá vàng
Sáng 28/7, thị trường vàng thế giới mở cửa với xu hướng giảm. Giá vàng giao ngay tại châu Á có lúc giảm gần 10 USD/oz, xuống mức 3.326 USD/oz, sau khi đã giảm đáng kể từ trên ngưỡng 3.400 USD/oz đầu tuần trước về 3.336 USD/oz vào cuối tuần.
Tại Việt Nam, giá vàng SJC cũng không nằm ngoài xu hướng này, giảm 600.000 đồng/lượng xuống còn 121,1 triệu đồng/lượng tính đến 10h sáng 28/7, theo giá niêm yết tại các doanh nghiệp vàng lớn.
Nguyên nhân chính khiến vàng chịu áp lực là tâm lý ưa thích rủi ro gia tăng, được kích thích bởi các thỏa thuận thương mại mà Mỹ đạt được với Nhật Bản, Philippines và đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU) trước thời hạn 1/8.
Theo Bloomberg, thỏa thuận khung Mỹ - EU áp thuế suất chung 15% cho hàng hóa song phương, thay vì mức 25-30% mà Tổng thống Donald Trump từng đe dọa, đã xoa dịu căng thẳng thương mại kéo dài nhiều tháng.
Tin tức tích cực này, cùng với triển vọng gia hạn “đình chiến” thương mại Mỹ - Trung tại vòng đàm phán ở Stockholm ngày 28/7, đã thúc đẩy dòng tiền chảy mạnh vào các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán và tiền số.
Thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua ghi nhận đà tăng ấn tượng. Trong phiên cuối tuần hôm 25/7, chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 tăng phiên thứ 5 liên tiếp và cũng lập các kỷ lục cao mới. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng liên tục lập đỉnh mới trong tuần; chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng tăng điểm và ở sát kỷ lục.

Giá vàng thế giới giảm trước các áp lực mới. Ảnh: HH
Theo FactSet, 82% trong số 169 doanh nghiệp thuộc S&P 500 công bố kết quả kinh doanh quý II vượt kỳ vọng, tạo động lực cho thị trường. Chuyên gia U.S. Bank Wealth Management cho rằng, xu hướng tăng của chứng khoán Mỹ sẽ tiếp diễn nhờ lạm phát ổn định, lãi suất không biến động mạnh và lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng.
Trong khi đó, thị trường tiền số cũng sôi động. Bitcoin duy trì ở ngay đỉnh cao lịch sử, còn Ethereum ghi nhận đà tăng mạnh, thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư. Vàng, vốn được xem là tài sản trú ẩn an toàn, trở nên kém hấp dẫn khi tâm lý “ưa thích rủi ro” chiếm ưu thế.
Thêm vào đó, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất ở mức 4,25-4,5% trong cuộc họp ngày 29-30/7 (với tỷ lệ đánh cược lên tới 97,4%) càng gây áp lực lên vàng.
Một đồng USD mạnh lên trong ngắn hạn, với chỉ số Dollar Index dao động quanh 97,6 điểm, cũng góp phần kìm hãm đà tăng của vàng.
Khả năng giảm sâu nếu 'thủng' mốc 3.300 USD/oz
Dù chịu áp lực giảm, giá vàng thế giới cho thấy tín hiệu phục hồi nhẹ vào cuối buổi sáng 28/7, tăng 4 USD lên 3.342 USD/oz.
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn đưa ra nhiều cảnh báo vàng có thể đang bước vào giai đoạn điều chỉnh. Theo đó, việc giá vàng liên tục không giữ được mốc 3.400 USD/oz gần đây cho thấy rủi ro kỹ thuật đang gia tăng. Việc giá vàng xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ quan trọng 3.350 USD còn làm rủi ro cao hơn.
Tuy nhiên, một số yếu tố có thể hỗ trợ giá vàng trong trung và dài hạn. Nhu cầu vàng tại châu Á, nhất là từ các nhà đầu tư bán lẻ và ngân hàng trung ương, vẫn ở mức cao. Mỗi khi giá vàng điều chỉnh giảm mạnh, sức cầu thường tăng lên, như một hiện tượng quen thuộc trên thị trường.
Ngoài ra, các ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển, tiếp tục mua vàng để đa dạng hóa dự trữ và giảm phụ thuộc vào đồng USD. Xu hướng này được củng cố trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump gây áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để hạ lãi suất.
Về chính sách tiền tệ, thị trường đang chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell sau cuộc họp ngày 30/7. Dù giữ nguyên lãi suất trong tháng này, giới đầu tư kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất hai lần trong năm 2025, có thể bắt đầu từ cuộc họp tháng 9. Đây được xem là yếu tố hỗ trợ dài hạn cho vàng, bởi lãi suất thấp làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng - một tài sản không sinh lãi.
Barbara Lambrecht từ Commerzbank cho rằng, nhu cầu đầu tư vào vàng có thể đã đạt đỉnh ngắn hạn, nhưng triển vọng dài hạn vẫn tích cực nhờ các yếu tố địa chính trị và chính sách tiền tệ.
Các sự kiện kinh tế quan trọng trong tuần này cũng ảnh hưởng đến giá vàng. Dữ liệu việc làm ADP (thứ Tư), chỉ số giá PCE (thứ Năm) và báo cáo bảng lương phi nông nghiệp (thứ Sáu) sẽ cung cấp thêm manh mối về sức khỏe kinh tế Mỹ, từ đó tác động đến kỳ vọng lãi suất và đồng USD.
Ngoài ra, các cuộc họp chính sách của Ngân hàng Canada và Ngân hàng Nhật Bản có thể gây biến động cho đồng USD, gián tiếp ảnh hưởng đến vàng.
Trong ngắn hạn, giá vàng thế giới có thể tiếp tục chịu áp lực giảm, với vùng hỗ trợ gần nhất là 3.300 USD/oz (tương đương 105,7 triệu đồng/lượng). Nếu các số liệu kinh tế Mỹ tiếp tục khả quan và Fed giữ lập trường trung lập sau cuộc họp cuối tháng 7, giá vàng có thể lùi sâu hơn.
Tại Việt Nam, giá vàng SJC - vốn bị chi phối bởi giá thế giới và tỷ giá USD, có thể giảm thêm 1-2 triệu đồng/lượng, về quanh mức 119-120 triệu đồng/lượng.
Tuy vậy, trong trung và dài hạn, vàng vẫn giữ vai trò là kênh đầu tư an toàn, được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng từ châu Á, xu hướng mua vàng dự trữ của ngân hàng trung ương và kỳ vọng lãi suất giảm từ năm 2026.