Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Tôi đi thay kính họ cũng hỏi tên gì, nhà ở đâu, làm nghề gì'
Về vấn đề quảng cáo, lừa đảo trực tuyến, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng nói, đối tượng lừa đảo 'biết thông tin của mình, nhiều khi họ nói chuyện giống như người Nhà nước'. Ông cho biết, ông đi thay kính cũng bị hỏi tên gì, ở đâu, làm nghề gì... Việc 'nhà nhà' thu thập thông tin cá nhân tiềm ẩn rủi ro về quản lý, lộ lọt.
Tin giả, tin sai sự thật là vấn đề toàn cầu
Sáng 12/11, tại phiên chất vấn của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) đặt vấn đề, mạng xã hội bùng nổ kéo theo tình trạng tin giả, tin sai sự thật, gây bức xúc dư luận xã hội, cạnh tranh với báo chí truyền thống cả về thông tin và doanh thu. Bộ TT&TT có giải pháp quản lý như thế nào?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, vấn đề quản lý mạng xã hội, chống tin giả, tin sai sự thật là vấn đề toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam.
Theo ông Hùng, có một số giải pháp mới về vấn đề này, trong đó, đầu tiên là hoàn thiện thể chế. Cụ thể, trước đây chỉ xử lý các cá nhân đưa tin sai sự thật, tin giả. Theo quy định mới, sẽ xử lý nền tảng phát tán tin giả, tin sai sự thật.
Thứ hai, theo ông Hùng, trước đây chúng ta nghĩ nhiều về trách nhiệm quản lý Nhà nước, nhưng theo quan điểm mới, trách nhiệm lớn phải thuộc về các nền tảng mạng xã hội. Họ phải có trách nhiệm rà quét, phát hiện, tự động gỡ bỏ thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc.
Thứ ba, ông Hùng nhấn mạnh cần truyền thông để mọi người biết sử dụng kỹ năng số, có khả năng đề kháng trên không gian số. Cùng với đó, phải có địa chỉ để hỗ trợ xử lý khi phát hiện thông tin xấu độc. "Bộ TT&TT đã thành lập, vận hành Trung tâm chống tin giả quốc gia và gần đây, các địa phương đã bắt đầu hình thành các trung tâm này", ông Hùng nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) đặt vấn đề, hiện nay có hiện tượng "người người làm báo, nhà nhà làm báo", các cá nhân lập kênh riêng, kèm theo quảng cáo bán hàng, có nhiều nội dung giật gân, phản cảm, nhiễu loạn thông tin, quảng cáo trái thuần phong mỹ tục… Đại biểu đề nghị bộ trưởng nêu giải pháp chấn chỉnh, nêu cao vai trò của báo chí chính thống.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng "mạng xã hội ra đời đã lấy mất nghề của báo chí". Mạng xã hội đưa tin nhanh hơn, với hàng chục triệu phóng viên, ở khắp mọi nơi.
"Báo chí muốn giữ vững trận địa của mình thì phải làm khác mạng xã hội, quay về giá trị cốt lõi của báo chí, tin xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp. Thay vì đưa tin thì phân tích, đánh giá; thay vì bình luận thì đưa ra giải pháp; thay vì đưa tin thì kể câu chuyện, dẫn dắt, định hướng xã hội...", ông Hùng nêu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cách tốt nhất để cạnh tranh với mạng xã hội là "làm khác mạng xã hội, quay về với giá trị cốt lõi của mình". Ông Hùng cũng nêu, cần tận dụng công nghệ của mạng xã hội để làm báo, coi mạng xã hội là công cụ, môi trường để báo chí tăng độ phủ sóng
Về tăng nguồn thu cho báo chí chính thống, Bộ trưởng TT&TT nêu, hiện nay, theo Chỉ thị của Thủ tướng về việc tăng cường truyền thông chính sách, các cấp, các ngành, các địa phương có ngân sách chi đặt hàng báo chí thực hiện truyền thông, giúp tăng thêm nguồn thu. Ông Hùng cũng nêu, sắp tới, khi sửa luật, sẽ có quy định về kinh tế báo chí, cho phép một số cơ quan báo chí lớn kinh doanh nội dung.
Có tình trạng "nhà nhà thu thập thông tin cá nhân"
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) đặt câu hỏi về việc hiện nay xuất hiện tình trạng quảng cáo dựa vào dữ liệu người dùng, vi phạm quyền riêng tư, bảo vệ thông tin cá nhân. "Số lượng thông tin cá nhân bị đánh cắp trong 6 tháng năm 2024 tăng 50%", đại biểu Tuấn nói.
Về vấn đề này, Bộ trưởng TT&TT nói, đối tượng lừa đảo "biết thông tin của mình, nhiều khi họ nói giống như người nhà nước".
Theo ông Hùng, hiện có tình trạng "nhà nhà thu thập thông tin cá nhân. Tôi đi thay kính cận họ cũng hỏi tên gì, nhà ở đâu, bao nhiêu tuổi, làm nghề gì". Theo ông Hùng, với những công ty nhỏ, việc thu thập thông tin cá nhân tiềm ẩn rủi ro về quản lý, lộ lọt.
Việc cần làm, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, là phổ biến quy định về pháp luật bảo vệ an toàn thông tin cá nhân. Bộ coi công việc này là trọng điểm, thời gian qua đã tổ chức rất nhiều đoàn thanh tra, tập trung vào các đơn vị bưu chính, ngân hàng, mạng xã hội, phát hiện nhiều vi phạm cần chấn chỉnh.
"Chúng ta có Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Sắp tới, nghị định này sẽ nâng cấp lên thành luật", ông Hùng nêu.
Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói, không gian mạng hiện nay không khác gì với không gian thực. Không gian thực có bộ, ngành, địa phương, quốc gia thì không gian mạng cũng "có bộ, ngành, địa phương, quốc gia".
Bộ trưởng TT&TT nêu vấn đề xác thực danh tính trên không gian mạng, coi vấn đề này là cốt lõi để xử lý hiện tượng tin giả, tin sai sự thật, lừa đảo.
"Như tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc, hàng giả... Bộ Công Thương, Bộ Y tế đã coi không gian mạng là mặt trận chính để rà quét, phát hiện, xử lý. Cần thiết gửi yêu cầu sang Bộ TT&TT để xác minh danh tính, ngăn chặn. Trước đây, trên không gian mạng cơ bản là vô danh, mọi người nhận thức vô danh thì vô trách nhiệm. Nhưng hiện nay, nghị định quy định, khi đăng ký các tài khoản mạng xã hội phải định danh thông qua số điện thoại, căn cước công dân, trách nhiệm trên mạng xã hội tốt hơn rất nhiều", ông Hùng khẳng định.