Tài chính khí hậu tiếp tục là vấn đề nóng tại COP29
Vấn đề đóng góp tài chính giúp các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục trở thành đề tài nóng tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 29 của Liên hợp quốc (COP29). Việc thiết lập Mục tiêu định lượng tập thể mới về tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu để thay thế cam kết hiện tại là 100 tỷ đô la, sẽ hết hạn vào cuối năm 2024 là nhiệm vụ chính của hội nghị COP29 lần này.
Trước đây, các nước giàu đưa ra mục tiêu đóng góp 100 tỷ đô la một năm cho các quốc gia nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng hiện nay theo ước tính, nhu cầu lên tới ít nhất 1 nghìn tỷ USD một năm.
Hội nghị thượng đỉnh COP29 năm nay tập trung vào việc huy động hàng trăm tỷ đô la để tài trợ cho quá trình chuyển đổi toàn cầu sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Các nước lớn đã công bố mục tiêu chung là tăng nguồn tài chính cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình lên 120 tỷ USD vào năm 2030, tăng khoảng 60% so với số tiền được cung cấp vào năm 2023.
Bộ trưởng Môi trường và biến đổi khí hậu Canada Steven Guilbeault cho rằng, bất kể thách thức ra sao, thế giới cần chung tay giải quyết vấn đề này bởi thời gian không còn nhiều.
Hội nghị năm nay diễn ra khi các báo cáo khoa học mới nhất cho thấy, năm nay đang trên đà trở thành năm nóng nhất trong lịch sử, và hiện tượng nóng lên toàn cầu và tác động của nó đang diễn ra nhanh hơn dự kiến. Lượng khí thải CO2 toàn cầu dự kiến sẽ đạt 41,6 tỷ tấn vào năm 2024, tăng so với mức 40,6 tỷ tấn của năm ngoái. Theo các nhà khoa học, xu hướng tăng này có nghĩa là mục tiêu khống chế mức tăng nhIệt độ trái đất không quá 1,5 độ C sẽ khó thực hiện.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!