Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Năm 2020, du lịch Việt Nam sẽ thất thu 23 tỷ USD
Chiều 9/11, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão (Nghệ An) về Chiến lược phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành kinh tế mũi nhọn với các mục tiêu cụ thể: đón từ 17-20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, đóng góp GDP trên 10% và doanh thu đạt 35 tỷ USD.
Thực trạng đến năm 2019, nước ta đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 2,3 lần so với 2015 và tăng 22%/năm; khách nội địa đạt 85 triệu lượt, tăng 1,3 lần so với 2016; tổng thu du lịch đạt 35 tỷ USD và đóng góp vào GDP đạt 9,2%. Như vậy, so với các chỉ tiêu và mục tiêu của Nghị quyết Bộ Chính trị đề ra thì cơ bản ngành du lịch đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra, trừ mục tiêu đóng góp GDP. Năm 2019, số cơ sở lưu trú có 30 nghìn, tăng 1,4 lần. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng 12 bậc so với 2015 và trong 2 năm xếp hạng một lần thì tăng 4 bậc so với 2017 và đạt rất nhiều giải thưởng trong nước, quốc tế, như là điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019, điểm đến hàng đầu châu Á hai năm liền 2018 và 2019, điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019 và điểm đến thành phố di sản hàng đầu châu Á 2019.
Việt Nam đã vượt lên đứng thứ 4, vượt qua Indonesia trong nhiệm kỳ vừa rồi và là một trong 10 nước phát triển du lịch nhanh nhất châu Á và thế giới.
Tuy nhiên, “năm 2020, du lịch Việt Nam sẽ thất thu 23 tỷ USD và giảm trên 80% khách quốc tế và nội địa giảm trên 50%; đây là một năm vô cùng khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, về giải pháp phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọ, trước hết là nâng cao nhận thức của du lịch ngành kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, tập trung phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng, đặc biệt hạ tầng hàng không, hạ tầng du lịch và sự bền vững về môi trường, tăng cường quảng bá xúc tiến, đổi mới phương thức, chính sách visa, đổi mới chiến lược sản phẩm, tái cơ cấu ngành du lịch, bảo đảm chuyên nghiệp hiện đại và bền vững, tăng cường quản lý điểm đến và vai trò quản lý nhà nước.