Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Đồng bộ cơ chế, chính sách sẽ tạo động lực mới phát triển nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đang khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn dưới luật để trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, đảm bảo có hiệu lực đồng bộ với Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được thông qua.
Một trong những nội dung của Công điện số 1376/CĐ-TTg ngày 17/12/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Từ đó, thúc đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Cùng đó, Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), nhất là quy định về trình tự, thủ tục triển khai các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, khu đô thị mới để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với các Luật, tránh khoảng trống pháp lý.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông Luật Nhà ở (sửa đổi) với nhiều quy định mới đồng bộ về cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Trong số đó, đã bổ sung các đối tượng được hỗ trợ nhà ở xã hội, giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội hiện nay như vấn đề về cư trú, vấn đề về ưu đãi, về quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội…
Hiện này, Bộ đang khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn dưới luật để trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, đảm bảo có hiệu lực đồng bộ với Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua. Các chính sách mới này sau khi đi vào cuộc sống chắc chắn sẽ tạo động lực mới cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, tạo cơ sở vững chắc hơn nữa để thực hiện thành công Đề án “Phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.
Nhờ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, đến nay, cả nước đã hoàn thành 317 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 159.000 căn với tổng diện tích hơn 8,1 triệu m2. Hiện cả nước vẫn đang tiếp tục triển khai 419 dự án với quy mô xây dựng khoảng 432.500 căn có tổng diện tích khoảng 22,6 triệu m2.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhận định, kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu như Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2010-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong giai đoạn 2021-2025, theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030”, phấn đấu đến năm 2025 tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 428.000 căn hộ nhà ở xã hội.
Nhưng trên thực tế triển khai, trên địa bàn cả nước hiện nay mới hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng 20.210 căn; đã cấp phép hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư 419 dự án với quy mô xây dựng là khoảng 413.000 căn.
Một số đô thị lớn như Thành phố Hà Nội, theo Chương trình phát triển nhà ở của Thành phố giai đoạn 2021-2030 đã đặt mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thành 25.000 căn hộ tương đương 1,25 triệu m2 sàn, đến năm 2030 hoàn thành 110.000 căn hộ tương đương 5,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Mặc dù mục tiêu là vậy nhưng các dự án nhà ở xã hội vẫn phải được đẩy nhanh tiến độ và quyết tâm hoàn thành trong năm 2025 thì mới đạt mục tiêu Đề án đặt ra – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị dẫn chứng.
Thời gian qua, việc chăm lo, giải quyết nhà ở cho nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là một vấn đề quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội và là nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội; trong đó chú trọng việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các nhóm đối tượng chính sách, cũng như các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Thực hiện chủ trương này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các yêu cầu, định hướng mới về nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân và phê duyệt Đề án “Phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030” với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng tham gia thực hiện.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước Trung ương về nhà ở và thị trường bất động sản, những năm qua, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện trình Chính phủ, Quốc hội xem xét và đưa ra nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, phù hợp với điều kiện kiện thực tiễn của đất nước và của từng địa phương, mang lại những kết quả tích cực.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 năm 2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; trong đó có các chính sách tín dụng trực tiếp và thiết thực hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong 2 năm 2022-2023.
Cùng đó là Nghị quyết số 33/NQ-CP năm 2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; trong đó có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng thương mại.
Hệ thống chính sách được ban hành kịp thời đã tạo “trợ lực” quan trọng và cần thiết giúp thị trường bất động sản vượt qua thời điểm khó khăn nhất; đồng thời, tạo động lực thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở xã hội đang rất khan hiếm để đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận dân cư có thu nhập còn hạn chế.