Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Đổi mới công tác tuyển sinh, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của khối các cơ sở đào tạo
Sáng ngày 25/8, tại trụ sở Bộ VHTTDL, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì Hội nghị giao ban lần thứ 2 khối các cơ sở đào tạo thuộc Bộ.
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Lê Anh Tuấn, đại diện các cục, vụ, đơn vị liên quan và lãnh đạo 26 cơ sở đào tạo thuộc Bộ.
Phát biểu chỉ đạo mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian qua, các cơ sở đào tạo trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của của mình đã nỗ lực, cố gắng thực hiện nhiệm vụ đào tạo chất lượng cao cho ngành VHTTDL. Ở nhiệm kỳ này, Bộ xác định cần tăng cường và tập trung hơn nữa trong công tác đào tạo. Sau khảo sát cho thấy, công tác đào tạo có nhiều điểm nghẽn, cần đề cao vai trò quản lý nhà nước của Vụ Đào tạo.
Bộ trưởng cho rằng, cần kiến tạo chính sách, giải quyết điểm nghẽn, quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo.
Theo Bộ trưởng, mặc dù giữ vai trò hết sức quan trọng, nhưng khối các cơ sở đào tạo của Bộ mỗi năm chỉ có 2 hội nghị là khai giảng và tổng kết năm học là chưa đầy đủ. Khi đó, vai trò của lãnh đạo Bộ chỉ là đến chúc mừng thì chưa nắm được những khó khăn bất cập, điểm nghẽn của trường. Vì vậy, từ đầu năm 2023, Bộ trưởng đã yêu cầu tổ chức Hội nghị giao ban giữa khối các cơ sở đào tạo của Bộ. Hội nghị giao ban nhìn thẳng vào những vấn đề vướng mắc của khối để giải quyết. Cần khối đào tạo phải tiên phong, gương mẫu, cách làm phải đổi mới hơn nữa.
Bộ trưởng yêu cầu, tại Hội nghị, các đơn vị đào tạo căn cứ vào Kết luận ngày 31/3/2023 của Thứ trưởng Tạ Quang Đông thay mặt Lãnh đạo Bộ giao 11 nhiệm vụ cho các đơn vị. Từ 11 nhiệm vụ đó làm rõ các vấn đề:
Một là Kế hoạch, chất lượng đào tạo trong năm qua của các đơn vị có gì nổi trội, đã tiệm cận được nhu cầu của xã hội và đã đáp ứng được vai trò đào tạo nguồn lực như Nghị quyết Đại hội 13 nêu ra chưa?
Hai là Rà soát lại toàn bộ công việc, điểm trống trong quy chế, điểm nghẽn trong quản lý của các đơn vị nhà trường.
Ba là Toàn ngành đang tập trung giải quyết vấn đề khó khăn trong nguồn lực. Vậy trả lời cho Bộ trưởng biết, các đề án của Chính phủ ưu tiên đào tạo nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, được triển khai đến đâu? Nếu có điểm nghẽn thì trách nhiệm của Vụ Đào tạo hay các đơn vị ra sao? Vì sao đến nay không đảm bảo được chỉ tiêu tuyển sinh.
Bốn là Công tác quản lý tài sản, công tác nắm bắt sử dụng tài chính, giải quyết những vấn đề khó khăn bất cập. Khó ở đâu, vì sao có đơn thư tố cáo, công tác xây dựng các đơn vị như thế nào, đã đạt được sự đoàn kết trong nội bộ chưa?
Năm là Công tác chuẩn bị cho đào tạo tới đây khi năm học mới sắp bắt đầu.
Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo các cơ sở đào tạo làm việc nghiêm túc, trong phạm vi thẩm quyền của mình phải giải quyết, vượt thẩm quyền phải báo cáo lãnh đạo Bộ để giải quyết dứt điểm.
Từ 5 cách tiếp cận vấn đề mà Bộ trưởng gợi mở tại Hội Nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị đào tạo đã báo cáo Bộ trưởng về thực trạng đào tạo ở cơ sở.
Đại học Văn hóa Hà Nội trong năm học 2022 – 2023 có lượng sinh viên tốt nghiệp lớn nhất từ trước tới nay. Qua đánh giá sơ bộ, hầu hết tất cả 25 tiêu chuẩn trong 11 tiêu chí đều đạt, có những tiêu chí đạt mức cao. Hoạt động nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, sinh viên đạt chất lượng cao. Công tác đào tạo tài năng, sáng tác văn học không đăng ký chỉ tiêu, nhưng có 4 sinh viên đã tốt nghiệp theo diện tài năng, đều đạt được giải trong các cuộc thi về sáng tác văn học nghệ thuật.
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có sự phát triển đáng kể và là cơ sở đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ cho xã hội. Tuy nhiên, có khó khăn, hạn chế là sự chênh lệch trong tuyển sinh giữa các ngành khó tuyển nhất và ngành "hot" nhất.
Đối với Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, ông Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, việc đào tạo tài năng ở Nhà trường đạt hiệu quả tốt. Các sinh viên tài năng ở các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu đều đoạt những giải thưởng cao trong các Liên hoan trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Đình Thi rất mong mỏi Nghị định Quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật sớm được ban hành. Nghị định ra đời sẽ giải quyết được một số nút thắt liên quan đến đào tạo năng khiếu, gỡ khó cho các trường đào tạo có một số ngành khó tuyển như diễn viên kịch hát chèo, tuồng, cải lương, múa rối…
Ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo cho biết, trong thời gian vừa qua Bộ đã có phối hợp với các bộ ngành liên quan ban hành nhiều văn bản tạo cơ chế chính sách cho lĩnh vực đào tạo đặc thù.
Chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện mở ngành, liên quan đến các ngành đặc thù đã có quy đổi sao cho phù hợp, nhiều nội dung có giải quyết vướng mắc. Chỉ có 2 nội dung từ năm 2020 đang chờ Nghị định Quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật để giải quyết là đào tạo văn hóa phổ thông và đào tạo tại các cơ sở văn hóa nghệ thuật.
Đồng thời Bộ VHTTDL đã có ý kiến với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa hơn 20 ngành trung cấp, cao đẳng, du lịch vào danh mục đặc thù lao động nặng nhọc. Vụ Đào tạo sẽ đôn đốc việc này.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch tài chính cũng giải đáp những vấn đề liên quan đến tài chính, nhân lực của các đơn vị đào tạo.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, về nhân lực các khoa chuyên ngành của các cơ sở đào tạo của Bộ VHTTDL thiếu giảng viên trầm trọng, vì giảng viên đúng chuẩn theo trình độ đào tạo là Tiến sĩ, tiêu chuẩn hằng năm phải có bài báo trên tạp chí quốc tế, tham dự hội thảo khoa học quốc tế.
Theo Thứ trưởng, về đào tạo tài năng là vấn đề rất đáng lo lắng bởi liên quan đến nhiều luật khác nhau. Trong khi mỗi trường có một khó khăn riêng, có trường triển khai rất tốt, có trường lại rất hạn chế. Vì vậy, theo Thứ trưởng, các trường phải tháo gỡ rất kĩ càng, chi tiết để làm sao phát huy được hiệu quả của 2 đề án đào tạo tài năng và đào tạo chuyên sâu đặc thù.
Thứ trưởng cho rằng, các trường cần tiếp tục nâng cấp chuẩn giảng viên, động viên các giảng viên đi học đúng chuyên ngành ngành nghề lên tiến sĩ để bổ sung vào đội ngũ.
Cũng theo Thứ trưởng, kết luận tháng 3 vừa qua về 11 nhiệm vụ cho các đơn vị đào tạo vẫn còn có giá trị sử dụng, xin bảo lưu để các cơ sở tiếp tục nghiên cứu, triển khai.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Hội nghị giao ban được tiến hành trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, nhìn ra những điểm nghẽn về đào tạo để có giải pháp khắc phục.
Bộ trưởng đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn của đại biểu, trân trọng ý kiến có tính chất chỉ đạo về chuyên ngành của Thứ trưởng Tạ Quang Đông.
Theo Bộ trưởng, sau Hội nghị giao ban lần thứ nhất, chuyển biến căn bản nhất là công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đào tạo đã được tăng cường, việc đôn đốc, kiểm tra đã được tiến hành thường xuyên. Các cơ sở đào tạo cũng đã chú ý nhiều hơn đến chức năng quản lý, rà soát lại toàn bộ công việc cần ưu tiên để làm, mặc dù thời gian chưa nhiều nhưng bước đầu có sự chuyển biến đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều việc chưa hoàn thành. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục rà soát, bổ sung đề xuất cấp có thẩm quyền từng bước hoàn thiện thể chế chính sách cho công tác đào tạo.
Với tính chất đào tạo đặc thù, đòi hỏi có sự liên thông, phát hiện nhân tài, năng khiếu nhưng các cơ sở còn chưa làm được. Bài toán Bộ trưởng giao cho các cơ sở đào tạo là "có trường năng khiếu trong trường đại học hay không, trường nào thực hiện điều đó"? Theo Bộ trưởng, các trường cũng chưa làm được trong khi đây không chỉ là thể chế mà là bước đi để tháo gỡ căn bản những vấn đề bất cập trong chính sách đặc thù, trong đào tạo đặc thù.
Bài toán thứ hai là sự tham gia của các cơ sở đào tạo, Vụ Đào tạo, các cục, vụ, đơn vị liên quan trong việc xây dựng thể chế, chính sách. Sức sống của Nghị định liên quan đến các cơ sở đào tạo, có giải quyết được nhiều vấn đề căn bản của chúng ta? Bộ trưởng cho rằng đây là bài toán gốc.
Bài toán thứ ba, chúng ta đã phát hiện ra những mâu thuẫn trong luật Giáo dục. Từ vấn đề Hội đồng trường đến khả năng điều hành, nhưng tiếng nói của 26 cơ sở đào tạo này, báo cáo với cấp có thẩm quyền xem xét cho phù hợp, thuận lợi nhất, nhưng đến bây giờ vẫn chưa giải quyết.
"Lấy ba ví dụ đó để thấy rằng tháo gỡ bằng cơ chế mới là tháo gỡ cơ bản, bước đi mới bền vững"- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về cơ sở đào tạo, Bộ trưởng cho rằng, phương pháp tiếp cận từ khâu tuyển sinh cho tới đào tạo vẫn chưa được cải thiện.
Cần phải đổi mới trong tuyển sinh, tổ chức ngày hội tuyển sinh ở một tỉnh, một vùng nào đó để thu hút người đam mê theo ngành, kích thích, tạo sự hấp dẫn, quảng bá cho trường mình. Phải bắt đầu từ cái nhỏ để nói đến cái lớn hơn. Điểm nhấn cần làm để tạo sự khác biệt, nếu làm được điều đó sẽ không thể thiếu chỉ tiêu tuyển sinh.
Bộ trưởng cho rằng các cơ sở đào tạo thiếu chủ động trong đào tạo lại, trong bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, trình độ giáo viên. Nhà trường tốt phải có người thầy tốt. Lâu nay, công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, sát hạch lại giáo viên, hình thành giáo viên cơ hữu vẫn chưa được thực hiện.
Nêu thực tế có chỉ tiêu mà không tuyển được giáo viên, vì sao bao nhiêu thầy giỏi lại ra ngoài hết, Bộ trưởng đặt câu hỏi: "Ở ngoài chưa chắc đã được trả lương cao, phải chăng ở ngoài họ tạo điều kiện hơn cho môi trường công tác, sự thăng tiến, khả năng tỏa sáng về mặt nghề nghiệp?"
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nêu các vấn đề về quản lý, sử dụng ngân sách, khai thác cơ sở vật chất của các trường, nội bộ thiếu đoàn kết. Theo Bộ trưởng, nếu các cơ sở đào tạo đầu tư đúng, minh bạch, giảng viên, sinh viên thụ hưởng thì có hay không chuyện mất đoàn kết?
Bộ trưởng khẳng định, sự phối hợp, liên thông giữa các cơ sở đào tạo chưa cao, sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với cơ quan quản lý nhà nước chưa chặt chẽ. Nhắc lại câu nói "Muốn đi nhanh đi 1 mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau", Bộ trưởng cho rằng, chỉ có đoàn kết, phối hợp chặt chẽ mới có thể phát triển.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu, các cơ sở đào tạo đảm bảo mục tiêu cao nhất là đạt được chỉ tiêu tuyển sinh. Muốn vậy tập trung cao nhất cho công tác tuyển sinh, đổi mới cách thức tuyển sinh sinh, áp dụng sáng tạo, tăng cường truyền thông. Bên cạnh đó, chủ động rà soát chương trình đào tạo, luôn đổi mới giáo trình giáo án, đảm bảo yêu cầu của xã hội.
Cùng với đó, việc bổ sung đội ngũ giảng viên cần gắn với vị trí việc làm, xem xét bố trí giáo viên cơ hữu, giáo viên thỉnh giảng trong bộ môn mình đang có, để có hệ thống giáo viên phải đúng nghĩa là người thầy.
Tăng cường xây dựng đoàn kết nội bộ, phát huy công tác xây dựng Đảng, công đoàn, trong công tác hội nghị công chức viên chức, công bằng, minh bạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra.
Việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045 cần đưa khối đào tạo vào trong nhiệm vụ này.
Bộ trưởng giao Vụ Đào tạo khẩn trương rà soát, bám sát các văn bản quy phạm pháp luật đúng với nghị định của Chính phủ, rà soát các quy chuẩn thông tư của Bộ. Vụ Đào tạo tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước, xử lý dứt điểm những vấn đề ở cơ sở đào tạo.
Vụ Tổ chức cán bộ tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra giám sát, nhắc nhở các trường nâng cao công tác tuyển sinh, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ./.