Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: 'Làm thể thao phải đi từ gốc chứ không cắt ngọn'
Chiều nay (1/3), Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam (UBOVN) đã chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Ủy ban Olympic Việt Nam năm 2023 nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong năm 2022 và đề ra các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023.
Nhiều dấu hiệu tích cực trong đối ngoại thể thao
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau thành công tại SEA Games 31, bước vào năm 2023, Thể thao Việt Nam tích cực chuẩn bị tham gia SEA Games 32, Para Games 12 tại Campuchia.
Theo Bộ trưởng, để thực hiện những nhiệm vụ đề ra thì phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa UBOVN và Tổng cục TDTT để xem xét, đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu, cách thức tổ chức đội tuyển, huy động nguồn lực để đạt thành tích tốt nhất, làm tiền đề cho những giải đấu tiếp theo của châu lục và thế giới.
Trên tinh thần ngắn gọn, đi vào thực chất, Bộ trưởng yêu cầu phải đổi mới phương pháp tổ chức hội nghị, không mất quá nhiều thời gian vào báo cáo mà phải tập hợp, gửi trước tài liệu để các đại biểu nghiên cứu. Tại hội nghị chỉ trình bày những vấn đề lớn của kế hoạch có tính chất điểm nhấn.
Gợi mở nội dung làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết trong năm 2023 UBOVN đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, trong đó 2 nhóm nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Thứ nhất là làm thế nào để tạo ra sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh phong trào thể thao cho mọi người. "Lần này phong trào thể thao cho mọi người nên hướng vào nội dung trọng tâm nào để tránh sự dàn trải, không có điểm nhấn" - Bộ trưởng đặt vấn đề.
Nhóm nhiệm vụ thứ hai, theo Bộ trưởng cần tập trung cho công tác huấn luyện, đào tạo các VĐV để tham gia các đội tuyển thể thao. Mục tiêu trước mắt của thể thao Việt Nam là tập trung mọi nguồn lực cho SEA Game 32, nhiệm vụ là giữ được ngôi vị đã giành được tại SEA Games 31.
Một vấn đề khác mà Bộ trưởng nhấn mạnh đó là thu hút nguồn lực thông qua công tác đối ngoại của UBOVN. Sự chủ động tích cực hội nhập quốc tế là quan điểm nhất quán của Đảng, nhưng ở lĩnh vực thể thao chúng ta phải triển khai như thế nào, hướng về cái gì trên nguyên tắc hợp tác hai bên cùng có lợi? - Bộ trưởng đặt vấn đề, đồng thời gợi mở: "Phải chăng là chúng ta phải tăng cường mối quan hệ với Ủy ban Olympic Quốc tế và các tổ chức thể thao châu lục để bên cạnh với việc nâng tầm vị thế thể thao Việt Nam, qua đó cũng nhằm tìm kiếm đội ngũ HLV giỏi, nguồn lực nâng cao giải thưởng cho VĐV giúp VĐV động viên tinh thần, ổn định cuộc sống, bù đắp lại sự hy sinh của các VĐV".
Về việc này, trên cương vị Chủ tịch OBOVN, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thời gian qua đã có những dấu hiệu rất tích cực thông qua các cuộc đàm phán của ông với một số tổ chức, quỹ thể thao quốc tế.
Cần xây dựng rõ cơ chế phối hợp
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe ông Trần Đức Phấn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Phó chủ tịch UBOVN báo cáo về kế hoạch chuẩn bị và tham dự SEA Games 32 tại Campuchia.
Theo ông Phấn, căn cứ vào thông báo của Hội đồng Thể thao Đông Nam Á, Việt Nam sẽ tham dự 452/581 nội dung của 30/36 môn thể thao. Đối với môn Cricket, TP.HCM đã có văn bản đề nghị được tham dự bằng hình thức xã hội hóa. Đây đều là những môn mũi nhọn của thể thao Việt Nam và có khả năng giành huy chương vàng.
Trong đó, ông Trần Đức Phấn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành ít nhất 100 huy chương vàng, đứng tốp 3 các quốc gia dẫn đầu khu vực.
"Quá trình chuẩn bị cho SEA Games 32 cũng là để chuẩn bị cho Asiad 19 - sẽ diễn ra vào tháng 9 tới tại Trung Quốc. Để thực hiện nhiệm vụ kép, các VĐV và HLV đang hết sức nỗ lực" - ông Phấn cho hay.
Cũng tại hội nghị, ông Huỳnh Vĩnh Ái - Chủ tịch Hiệp hội Paralympic báo cáo về công tác chuẩn bị tham dự ASEAN Para Games 12. Theo đó, chỉ tiêu của Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam là nằm trong vị trí tốp các nước dẫn đầu khu vực. Các VĐV Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam sẽ tham gia thi đấu ở 8 bộ môn là: Điền kinh; Bơi; Cử tạ; Cầu lông; Bóng bàn; Cờ vua; Judo; Boccia.
Hội nghị cũng đã nghe một số ý kiến đề nghị như: Phải phân rõ trách nhiệm các thành viên là Liên đoàn, Hiệp hội thể thao; Cần quan tâm hơn nữa đến thể thao cho mọi người chứ không quá thiên về thể thao thành tích cao; Xây dựng rõ cơ chế phối hợp giữa Ủy ban và Liên đoàn, Liên đoàn và Tổng cục; Ngăn chặn những dấu hiệu tiêu cực trong thể thao, tránh làm ảnh hưởng hình ảnh, thành tích chung…
Làm thể thao phải đi từ gốc chứ không cắt ngọn
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng ghi nhận những ý kiến xác đáng, tâm huyết vì một mục tiêu xây dựng phong trào Olympic của Việt Nam ngày càng vững mạnh.
Dẫn lại những kết quả nổi bật của thể thao Việt Nam trong năm 2022 như tổ chức thành công và dành vị trí đứng đầu tại SEA Games 31, tổ chức Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IX với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: "Chúng ta đang đi đúng hướng theo cách phát triển mạnh mẽ phong trào thể thao cho mọi người, từ đó tìm kiếm các tài năng đưa vào đội tuyển để huấn luyện vào các đội tuyển để mang vinh quang về cho đất nước".
Theo Bộ trưởng, đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội UBOVN, bộ máy có hướng tinh hơn, gọn hơn nhưng dù sao vẫn chỉ là mô hình kiêm nhiệm. Có thể thấy, ưu thế của các thành viên UBOVN là có kinh nghiệm và trí tuệ, nhưng phần nào do tuổi tác và chưa có bộ máy giúp việc, điều đó dẫn đến việc nhiều vấn đề mới chưa cập nhật, vì vậy một số chủ trương, công việc có lúc có nơi chưa được triển khai chưa thỏa đáng.
"Vẫn còn tình trạng không rõ việc, phân vai chưa rõ ràng, chưa tạo ra được sức mạnh tổng hợp, vai trò kiểm tra, đôn đốc của các bộ phận chưa được thường xuyên, do đó một số mong muốn chính đáng vẫn chưa đạt yêu cầu" - Bộ trưởng nêu rõ, đồng thời yêu cầu phải rút kinh nghiệm sâu sắc để từ nay không được để xảy ra tình trạng này.
"Chúng ta phải đồng lòng, đồng sức và phải nhìn về một hướng, đặt lợi ích của thể thao nước nhà lên trên hết, trước hết" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBOVN yêu cầu.
Với những mục tiêu cụ thể đã đề ra trong năm 2023, Bộ trưởng yêu cầu cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trước hết, UBOVN phải kiến nghị Bộ VHTTDL làm rõ hơn vai trò quản lý nhà nước về thể thao, định hướng rõ hơn làm thể thao của các Liên đoàn, hiệp hội, đề cao vai trò xã hội hóa trong các hoạt động này.
"Thực hiện nghiêm, đúng điều lệ hoạt động của UBOVN, quy chế hoạt động của ban chấp hành, ban thường vụ…để chủ động phối hợp để tạo sự liên thông trong hoạt động của UBOVN" - Bộ trưởng yêu cầu.
Tiếp đó, các liên đoàn trên tinh thần tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm về kinh phí và trước pháp luật về các hoạt động. "Bộ chỉ quản lý trên lĩnh vực Nhà nước, UBOVN chỉ là cơ quan tạo mối liên hệ giữa các liên đoàn. Các liên đoàn phải chủ động rà soát, bổ sung phương hướng hoạt động một cách thực chất, hiệu quả, phân định rõ trách nhiệm" - Bộ trưởng nêu rõ.
Về vấn đề đối ngoại, Bộ trưởng cho rằng, ở đây không chỉ là mối quan hệ với các tổ chức quốc tế mà còn là giữa các liên đoàn với liên đoàn, liên đoàn với các cơ quan quản lý nhà nước và thành phần kinh tế xã hội, trên tinh thần là hợp tác hai bên cùng có lợi.
Trên cơ sở danh sách VĐV đã được triệu tập huấn luyện, Thường trực UB ra thông báo cho các liên đoàn để phối hợp với các trung tâm huấn luyện nhằm giải quyết, hỗ trợ, tạo điều kiện thêm cơ sở vật chất, chế độ dinh dưỡng, nguồn lực ngay từ khâu huấn luyện.
"Phải thay đổi tư duy, làm thể thao phải đi từ gốc chứ không cắt ngọn" - Bộ trưởng yêu cầu.