Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Nghiên cứu chính sách hỗ trợ để các nghệ nhân đờn ca tài tử giữ gìn bản sắc, truyền lửa cho các thế hệ tương lai
Tối nay (7/4), tại TP. Cần Thơ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức Lễ khai mạc Liên hoan Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ III và Lễ hội bánh dân gian Nam bộ Cần Thơ năm 2022 với chủ đề 'Hồn Việt phương Nam'.
Tới dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Về phía Bộ VHTTDL có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Đoàn Văn Việt. Dự buổi lễ còn có các lãnh đạo của TP.Cần Thơ.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, đất nước Việt Nam của chúng ta hết sức tươi đẹp, có nền văn hóa đặc sắc lâu đời, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của 54 dân tộc anh em, trong đó mỗi một dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt và quan trọng của văn hóa, di sản văn hóa dân tộc đối với sự phát triển của đất nước. Di sản văn hóa vừa là thành tố, vừa là phương tiện biểu đạt các giá trị văn hóa, thể hiện sâu sắc, bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn con người Việt Nam.
Cũng chính bởi lẽ đó, các thế hệ người Việt Nam đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc để tạo nên một nền văn hóa dân tộc giàu bản sắc. Những thành quả của văn hóa và nghệ thuật sáng tạo luôn luôn được giữ gìn, trao truyền và đã để lại một kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể đồ sộ, phong phú.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong kho tàng di sản đó, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là loại hình nghệ thuật sinh hoạt văn hóa gắn kết cộng đồng phản ánh tâm tư tình cảm, phù hợp với lối sống cần cù, cởi mở, phóng khoáng và can trường của người dân Nam bộ.
Bộ trưởng cho biết, những thập kỷ vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 21 tỉnh, thành khu vực Nam bộ đã chung sức chung lòng bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử theo hướng thích ứng với thời đại, sẵn sàng tiếp cận với cái mới để phát triển nhưng luôn giữ gìn bản sắc riêng của loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng này.
Để nghệ thuật Đờn ca tài tử tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy của văn minh nhân loại, của loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc, tiếp nối thành công từ các đợt Liên hoan Đờn ca tài tử lần thứ I tại Bạc Liêu và lần thứ II tại Bình Dương, năm nay, trong bối cảnh đất nước bước vào trạng thái bình thường mới, các hoạt động văn hóa, lễ hội, du lịch đã được mở lại sau 2 năm gián đoạn bởi dịch bệnh, Bộ VHTTDL đã chủ động phối hợp với TP.Cần Thơ tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử.
"Đây là minh chứng sống động nhất để khẳng định với cộng đồng quốc tế về cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, tôn vinh giá trị của văn hóa và ẩm thực" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, đây cũng là dịp để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người phương Nam với bạn bè, du khách quốc tế, cơ hội để xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch, góp phần vào sự phát triển của vùng đất Nam bộ.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chính là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam, qua đó khẳng định những giá trị và đóng góp của văn hóa Việt Nam đối với nền văn hóa chung của nhân loại. Cùng với niềm vinh dự đó là trách nhiệm phải bảo tồn và phát huy tốt hơn những giá trị của di sản.
Bộ trưởng đề nghị, trong thời gian tới, 21 tỉnh, thành trong khu vực Đông, Tây Nam bộ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động Quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, nâng cao chất lượng và phát triển phong trào đờn ca tải tử tại các địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
"Bên cạnh đó là làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá nghệ thuật Đờn ca tài tử trên các phương tiện truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin; nghiên cứu để có chính sách của địa phương nhằm hỗ trợ cho các nghệ nhân-những hạt nhân của nghệ thuật Đờn ca tài tử, để các nghệ nhân yên tâm phát huy hơn nữa niềm tự hào, tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc, truyền lửa cho các thế hệ tương lai, để tiếng đờn, tiếng ca lay động mãi mãi tới muôn đời sau" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Được biết, Liên hoan Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ III và Lễ hội bánh dân gian Nam bộ Cần Thơ năm 2022 diễn ra từ ngày 6-11/4 tại thành phố Cần Thơ với nhiều hoạt động như: Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử với chủ đề "Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản đất phương Nam"; không gian Đờn ca tài tử với sự tham gia của 21 tỉnh, thành Nam Bộ; triển lãm "Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam"; Lễ hội bánh dân gian Nam bộ./.