Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải trình về chậm giải ngân vốn
Giải trình trước Quốc hội về các dự án giao thông trọng điểm triển khai chậm, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cam kết, cuối năm 2019, Bộ sẽ đạt kế hoạch giải ngân tới 95%.
Ngày 30-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Chiều 30-10, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Gỡ nút thắt về giao thông cho các tỉnh
Đại biểu Tống Thanh Bình, đoàn ĐBQH Lai Châu cho biết, tuyến giao thông kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tuyến Nghĩa Lộ - Yên Bái với cao tốc Nội Bài - Lào Cai là hai tuyến giao thông có ý nghĩa hết sức quan trọng, kết nối các tỉnh Tây Bắc với các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, cho đến nay dự án vẫn chưa được bố trí vốn đối ứng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
“Để dự án được triển khai bảo đảm đúng tiến độ như đã cam kết với nhà tài trợ, đáp ứng sự mong mỏi bấy lâu nay của đồng bào, nhân dân các dân tộc vùng dự án, đề nghị Chính phủ xem xét bố trí đủ nguồn vốn đối ứng trong kế hoạch vốn năm 2020, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm dự án được khởi công trong quý 4 năm 2020 như đã cam kết với nhà tài trợ sau khi đã hoàn tất các thủ tục quy định”, ông Bình nói.
Đại biểu Bế Minh Đức, đoàn ĐBQH Cao Bằng phát biểu, các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số hiện nay vẫn là khu vực còn nhiều khó khăn nhất, là khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với cả nước, chỉ bằng khoảng 40% đến 50% trung bình cả nước. Điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm sự phát triển của các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số chính là hạ tầng giao thông. Vì thế, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên bố trí vốn để đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, kết nối khu vực miền núi, tạo điều kiện cho kết nối liên vùng, thúc đẩy vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế cửa khẩu, phát triển du lịch dịch vụ, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, trong đó có tỉnh Cao Bằng.
“Cao Bằng là tỉnh duy nhất chỉ có đường bộ, đường nhỏ hẹp, quanh co, đồi núi hiểm trở, đi lại khó khăn. Điều này đã làm cản trở sự phát triển cũng như kết nối với các địa phương trong vùng để phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, cử tri tỉnh Cao Bằng đề nghị Quốc hội, Chính phủ bố trí vốn để đầu tư tuyến đường cao tốc Đồng Đăng - Lạng Sơn - Trà Lĩnh - Cao Bằng”, đại biểu nói.
Cũng nêu tình trạng khó khăn này, đại biểu Võ Đình Tín, đoàn ĐBQH Đác Nông bày tỏ, hiện nay, Tây Nguyên chỉ có Quốc lộ 14 là con đường duy nhất kết nối hầu hết các tỉnh của vùng với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Trung. Nhưng đường này hiện nay đã quá tải, gây khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa khu vực Tây Nguyên.
Do đó, đại biểu xin kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cân đối, điều chỉnh, bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp và phát triển mạng lưới giao thông đường bộ cho các tỉnh Tây Nguyên. Đặc biệt, sớm có định hướng xây dựng đường cao tốc nối Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng để tạo động lực cho Tây Nguyên phát triển”, đại biểu nói.
Cuối năm 2019, Bộ Giao thông vận tải sẽ giải ngân đạt 95%
Trả lời về một số dự án giao thông trọng điểm triển khai chậm, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2019, Bộ là một trong ba đơn vị (cùng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) có vốn ngân sách lớn, 26 nghìn tỷ đồng nhưng hiện đang giải ngân chậm.
Về vốn đầu tư 10 nghìn tỷ đồng cho 11 dự án đường cao tốc Bắc – Nam và cho 14 dự án có vốn đầu tư 15 nghìn tỷ đồng mà Quốc hội thống nhất từ năm 2017. Đến thời điểm này, Bộ đã bàn giao cho 14 địa phương giải phóng mặt bằng. Theo tiến độ các địa phương cam kết, hết tháng 12 sẽ giải ngân được 4 nghìn tỷ đồng.
Trong 14 dự án giao thông cấp bách với vốn đầu tư là 15 nghìn tỷ đồng, từ nay tới cuối năm, Bộ sẽ khởi công 10 dự án. Hiện nay, các dự án này đang triển khai hoạt động đấu thầu và bàn giao mặt bằng. Trong ba nhánh đầu tư công, từ nay tới cuối năm, Bộ sẽ khởi công thêm 12 đấu thầu.
Theo Bộ trưởng, do nhiều công trình tập trung đầu tư, cuối năm mới khởi công nên một phần kinh phí sau khi khởi công sẽ cho nhà thầu tạm ứng giải ngân phần xây lắp. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ giải ngân 10 nghìn tỷ đồng.
Trả lời các đại biểu về một số dự án giao thông chậm giải ngân do liên quan đến vốn ODA (10 nghìn tỷ đồng), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ được giao mới một số dự án nối từ Lai Châu về cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Nghĩa Lộ - Yên Bái nối xuống cao tốc Hà Nội – Lào Cai, quốc lộ 19 ở Bình Định nối Tây Nguyên. “Những dự án này kinh phí rất lớn, nhưng được thông qua Quốc hội nên vốn chậm. Do đó, hiện nay có vốn nhưng chúng tôi triển khai tương đối chậm. Ngoài ra, một số dự án đang triển khai còn đang vướng mắc về thủ tục và vẫn đang điều chỉnh”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng khẳng định trước Quốc hội, từ nay tới cuối năm, bộ quyết tâm sẽ giải ngân bằng mặt bằng chung của cả nước là từ 90-95%.
Giao thông liên vùng sẽ tốt hơn
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, trong khoảng 5-10 năm nữa, việc hình thành mạng lưới giao thông sẽ giúp giao thông liên vùng tốt hơn.
Về giao thông khu vực phía Bắc, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục triển khai trục dọc như Hòa Bình, Sơn La… Liên kết trục dọc, bộ tập trung vào bốn dự án Quốc lộ 4C, Quốc lộ 4D, Quốc lộ 219 và Quốc lộ 37. “Tiến tới, chúng ta sẽ có trục ngang kết nối trục dọc để giao thông giữa các tỉnh vùng núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng được tốt hơn. Riêng vùng Đồng bằng sông Hồng, chúng tôi tập trung vào các đường vành đai của thủ đô Hà Nội và một số trục trong đó có tuyến đường sắt kết nối về Hải Phòng để phát huy cảng biển, đưa hàng hóa ra Hải Phòng”, Bộ trưởng nói.
Đánh giá về liên kết vùng của miền Trung tương đối tốt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tại khu vực này, có các trục tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, đường biển, Quốc lộ 1A và thời gian tới sẽ kết nối đường cao tốc TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Hiện nay, khu vực này cũng đang triển khai đường biển và sẽ tập trung kết nối trục ngang, kết nối vùng ven biển với Tây Nguyên.
Tại khu vực miền Đông Nam bộ, hiện bộ đang tập trung cho hai con đường tại TP Hồ Chí Minh là con đường vành đai 3, 4 và cao tốc TP Hồ Chí Minh – Tây Ninh, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, sân bay Quốc tế Long Thành.
Tây Nam bộ, Bộ Giao thông vận tải tập trung vào đường cao tốc Cần Thơ kết nối Cà Mau, Quốc lộ 60, đường từ Củ Chi qua Đồng bằng Tháp Mười đến Kiên Giang.
Ngoài ra, bộ cũng đang nghiên cứu bốn trục ngang của Đồng bằng sông Cửu Long gồm Quốc lộ 62, Quốc lộ 30, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, đường ngang phía Tây. Với ba trục dọc và bốn trục ngang, trong tương lai, giao thông đường bộ khu vực này có nhiều thay đổi. Bộ sẽ tập trung cho cảng biển lớn ở đây để tạo đột phá cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.