Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ tại Quảng Bình
Sáng 22-10, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai kiểm tra công tác phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Theo báo cáo của UBND huyện Lệ Thủy, có thời điểm trên địa bàn huyện, lũ ngập sâu đạt mức cao nhất 4,88m, vượt tất cả các đỉnh lũ trước đây đã khiến 26 xã, thị trấn trên toàn huyện bị ngập, trong đó 32.000 hộ ngập sâu. Toàn bộ lực lượng đã hỗ trợ giúp nhân dân sơ tán từ chỗ thấp lên cao (đã di dời 1.600 hộ dân).
Đến ngày 22-10, nước trên địa bàn Lệ Thủy đang rút nhanh nhưng vẫn còn 1.000 hộ dân bị ngập, 11 nhà dân bị sập hoàn toàn. Hiện tại, UBND huyện Lệ Thủy đã thành lập 2 điểm cứu trợ và toàn bộ dân bị lũ cô lập đã nhận được lương thực, thực phẩm, nước uống. Chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục nỗ lực vận chuyển hàng cứu trợ về cho nhân dân.
Tại buổi làm việc, ông Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, trong đợt lũ này, toàn tỉnh Quảng Bình có 8 người chết, 40 người bị thương. Tuy nhiên, sau lũ người dân địa phương gặp phải muôn vàn khó khăn như lương thực, thực phẩm, khôi phục sản xuất, xử lý môi trường… Tỉnh Quảng Bình quyết định hỗ trợ ngay 1 hộ gia đình bị ảnh hưởng do lũ lụt số tiền 1 triệu đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng mong Chính phủ, các bộ, ngành, lực lượng vũ trang hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả, giúp nhân dân ổn định cuộc sống.
Phát biểu kết luận kiểm tra, Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, đây là đợt mưa lũ lịch sử nhưng chính quyền địa phương, các đơn vị vũ trang đã vào cuộc rất kịp thời, quyết liệt đã giảm được thiệt hại về tính mạng của nhân dân. Cùng với đó, nhân dân cả nước cũng đã nhanh chóng chung tay với đồng bào miền Trung trong đó có huyện Lệ Thủy để nhân dân không bị thiếu đói.
Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu tập trung lực lượng cứu trợ, không để dân thiếu ăn, thiếu nước uống. Tổ chức tiếp nhận cứu trợ có căn cơ vừa đảm bảo đến tay người dân, vừa an toàn cho người đi cứu trợ; nhanh chóng có kế hoạch khắc phục, giúp nhân dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Đồng thời, khẩn trương chuẩn bị các biện pháp ứng phó với cơn bão số 8. Khi nước rút, tập trung đánh giá thiệt hại về cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi… để có biện pháp khắc phục.